Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đồng tiền đã xuyên cả vào giáo dục, y tế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đồng tiền đã xuyên cả vào giáo dục, y tế
TP - Ngày 7/12, tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết hiện nay có hiện tượng chạy theo đồng tiền mà coi thường giá trị con người. “Đồng tiền đã chà đạp, xuyên cả vào giáo dục, y tế, công tác đào tạo cán bộ,... cái gì cũng phải bôi trơn, cái gì cũng phải lót tay”.

> Chống tham nhũng, toàn dân, toàn Đảng đều phải vào cuộc
> Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trị tận gốc tham nhũng

Chạy theo đồng tiền, coi thường giá trị con người

Trước đó, cử tri Trần Ngân Hoa (P. Hàng Buồm) cho biết nhân dân rất hoang mang vì những vụ việc như sản phụ tử vong, trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vacxin, vụ nhân bản mẫu xét nhiệm huyết học, thẩm mỹ viện Cát Tường... Còn cử tri Nguyễn Văn Phúng (Ngọc Khánh) cho rằng tiêu cực trong giáo dục xuất hiện từ cấp mầm non trở đi.

Đánh giá về việc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với tỷ lệ nhất trí cao, Tổng Bí thư khẳng định: “Hiến pháp đọc thoáng qua thì thấy bình thường, nhưng nghiên cứu kỹ thì thấy rất sâu xa. Có những điều nói tưởng như không sửa nhưng thực ra là sửa rất quan trọng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: Đúng là trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, vấn đề y tế nổi lên với nhiều vụ việc đau lòng dồn dập khiến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến rất khổ tâm, “mặt buồn rười rượi”. Nhiều việc nằm ngoài dự liệu, tính toán và cũng gây lúng túng cho Bộ trưởng Y tế, nhưng hiện nay Bộ đang tích cực xử lý và Quốc hội đang theo dõi giám sát.

“Tất cả cũng do đồng tiền, chạy theo lợi nhuận, coi thường giá trị con người. Đó là mặt trái của kinh tế thị trường. Đồng tiền chà đạp, xuyên cả vào giáo dục, y tế, công tác đào tạo cán bộ. Cái gì cũng phải bôi trơn, cái gì cũng phải lót tay. Thành cái nếp rất khó chịu”, Tổng Bí thư nói.

Những trăn trở, băn khoăn, bức xúc của cử tri, đặc biệt là những vấn đề đã lâu chưa được giải quyết như giao thông đô thị, giá cả tăng… Tổng Bí thư chia sẻ có nhiều khó khăn nảy sinh trong quá trình đất nước phát triển đi lên. Có những vấn đề giải quyết được ngay, nhưng có việc cần có thời gian. Vì vậy mong cử tri và nhân dân góp sức với Đảng, Nhà nước giải quyết.

Bộ máy còn cồng kềnh

Cử tri phản ánh, có cán bộ làm tối ngày không hết việc, có người lại vừa làm vừa chơi vẫn nằm trong biên chế, hưởng lương. Cử tri Lê Thanh Giang (P. Phúc Xá) đề xuất nên ra một luật về công tác cán bộ, kiểm tra từ khâu đào tạo tới sử dụng cán bộ. Cử tri Bùi Việt Hùng (P.Quan Thánh) đề nghị làm rõ số liệu công chức “cắp ô” là bao nhiêu, cứ để tình trạng này thì đất nước không phát triển được.

Tổng Bí thư cho biết, biên chế đang phình ra bởi nhiều nguyên do khiến “bộ máy cồng kềnh”. Ví dụ Hà Nội đang lo tách huyện Từ Liêm làm 2 quận, biên chế có tăng không? Không tăng, không tách ra thì không được vì quy mô huyện Từ Liêm quá chật. Nhưng tách ra thì bộ máy phải có nhân sự.

Tổng Bí thư khẳng định Bộ Chính trị đã quyết định từ nay tới năm 2015-2016 về cơ bản không được tăng tổng biên chế của cả nước. Và biên chế hàng năm phải do Bộ Chính trị xem xét quyết định trên cái khung tổng thể. “Nhưng quan trọng là số người làm việc thực sự là bao nhiêu. Một người làm giỏi bằng mấy người lớt phớt láng cháng”, Tổng Bí thư nói.

Trước kiến nghị của cử tri Trần Duy Hùng về việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm mất cơ hội của các sinh viên mới ra trường, Tổng Bí thư cho biết về việc tăng tuổi lao động vẫn đang trong quá trình xây dựng, chuẩn bị đề nghị chứ chưa quyết ngay. Cho rằng việc già hóa dân số là điều đáng mừng vì chứng tỏ tuổi thọ của chúng ta cao, nhưng Tổng Bí thư cũng lo ngại việc già hóa khiến tỷ lệ người lao động ít đi, tỷ lệ hưởng trợ cấp cao lên, “dẫn đến tình trạng tre già không có chỗ để cho măng mọc”.

Chống tham nhũng, Đảng không làm thay

Cử tri Nông Quang Lộc (P. Hàng Mã) kiến nghị ngoài việc xử nghiêm, xử quyết liệt tham nhũng còn phải thu hồi được tiền của kẻ tham nhũng. Nếu không kết quả chống tham nhũng sẽ hạn chế. Còn cử tri Nguyễn Sang (P.Hàng Bông) cho rằng lãng phí nguy hiểm hơn cả tham nhũng. Vì lãng phí như là cháy nhà không thể thu lại cái đã mất đi.

Tổng Bí thư khẳng định, vấn đề tham nhũng lãng phí rất nhức nhối và đã nói nhiều. Tham nhũng là vấn đề của mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi thời kỳ. Ngày xưa trong thời bao cấp đã có chuyện như “làm nhỏ ăn nhỏ, làm to ăn to”, “cầm ô thì phải mát cán”... Có quyền lực trong tay thì có tham nhũng. “Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng”, Tổng Bí thư nói.

Về vấn đề phòng chống tham nhũng, chúng ta phải làm kiên trì lâu dài, những khâu nào yếu thì tập trung tháo gỡ, xây dựng cơ chế luật pháp để trị từ gốc. Xảy ra, phải xử cho nghiêm cho nhanh theo đúng tinh thần của pháp luật.

Về vai trò của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng T.Ư, Tổng Bí thư khẳng định Đảng không làm thay các cơ quan chức năng nhưng lãnh đạo chỉ đạo, phối hợp, điều hòa, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTN.

“Ban chỉ đạo PCTN T.Ư không phải cây đũa thần giải quyết mọi vấn đề tham nhũng, phải toàn dân làm, toàn đảng làm. Ban chỉ đạo PCTN T.Ư phải làm đúng chức năng nhiệm vụ, làm đúng vai, thuộc luật pháp, cơ chế chính sách. Tăng cường kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo phát hiện ra khâu nào yếu, khâu nào kém chỉ đạo để tháo gỡ. Tinh thần nói vừa thôi. Nói nhiều không làm được càng mất uy tín”, Tổng Bí thư nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an làm việc với người tung tin thất thiệt 'mẹ sát hại con để lấy tiền bảo hiểm'
Công an làm việc với người tung tin thất thiệt 'mẹ sát hại con để lấy tiền bảo hiểm'
TPO - Công an đã mời người livestream phát tán thông tin về vụ việc gây sốc ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Người này thừa nhận do suy nghĩ thiếu chín chắn nên đã livestream có nội dung sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân và tác động ảnh hưởng tiêu cực tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Vì sao giá lợn hơi tăng cao bất thường?
Vì sao giá lợn hơi tăng cao bất thường?
TPO - Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về nhu cầu thịt lợn, ước tính lượng thịt lợn tiêu thụ/đầu người xấp xỉ 37 kg/người trong năm 2024. Chăn nuôi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước góp phần khiến giá lợn tăng cao thời gian qua.
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Hơn 3.000 quân nhân và dân quân bắt đầu vào Nam hợp luyện diễu binh, diễu hành

Hơn 3.000 quân nhân và dân quân bắt đầu vào Nam hợp luyện diễu binh, diễu hành

TPO - Sau nhiều ngày tập luyện và hợp luyện tại các đơn vị và Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội), tối 3/4, hàng nghìn quân nhân thuộc các khối diễu binh, diễu hành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã rời ga Hà Nội trên hai chuyến tàu hỏa để cơ động vào miền Nam hội quân với các đơn vị bạn tiếp tục hợp luyện chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Đoàn kiều bào dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Đoàn kiều bào dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

TPO - Sáng 3/4 (tức ngày 6/3 âm lịch), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tổ chức Đoàn kiều bào gồm gần 50 đại biểu từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, dâng hương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì.