Tiêu hủy 20.000 đồ chơi xuất xứ Trung Quốc

Tiêu hủy 20.000 đồ chơi xuất xứ Trung Quốc
TP - Lần đầu tiên, thanh tra chuyên đề diện rộng về đồ chơi trẻ em được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiến hành tại 62 tỉnh, thành phố. Kết quả, 20.000 sản phẩm đồ chơi bạo lực, hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc đã bị tiêu hủy.

> Mỹ tịch thu đồ chơi Trung Quốc chứa chất độc
> Bé tắc ruột vì hạt nở đồ chơi Trung Quốc

Ẩn họa khó lường

Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, đợt thanh tra chuyên đề thực hiện trong tháng 8 và 9/2013, trùng với dịp Tết Trung thu. Tại 62 tỉnh, thành, đã thanh tra 1.708 cơ sở (41 cơ sở sản xuất, 18 cơ sở nhập khẩu, 1.649 cơ sở kinh doanh) đồ chơi trẻ em. Kết quả, có 672 cơ sở vi phạm với 808 hành vi vi phạm.

Ngoài việc thanh tra, Bộ KH&CN cũng chỉ đạo Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tiến hành kiểm tra việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh đồ chơi trẻ em ở 23 tỉnh, thành. Cục đã kiểm tra 342 cơ sở với ba cơ sở sản xuất, sáu cơ sở nhập khẩu và 333 cơ sở kinh doanh. Kết quả, có 160 cơ sở vi phạm, phạt 135 triệu đồng. Như thế năm nay có 832/2.050 cơ sở vi phạm, chiếm 40,6%, tổng tiền phạt 570 triệu đồng.

Các vi phạm chủ yếu là ghi nhãn hàng hóa với 550 cơ sở. 178 cơ sở vi phạm về gắn dấu hợp quy. Điều đáng nói 20.000 sản phẩm trị giá gần 600 triệu đồng buộc phải thiêu hủy hoàn toàn. Hầu hết các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc thuộc hai nhóm đồ chơi bạo lực và đồ chơi không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường như không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận hợp quy hay không có tem nhãn. Các sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao cho trẻ khi sử dụng.

Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho hay, đợt thanh tra vừa qua, Sở KH&CN Hải Phòng phải tiêu hủy hàng trăm sản phẩm đồ chơi trẻ em. Nhiều sản phẩm tương đối phổ biến như bóng bay, đàn thú nhựa nhập khẩu từ Trung Quốc. Các sản phẩm này không đạt một số chỉ tiêu hóa, cơ lý.

Khó kiểm soát chất lượng

Đợt thanh tra 1.708 cơ sở lần này, chỉ lấy được 234 mẫu kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, có 23 mẫu vi phạm. Trong số 342 cơ sở được Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa kiểm tra, lấy 50 mẫu, có một mẫu vi phạm.

Theo ông Trần Minh Dũng, việc lấy mẫu chỉ tập trung vào các cơ sở lớn, có đăng ký, chứng nhận hợp quy. Với các cơ sở nhỏ lẻ, sản phẩm không đăng ký hợp quy, không có tem nhãn, không nguồn gốc xuất xứ thì xử lý ngay, không lấy mẫu.

Trong khi đó, với 1.649 cơ sở kinh doanh được thanh tra, chỉ có 94 siêu thị, đầu mối lớn, còn1.555 cơ sở (94,3%) buôn bán nhỏ lẻ. Nhiều cơ sở không chính danh như bán văn phòng phẩm, bán tạp hóa kèm đồ chơi trẻ em. Với các cơ sở này, theo ông Dũng, việc lấy mẫu rất khó khăn, vì mỗi sản phẩm chỉ có vài đơn vị sản phẩm, không đủ để cơ quan thanh tra lấy mẫu kiểm nghiệm. Vì thế, rất khó kiểm nghiệm chất lượng các sản phẩm đồ chơi của các cửa hàng nhỏ lẻ.

Theo ông Dũng, để kiểm soát tận gốc chất lượng đồ chơi trẻ em, cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn như tăng cường trách nhiệm của cơ sở chứng nhận với nhà sản xuất, nhập khẩu, tăng cường thanh tra, kiểm tra tận gốc, phối hợp với các cơ quan truy nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, đồ chơi trẻ em rất đa dạng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn, sức khỏe.Việc ngăn chặn phụ thuộc nhiều vào ý thức của phụ huynh khi lựa chọn sản phẩm.

Lo ngại “bom thối” ở cổng trường

Thời gian gần đây, nhiều cổng trường học ở Hà Nội xuất hiện sản phẩm trò chơi “bom thối” nhãn hiệu Trung Quốc. Sản phẩm là một túi hình chữ nhật có in chữ bomb kèm hình quả lựu đạn và đầu lâu, phía trong đựng chất lỏng màu hồng. Khi vứt xuống đất, giẫm chân lên thì “bom thối” sẽ phát ra tiếng nổ, kèm theo là mùi thối bốc lên nồng nặc. Mặt hàng này giá từ 2.500 đến 4.000 đồng đang được bán khá chạy tại các cổng trường tiểu học, trung học cơ sở. Chất lỏng bên trong là gì, có nguy hại đến sức khỏe hay không chưa được kiểm chứng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG