Ở ngôi làng rất hiếm đám cưới
> 'Ly Ly' vọng một nhịp cầu
> Kỳ bí độc dược dưới chân Cao Mô Xe
Phải đến 3-4 năm, ở làng Hồng Lam (Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) mới có một bữa cỗ nhỏ để làng xóm mừng hạnh phúc cho cô dâu, chú rể.
Người dân trong vùng gọi làng Hồng Lam là ốc đảo bởi nó tách biệt với thế giới bên ngoài bởi dòng sông Lam. Bao bọc xung quanh làng là sông nước mênh mông, phương tiện vào đây chỉ có duy nhất một chiếc đò đơn sơ. Trước đây, làng có khoảng 300 hộ dân, hiện tại còn 202 hộ, với những gia đình chỉ có người già, người trung niên sinh sống. Không khí buồn bã và đìu hiu bao trùm lấy ngôi làng.
Con đường duy nhất để vào làng Hồng Lam là đi đò từ bến Xuân Giang. Ảnh: Hồng Nhung. |
Người dân Hồng Lam sống chủ yếu nhờ trồng lạc, trồng cói nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. "Người ta gọi quê chúng tôi là làng khổ. Lớn lên, con em thấy nhà nghèo quá đều rời quê hương đi làm ăn. Chỉ có một số ít không đi được đâu nên mới ở lại thôi", ông Nguyễn Lục, trưởng thôn Hồng Lam, cho biết.
Số lượng thanh niên ở làng ngày càng ít nên đám cưới cũng trở thành điều hiếm thấy ngay cả trong mùa cưới. Thi thoảng, trong làng mới có vài ba lễ liên hoan chia vui với các đôi uyên ương. Còn để tổ chức một lễ cưới thực sự có đưa đón, rước dâu thì đếm trên đầu ngón tay.
Người ngoài còn đồn rằng ở làng cả chục năm nay không có đám cưới. Theo lời ông Lục, thỉnh thoảng vẫn có gia đình báo tin hỷ nhưng cũng hiếm. Nhiều làng khác trong xã, cứ dăm bữa, nửa tháng lại nghe tiếng loa, tiếng nhạc đám cưới. Nhưng ở Hồng Lam, khoảng 3-4 năm, mới có một đám cưới được tổ chức. Trong năm vừa rồi, cũng có một bữa cỗ nhỏ để làng xóm mừng cô dâu chú rể ra mắt.
Một góc chợ tạm lụp xụp trong làng. Ảnh: Hồng Nhung. |
Ngày ngày, người dân làng phải đi đò qua sông để lao động, buôn bán với bên ngoài. Ai cũng thầm ước có một chiếc thuyền to, chở được nhiều người hơn hay có cây cầu bắc qua sống cho tiện đường đi lại. "Nếu có cầu, chắc làng sẽ không ế đám cưới nữa đâu", một người dân đi đò mong ngóng.
Trong làng có chợ tạm, trường học, điểm bưu điện văn hóa nhưng mọi thứ đều rất ảm đạm, lẻ tẻ vài bóng người qua lại. Trường tiểu học Xuân Giang II chỉ có 31 học sinh, lớp học đông nhất là 10 người. Trước đây, trường từng có hơn 200 học sinh nhưng số lượng ngày càng giảm dần. Đến năm học 2008-2009, trường chỉ còn 56 em, năm ngoái có 38 học sinh và hiện tại là 31 em.
"Do khó khăn trong sinh hoạt nên phụ huynh đưa các em đi nơi khác sinh sống và học tập. Hơn nữa, tỷ lệ sinh ở đây thấp, vì đa số toàn người già và trung niên. Thành ra cứ mỗi năm qua đi, số học sinh lại giảm dần", cô Minh, giáo viên trong trường, cho biết.
Trong làng Hồng Lam, rất nhiều người cha, người mẹ như ông Trung phải để con cái đi xa lập nghiệp. Ảnh: Hồng Nhung. |
Trạm y tế xã đặt trong làng có 2 người trực, hoạt động dựa trên nguồn tiền dân làng đóng góp. Những chiếc lều nhỏ lụp xụp được dựng lên thành chợ tạm để người dân buôn bán.
Ông Trần Đình Trung, người thôn Hồng Lam, có ba đứa con trưởng thành nhưng đều vào Đồng Nai làm việc rồi lấy vợ lấy chồng. "Cũng tại khổ quá nên mới đi xa quê thôi, hàng năm lũ vào là mất hết mùa màng", ông Trung buồn rầu chia sẻ cảnh phải sống xa con cái.
Cũng như con ông Trung, hầu hết thanh niên trong làng đều đi làm công nhân hết. Chỉ có đôi người học hành được, ra Hà Nội rồi làm việc ngoài đó luôn.
Theo Hồng Nhung
VnExpress