Ô tô điện 'rồng rắn' phố cổ Thủ đô

Ô tô điện 'rồng rắn' phố cổ Thủ đô
TP - Sau 3 năm thí điểm, ô tô điện du lịch xanh phố cổ Hà Nội chưa cho thấy hiệu quả quảng bá du lịch Thủ đô, nhưng đem đến nhiều ấn tượng không tốt, chưa kể, giao thông nội đô Hà Nội phải “gồng mình” để chứa thêm phương tiện mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại muốn mua thêm xe, phát triển loại hình này.

> Chạy hai năm chưa được đăng kiểm
> Xe điện chưa có đăng kiểm: Thí điểm quá lâu

Chạy loạn xạ, nối dài như tàu điện

Có tốc độ chậm (tối đa 20 km/h), máy êm, không khói bụi, nhưng xe ô tô điện đang gây sức ép không nhỏ cho khu vực phố cổ với lòng đường hẹp, mật độ giao thông lớn.

Anh Nguyễn Hùng (chủ cửa hàng ở số 35B phố Thuốc Bắc) cho biết “Do xe điện chạy chậm nên vào lúc cao điểm, 10 giờ sáng và 5 giờ chiều, các phương tiện khác rất khó di chuyển”.

Với tổng số 30 xe điện hoạt động (thuộc Cty CP Đồng Xuân) là không lớn, nhưng do tần suất hoạt động cao, trên phạm vi hẹp nên dễ gây ùn tắc. Thiếu úy Nguyễn Duy Long (Công an phường Hàng Mã) chốt tại ngã tư Hàng Mã - Hàng Lược cho rằng: Về kích cỡ, xe điện bằng ô tô, chiếm diện tích lớn.

Ngoài ra, do tốc độ phương tiện này chậm nên dễ gây ra ùn ứ. Theo thiếu úy Long, số lượng xe điện như hiện nay là phù hợp; nếu tiếp tục tăng sẽ gây áp lực cho giao thông phố cổ.

Số lượng chưa phải là điều đáng lo so với cách thức điều hành xe điện. Anh Thành (số nhà 12 phố Nguyễn Siêu) cho biết: “Nếu xe điện đi riêng lẻ sẽ ít bị ảnh hưởng; đằng này, nhiều khi xe đi thành đoàn, 5-7 chiếc. Lúc đó, cả phố chật như nêm”.

Qua nhiều ngày quan sát, nhóm PV Tiền Phong chứng kiến trên một tuyến phố ngắn, có khi xuất hiện đến gần 10 xe điện, dài như đoàn tàu.

Ông Đỗ Xuân Thủy - Giám đốc Cty CP Đồng Xuân cho biết, xe ô tô điện phải chạy theo một số luồng tuyến nhất định.

Tuy nhiên, nhiều khi khách hàng yêu cầu rút ngắn hành trình nên công ty buộc phải thay đổi (luồng tuyến). Việc thay đổi này là hạn chế và được công ty kiểm soát.

Tuy nhiên, không ít lần, nhóm PV Tiền Phong bắt gặp đoàn xe điện đang lưu thông, thấy giao thông phức tạp lái xe sẵn sàng bỏ lộ trình tham quan đặt trước.

Xe sân golf sao cho chạy đại trà?

Ông Đỗ Xuân Thủy cho biết, sau 3 năm thực hiện thí điểm xe điện phục vụ hơn 1,2 triệu lượt khách. Thấy hiệu quả, công ty này đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm thêm 3 năm và mở rộng phạm vi hoạt động.

Thực tế, con số 1,2 triệu khách đó còn nhiều điểm đáng ngờ. Công ty này công bố, vé được bán cho từng người với mức 20.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, khi PV Tiền Phong đến quầy vé (tại bờ Hồ Hoàn Kiếm), nhân viên bán vé báo không có vé lượt mà chỉ bán cho toàn xe là 150.000 đồng/xe/35 phút hoặc 250.000 đồng/xe/1giờ.

Đề nghị được đi ghép với các khách khác, nhân viên chỉ cho khách ngồi đợi dưới gốc cây. Dù có nhiều xe xuất phát với 2 người/xe (chủ yếu là khách nước ngoài), nhưng nhân viên không chủ động ghép. Chính vì thế, dù xe trống chỗ, công ty vẫn thu đủ tiền, để mặc sự ùn tắc cho dân phố cổ chịu.

Thái độ phục vụ khách du lịch của dịch vụ này còn nhiều điều phải bàn. Lái xe nữ mặc áo trắng đuôi tôm lòe xòe, vừa lái xe vừa ngáp, không lấy tay che miệng; nhân viên liên tục phì phèo thuốc lá khi giao tiếp với khách.

Khi khách hỏi bằng tiếng Anh, đa số nhân viên lúng túng, chỉ tay về phía bảng hướng dẫn. Ông Đỗ Xuân Thủy nói: “Việc không bán vé lẻ là một thiếu sót. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm. Còn tiếng Anh, vẫn cho nhân viên học thường xuyên”.

Trước đề nghị tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động (cùng với đó là tăng phương tiện), ông Nguyễn Việt Hà, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông quận Hoàn Kiếm cho rằng: Việc duy trì và phát triển loại phương tiện này tới các quận khác sẽ gây xáo trộn dòng phương tiện, dễ gây tai nạn, đặc biệt là tại các điểm giao cắt.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, ở các nước, ô tô điện loại này chỉ được chở khách trong các khu du lịch, sân golf, nơi có đường thẳng, không cua gấp.

Ở Việt Nam, cho chạy ra các phố du lịch đã là “ưu tiên”, không nên mở rộng. Theo đó, các cơ quan chức năng cần công bố rộng rãi lộ trình của các loại phương tiện này để người dân giám sát.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có 2 doanh nghiệp, gồm: Cty CP Đồng Xuân hoạt động tại khu vực phố cổ (theo luồng tuyến nhất định), Cty TLC Hồ Tây hoạt động tại tuyến đường xung quanh Hồ Tây. Việc để xe của các DN này đi ra các vùng khác là trách nhiệm của thanh tra giao thông, CSGT và cảnh sát khu vực.

“Vượt rào” phục vụ cưới hỏi

TLC Hồ Tây là doanh nghiệp thứ 2 cung cấp dịch vụ du lịch bằng xe điện với khoảng 20-30 xe. Chỉ được phép hoạt động trên đường quanh bờ Hồ Tây, tuy nhiên, đơn vị này công khai mời chào trên báo chí, website riêng dịch vụ xe điện phục vụ đám hỏi, đám cưới. “Bên em có thể chạy được ra khu vực gò Đống Đa (quận Đống Đa). Vấn đề ngoài tuyến hay công an dừng xe giữa đường, chúng em lo hết” – nhân viên doanh nghiệp này nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh lí giải chuyện đạt IELTS 7.0 được công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh lí giải chuyện đạt IELTS 7.0 được công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh
TPO - Liên quan đến chế độ đặc cách công nhận học sinh có điểm IELTS từ 7.0 trở lên thành học sinh giỏi cấp tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Lê Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, chính sách này đã nâng cao chất lượng học ngoại ngữ của học sinh. Điều này được minh chứng qua sự gia tăng liên tục về thứ hạng điểm trung bình môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm.