Có bao nhiêu công chức không làm được việc?

Có bao nhiêu công chức không làm được việc?
TP - Ngày 20/11, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) lấy chuyện bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng từ Vinalines về Cục Hàng hải chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình về công tác bổ nhiệm cán bộ.

> Công chức không làm được việc: Phải có giải pháp quyết liệt
>Vụ Ngân hàng CSXH tìm mộ: 'Con sâu làm rầu nồi canh'

“Có hay không việc bổ nhiệm cán bộ đôi khi theo tình nhiều hơn là theo lý, chẳng hạn biết ông Dương Chí Dũng làm không tốt, thậm chí còn vi phạm ở Vinalines lại đưa về làm Cục trưởng Cục Hàng hải để quản lý?” - ĐB Huệ chất vấn. Từ ví dụ này, ông Huệ đi đến nhận định, với cách bổ nhiệm đó, “một số cán bộ làm không tốt ở một đơn vị này được chuyển sang làm ở cơ quan khác, ở vị trí thuận lợi hơn”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thẳng thắn: “Nếu quan hệ giữa tình và lý minh bạch, nếu tình chân chính trong sáng thì khuyến khích, còn tình mà bè phái thì kịch liệt phản đối”. Ông Bình cho rằng, cần tăng cường thanh tra, xử lý nếu phát hiện vi phạm. Quan điểm của Bộ là đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng trong tuyển công chức, viên chức (CCVC).

Biên chế tăng, chất lượng đi xuống

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), trong tổng số hơn 2,2 triệu CCVC hiện đang có đến 64.000 CCVC chưa qua đào tạo chuyên môn là điều “rất đáng buồn”. “Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có dư luận 30% cán bộ, công chức không làm được việc, con số này thực hư ra sao?” – ĐB Huỳnh Nghĩa nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Bình cho biết, năm 2012 tại cuộc họp tổng kết Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói có nêu dư luận như vậy. Thực ra không phải đây là ý kiến của Phó Thủ tướng.

“Hôm qua trước khi đi nước ngoài, Phó Thủ tướng nói nếu mà đại biểu có hỏi thì Bộ trưởng cũng nói ý kiến đó, có dư luận thì cũng báo cáo với QH. Chúng tôi cho rằng đây là những phản ảnh, kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn cần phải có đổi mới, cải cách công vụ, công chức nhiều hơn. “Phải tiếp tục tinh giản bộ máy, hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch, bậc, chức danh nghề nghiệp đối với CCVC, có tiêu chí, phương pháp đánh giá cụ thể để từ đó có tiếng nói chung về chất lượng CCVC” - Ông Bình cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ: “Con số 30% là theo dư luận, bây giờ phải kiểm tra để đánh giá. Vậy thì bao nhiêu phần trăm? Chuyện này cũng là câu hỏi, mà quản lý nhà nước là Bộ trưởng, Bộ trưởng hứa sẽ kiểm tra và có báo cáo với các đại biểu Quốc hội”.

Mặc dù thời gian qua số lượng biên chế không ngừng tăng lên, nhưng theo ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất lượng phục vụ lại đi xuống, thậm chí người dân cho rằng tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu ở một số cơ quan công quyền khá phổ biến.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà nhận xét biên chế năm sau bao giờ cũng thấy cao hơn năm trước, như là phát triển chỉ tiêu kinh tế. “30% là 700.000 cán bộ, công chức và số chi một năm là 17.000 tỷ đồng, nếu giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ tiết kiệm được 17.000 tỷ đồng” - ông nói.

Tuyển dụng cán bộ vẫn nặng bằng cấp

Không chỉ chất lượng CCVC, nạn “đẻ” biên chế mà tiêu cực trong tuyển dụng, thực thi công vụ cũng được nhiều ĐBQH chất vấn. Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng, việc tinh giản bộ máy không đạt kết quả, bộ máy vẫn gia tăng hơn 20% sau 5 năm thực hiện nghị quyết này.

“Tuyển dụng vẫn còn chú trọng bằng cấp, không quan tâm thực tài, làm ảnh hưởng chất lượng công vụ, giải pháp của Bộ trưởng là gì?” - ông Vinh chất vấn.

Bộ trưởng Nội vụ cho rằng tinh giản, cơ cấu lại đội ngũ CCVC để hoàn thành nhiệm vụ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, có giai đoạn vẫn tăng khoảng 15 % CCVC. Nguyên nhân tăng là do đơn vị thành lập mới hoặc bổ sung chức năng mới. Lĩnh vực tăng nhiều là môi trường, đất đai, du lịch, biển và hải đảo, quản lý thị trường, thanh tra giao thông, xây dựng, y tế, thuế, hải quan, quản lý khám chữa bệnh, quản lý BHYT, chia tách địa phương… Về chủ trương, năm đến 2016 cơ bản sẽ không tăng biên chế nữa.

Có thuốc chữa chạy chức không?

ĐB Chu Sơn Hà đề nghị Bộ trưởng đánh giá về nạn chạy biên chế, chạy chức, chạy quyền. “Có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ hiện đang làm công tác tổ chức cán bộ không? Nếu có thì ở mức độ nào, có thuốc nào chữa được không?”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thì “đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị”. “Chúng tôi đọc rất kỹ các văn kiện của Đại hội XI, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 của khóa XI. Tại Điểm 6, Mục d, phần I đánh giá về hạn chế, khuyết điểm trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI có nêu cán bộ vẫn là khâu yếu, tình trạng chạy chức, chạy quyền chưa được khắc phục. Đây là một tài liệu gối đầu nằm để chúng tôi nghiên cứu đề ra các biện pháp, các giải pháp để khắc phục” - ông Bình nói và cho biết thời gian sau Đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cũng có đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đó có tham nhũng, tiêu cực.

“Chúng tôi chưa thấy Bộ trưởng đặt vấn đề rõ: Thứ nhất là việc chạy chức, chạy quyền; thứ hai là có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ hay không? Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng chạy dự án là có nhưng đến bây giờ chúng tôi chưa phát hiện được, chưa xử lý được. Phải dũng cảm như thế” - ông Hà bình luận.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng:

Phải chống tiêu cực từ trong bộ máy

Chốt lại phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình chiều 20/11, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Phải chống tiêu cực, nhũng nhiễu ngay trong bộ máy, trong một bộ phận cán bộ công chức”.

“Các khâu tuyển dụng, đề bạt đều có tiêu cực, phải tích cực chống tiêu cực, tạo chuyển biến rõ rệt trong 2014-2015” – Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhìn nhận. Theo ông, cần chống tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng trong bộ máy, ở một bộ phận cán bộ công chức. Đảng nói một bộ phận không nhỏ nhũng nhiễu, tiêu cực là đúng, và đây là vấn đề rất nhức nhối hiện nay. Chúng ta đã có hệ thống các luật, văn bản hướng dẫn, bộ máy để xử lý vi phạm của CBCC, Bộ trưởng Nội vụ phải “cầm cái”, phối hợp với các cơ quan chức năng để làm việc này.

Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng Nội vụ, với chức năng của mình, rà lại toàn bộ bộ máy xem chỗ nào hợp lý, chỗ nào chưa hợp lý, có đánh giá, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện bộ máy. Cùng đó, rà lại tổng thể biên chế, đánh giá chất lượng một cách minh bạch, đầy đủ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.