Haiyan & lũ miền Trung

Haiyan & lũ miền Trung
TP - Hội nghị thường niên của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19 (COP 19) đang diễn ra tại Ba Lan với nhiều bế tắc khó tháo gỡ về cam kết tài chính, giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là của các nước giàu.

> Bình Định vẫn chìm trong biển nước
> Cán bộ xã bị lũ cuốn trôi cùng gần 650 triệu đồng

Ngót hai chục hội nghị trôi qua, tức hai thập niên rồi mà nhiều nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, chung quy cũng chỉ vì lợi ích cục bộ mà quên đi đại cục tức ngôi nhà chung là trái đất mà thôi.

Trưởng đoàn đại biểu Philippines đã phải bật khóc mà thốt lên rằng: Chúng tôi không thể chờ đợi thêm, chúng tôi không thể chấp nhận những cơn bão điên rồ như Haiyan nữa... Trớ trêu thay, thiên tai ngày càng khốc liệt với sức tàn phá hủy diệt do biến đổi khí hậu, song thủ phạm lại do chính con người gây ra.

Và giữa lúc đoàn Việt Nam cùng 189 đoàn khác đang họp ở COP 19, một trận lũ lịch sử lại bất ngờ ập đến miền Trung dìm hàng trăm ngàn ngôi nhà giữa biển nước, 40 người chết và mất tích. Nước đã rút nhiều, song hậu quả để lại thật thảm khốc: Gia súc nằm chết la liệt khắp làng quê ở Quảng Ngãi, nhiều ngôi nhà sập đổ hoàn toàn; không ít người dân Bình Định phải bỏ chạy thoát thân với độc bộ quần áo trên người, nhà cửa, tài sản đều bị nước cuốn phăng.

Người dân nơi đây cho hay, nửa thế kỷ nay chưa từng thấy lũ lớn và nhanh đến thế, ông Bùi Hưng ở thôn Tiên Hòa, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, Bình Định nói: “Tui không hiểu được vì sao khủng khiếp đến vậy. Dân cả tổ này đều xây nhà kiên cố và sống lâu đời, mà không ai lý giải được. Nếu có việc xả lũ từ thượng nguồn thì cũng nên báo trước cho dân chúng tôi một tiếng để còn kịp trở tay, khỏi tan nát thế này chứ?”.

Lãnh đạo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư lên VTV1 thừa nhận, tổng lượng mưa không lớn, song lũ lại đạt và vượt trận lũ lịch sử năm 1999.

Nguyên nhân ngoài cường độ mưa lớn, còn có việc các hồ đập thủy điện đồng loạt xả lũ, rừng bị tàn phá nhiều, sông miền Trung thường ngắn và dốc lại đang bị khai thác quá mức bởi các nhà máy thủy điện.

VTV1 đưa tin, trong trận lũ vừa qua có nhà máy thủy điện đã xả nước về hạ du với lưu lượng lớn hơn cả lưu lượng nước về hồ. Những hồ đập như thế chẳng những là quả “bom” nước lơ lửng trên đầu dân mà còn tiếp tay cho lũ dữ tàn phá các làng quê dưới hạ du.

Như vậy trong thiên tai rõ ràng đã có cả yếu tố nhân tai. Phát thải khí nhà kính vô tội vạ hay phá rừng, băm nát các dòng sông để bán điện chính là những lợi ích cục bộ ở các tầm mức khác nhau. Những siêu bão Haiyan hay lũ dữ miền Trung, những thành phố chết Tacloban ở Philippines hay tan hoang miền Trung ở Việt Nam, liệu có khiến những “lợi ích cục bộ” phải giật mình ?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Toàn quân tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
Toàn quân tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
TPO - Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng xác định, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, toàn quân tăng tốc, bứt phá, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.