Sáng 8/11, Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 (QK 5) đã họp khẩn cấp các lực lượng đơn vị, tổ chức để thành lập ngay Sở Chỉ huy tại Đà Nẵng và hai Sở Chỉ huy cơ động tại Sư đoàn 315 (huyện Núi Thành, Quảng Nam); Sở Chỉ huy cơ động tại Bình Định, sẵn sàng cơ động xử lý tình huống trước, trong và sau bão đổ bộ.
Từ 12 giờ ngày 8/11, tất cả các cơ quan, đơn vị tại QK5 tạm dừng huấn luyện, tập trung di dời phương tiện, tàu thuyền, hỗ trợ người dân; chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, lương thực, thực phẩm sẵn sàng tiếp tế cho nhân dân.
Công ty Công viên Cây xanh tiếp tục gia cố, chằng chống các cây xanh mới khôi phục sau bão số 11, chặt tỉa cành, nhánh các cây cao nhằm hạn chế ngã, đổ; triển khai công tác ứng phó với bão mạnh cho các công trình xây dựng, nhất là các công trình xây dựng trên cao, các tháp cẩu, nhà cao tầng, các công trình xây dựng dở dang.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cũng đề nghị Công an TP.Đà Nẵng, Bộ chỉ huy Quân sự TP, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên Phòng TP sẵn sàng lực lượng để hỗ trợ chính quyền địa phương các cấp đối phó với bão HaiYan.
UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu ngành chức năng tổ chức phổ biến, hướng dẫn người dân không ra đường khi bão độ bộ đất liền các cơ sở phục vụ du lịch ven biển phải có các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách du lịch. Sở Giáo dục và đào tạo thành phố căn cứ vào diễn biến của tình hình thời tiết để quyết định cho học sinh nghỉ học
Theo BCH PCLB&TKCN TP.Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng ra văn bản chỉ đạo khẩn chương tiến hành công tác di dời, sơ tán dân. Trước 19 giờ ngày 9/11, phải hoàn thành sơ tán 19.388 hộ với hơn 73.384 người. Trong đó, tập trung di dời các hộ ở khu vực nhà trọ sinh viên, công nhân, vùng ven biển, nơi dễ xảy ra ngập úng, ảnh hưởng nặng bão HaiYan.
Tỉnh Quảng Ngãi sẵn sàng triển khai phương án di dời, sơ tán 54.050 hộ/216.000 khẩu theo kế hoạch khi bão ảnh hưởng trực tiếp hoặc gây mưa, lũ lớn. Trong đó, đặc biệt chú trọng sơ tán 5.189 hộ/ 21.370 khẩu có mức rủi ro cao trước ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, vùng hạ du công trình thủy điện
Tại âu thuyền Thọ Quang và các khu vực neo đậu, ngành chức năng ổn định tình hình tàu thuyền ra vào trú tránh bão. Đến 17 giờ ngày 8/11, Đà Nẵng tổ chức neo đậu an toàn cho 1.830 tàu thuyền tại khu trú bão Thọ Quang và vịnh Mân Quang và đang đưa hơn 140 tàu thuyền trên sông Hàn về nơi neo đậu an toàn.
Chiều 8/11, Trung tâm PCLB khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho biết, vẫn còn 298 tàu và 4.053 lao động đang ở khu vực nguy hiểm từ vĩ tuyến 8 -16. Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi còn 126 tàu/2.701 lao động, Bình Định còn 155 tàu/1.212 lao động, Phú Yên còn 17 tàu/140 lao động.
Hiện hàng loạt tàu thuyền bị thiệt hại do thời tiết nguy hiểm. Ngày 7/11, tàu BĐ 91377 TS do ông Trương Hoài Lưu (trú Hoài Hải, Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng, đang trên đường từ Cam Ranh về Quy Nhơn đã bị mắc vào san hô. Tàu BĐ 91377 TS đã nhờ 1 tàu ở Phú Yên lai dắt. Trong lúc lai dắt, thuyền viên Trương Văn Tài bị dây thừng quấn vào cổ dẫn đến tử vong.
Tại vùng biển tỉnh Quảng Trị, tàu hàng An Phát 36 trong lúc chở hàng đã bị mắc cạn vào chiều ngày 6/11. Sau khi tàu gặp nạn, Đồn Biên phòng Cửa Việt, Đồn Biên phòng 208 và Cảng vụ Hàng Hải đã đưa lực lượng ra ứng cứu, đưa 7 thuyền viên vào bờ an toàn. Hiện vẫn còn 1 thuyền viên bị mất tích đang được Bộ đội Biên phòng khẩn trương tìm kiếm. Thống kê ban đầu, đã có 1 người thiệt mạng và 1 người mất tích.
Theo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung-Tây Nguyên, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng các hồ chức mùa bão lũ. Thống kê các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định có 114 hồ chứa có hiện trạng yếu cần lưu ý về an toàn trong mùa mưa bão, trong đó có nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp.
Các tỉnh Tây Nguyên và Tổng công ty Cà phê Việt Nam có 51 hồ chứa có hiện trạng yếu, trong đó có nhiều hồ tiền ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Về tình hình hồ thủy điện, hiện các hồ thủy điện lớn trong khu vực đang hoạt động bình thường. Tính đến chiều ngày 8/11, đã có 17 hồ thủy điện xả tràn.