Kinh hoàng măng 'ngậm' axít

Kinh hoàng măng 'ngậm' axít
TP - Để măng không bị hư, tạo độ dai và chua, một số thương lái cung cấp măng cho các chợ sẵn sàng cho măng “ngậm” cả chất axit oxalic - loại chất tẩy rửa dùng trong thuộc da, đánh bóng đá hoa cương, sắt và dệt nhuộm…

> Măng tươi 'ngậm' hóa chất hai năm không hỏng
> Lưu huỳnh trong măng vượt hàng trăm lần cho phép

Phù phép bằng độc chất

Sau nhiều ngày theo dõi, giữa tháng 10/2013, các trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Tây Ninh đã đột nhập vào cơ sở chế biến măng của ông Nguyễn Văn Lâm, 50 tuổi ngụ ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Đây là cơ sở thu gom chế biến măng lớn nhất ở khu vực Đông Nam Bộ do ông Lâm làm chủ, hoạt động từ năm 2010 đến nay. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý môi trường.

TS Phan Thế Đồng- nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết axit oxalic (C2H204) cấm dùng trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. “Chất này không gây ra tác hại lập tức nếu dùng lượng nhỏ nhưng hấp thụ thường xuyên axit oxalic vào người là nguyên nhân gây ra sỏi thận”- TS Đồng cho biết và khẳng định nếu dùng lượng lớn hóa chất này dễ làm kích thích niêm mạc ruột, dễ gây ngộ độc cấp, thậm chí tử vong nếu dùng liều nguyên chất.

Thượng tá Nguyễn Văn Ky - Phó phòng PC49 cho biết, ngay khi kiểm tra đã phát hiện 14 hố được xây bằng xi măng để chứa hóa chất ngâm măng cùng gần 200 thùng nhựa đựng măng và hơn 160 bao măng loại 60-70kg/bao. Tổng số măng chứa ở cơ sở này khoảng 80 tấn.

Số măng này, được ông Lâm mua từ Campuchia thông qua bà Võ Thị Liễu ở huyện Tân Châu, Tây Ninh và số khác mua từ các tỉnh Tây Nguyên… Theo ông Lâm, bà Liễu gom măng từ Campuchia về Việt Nam.

“Người dân gom măng lại sau đó bóc vỏ rồi bán cho bà Liễu. Khoảng 15 ngày đến một tháng, sau khi gom đủ vài tấn thì giao hàng xuất về Việt Nam tiêu thụ” - ông Lâm kể lại, đồng thời bật mí số măng này để lâu như vậy mà không bị hỏng là do trước đó các thương lái ở Campuchia đã luộc măng và ngâm măng với hóa chất.

Số măng sau khi về Việt Nam được bà Liễu bán cho ông Lâm với giá 7 nghìn đồng/kg măng luộc và 15 nghìn/kg đối với măng le. Sau đó, ông Lâm “lên đời” và bán lại với giá gấp đôi. “Mỗi ngày bán ra từ vài trăm kg đến 1-2 tấn trong tỉnh và khắp vùng Đông Nam Bộ” - ông Lâm thừa nhận.

Công nghệ giúp măng không hư hỏng, theo ông Lâm sau khi lấy măng về, cắt bỏ đọt và gốc bị xơ hư, rồi đưa vào hố ngâm với hóa chất tẩy trắng mua từ các tiệm hóa chất ở chợ Kim Biên, TPHCM.

Thượng tá Ky cho biết, hóa chất ngâm để bảo quản măng được nhiều ngày chính là axit oxalic. “Chất này giúp măng giòn không làm hư đọt hư đầu, đồng thời còn làm trắng măng, để hoài không hỏng” - Thượng tá Ky nói.

Sau khi lấy mẫu măng cũng như nước ngâm măng từ các thùng, hố ngâm tại cơ sở của ông Lâm đi kiểm nghiệm ở Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 ở TPHCM cho thấy, măng và nước chứa thành phần axit oxalic. Đây là loại hóa chất cấm dùng trong thực phẩm vì nó là hóa chất công nghiệp để tẩy nhuộm, đánh bóng đồ dùng bằng sắt, nhuộm…

“Tuổi thọ” lên… 6 tháng

Đã có khoảng 30 tấn măng ngậm hóa chất độc hại từ cơ sở của ông Lâm ra thị trường. Ngoài các chợ ở Tây Ninh, TPHCM là điểm tiêu thụ măng của cơ sở này khá lớn. Điều đáng nói, số măng tại cơ sở của ông Lâm thu gom từ các nguồn cho đến khi bán ra thị trường hơn 6 tháng nhưng măng vẫn đẹp, không bị hư.

Tại chợ Nguyễn Văn Trỗi quận Phú Nhuận, các loại măng tre, măng le bày bán tràn lan. Hỏi chủ một sạp bán măng nơi đây, người này cho biết măng này được lấy từ Tây Ninh nên an tâm. “Măng chỗ chị không ngâm hóa chất vì sợ khách biết sẽ tẩy chay” - người bán nói. Tuy nhiên, nhìn bằng mắt thường các loại măng nơi đây trắng nõn, vỏ dai, đặc biệt nước ngâm măng có mùi khó chịu.

Tại các chợ Phạm Văn Hai, Hoàng Hoa Thám ở quận Tân Bình… có hàng chục điểm bán các loại măng tre, măng le, măng khô. Một tiểu thương bán măng ở chợ Hoàng Hoa Thám nói các cơ sở làm măng lớn thường bảo quản măng lâu nên phải ngâm chất tẩy rửa.

“Nhiều người bán ở đây lấy mỗi lần cả 100 kg nhưng có khi một ngày bán vài kilôgam, để mấy tháng măng chả hư hỏng gì. Chắc măng có ngâm hóa chất mới để lâu như vậy”- một tiểu thương băn khoăn. Tại các chợ ở TPHCM, hầu hết măng được cung cấp từ Tây Nguyên và Tây Ninh, Long An hoặc An Giang. Số măng này được các cơ sở thu gom từ Campuchia.

Dạo quanh một vòng ở chợ Phú Lâm ở Quận 6, hầu hết các loại măng tre đều được tẩy trắng tinh, trông rất bắt mắt. Măng chua được ngâm trong một thau nước nhỏ, có cửa hàng thau nước nhìn khá trong, có cửa hàng thau nước nhìn đục ngầu… Khi hỏi về sự khác nhau này, một tiểu thương nói, măng ngâm trong thau nước đục là do ngâm với nước gạo, còn thau nước trong là do ngâm với nước muối.

Ở chợ đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, măng chua đa số được bỏ sỉ với giá 30-35 nghìn đồng/kg. Khi chúng tôi hỏi mua vài nghìn măng chua, một tiểu thương ở chợ cho hay, ở đây chỉ bán sỉ chứ không bán lẻ.

Sợ măng để lâu sẽ hư hỏng, bà chủ này trấn an: “Măng này em để cả tháng cũng không sao, thậm chí em có để 3-4 tháng cũng được. Cứ bỏ trong tủ lạnh, khi nào ăn thì lấy ra rửa với nước sạch rồi ăn thôi”. Người này thừa nhận, hầu hết măng phải có ngâm “chất bảo quản” để giữ lâu.

Trong khi măng độc hại tràn lan, axit oxalic có trong măng ở cơ sở của ông Lâm lại dễ dàng mua được ở bất cứ cửa hàng hóa chất nào. Tại khu vực chợ Kim Biên, quận 5, TPHCM, hóa chất màu trắng, đựng trong các bao 25kg có tên axit oxalic có nguồn gốc từ Trung Quốc bán mua dễ dàng.

“Chúng tôi không biết họ mua làm chất tẩy trắng, ngâm thực phẩm để giữ lâu, chỉ biết đây là hóa chất tẩy rửa dùng trong thuộc da, đánh bóng đá hoa cương, xử lý nước và dệt nhuộm, phân bón hoặc đánh bóng đồ dùng bằng sắt, inox hay làm sạch gỗ”- anh Hoàng bán hóa chất ở chợ Kim Biên cho biết.

Cẩn thận với cả măng tươi

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, không chỉ măng ngâm hóa chất mà ngay sản phẩm măng tươi cũng tiềm ẩn rủi ro với sức khỏe. Măng có chứa chất cyanide, có thể biến đổi thành axit cyanhydric. Khi đi vào cơ thể làm oxy hóa tế bào hồng cầu, thiếu oxy trong máu dẫn đến nhức đầu, chóng mặt, rối loạn hô hấp.

Để hạn chế lượng cyanide trong măng cần luộc kỹ nhiều lần cho đến khi nước trong mới thôi vì quá trình luộc sẽ giúp giải phóng chất độc.

Đối với sản phẩm măng đã qua sơ chế bán ở chợ, để nhận biết măng có ngâm hóa chất hay không, người tiêu dùng nên chú ý mấy điểm như măng không ngâm hóa chất thường có màu sậm, mùi ngái, dùng tay bấm vào măng không mủn. Măng ngâm hóa chất là măng có màu trắng nhợt nhạt hoặc vàng sẫm do được ngâm với bột măng. Người tiêu dùng nên hạn chế mua sản phẩm măng trắng, mềm vì có nguy cơ sử dụng chất tẩy trắng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.