Loay hoay bảo tồn Ngọc linh sâm

Loay hoay bảo tồn Ngọc linh sâm
TP - Nếu như chục năm trước việc tìm mua một vài kg sâm Ngọc Linh là hết sức khó bởi không có nguồn thì hiện nay, ở bất kỳ đâu, từ Lạng Sơn, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh hay Tây Nguyên đều dễ dàng mua được cái gọi là sâm Ngọc Linh.

> Ngọc linh sâm ma trận: Thật giả khó lường
> Hơn 567 tỷ đồng trồng 1.000 ha sâm Ngọc Linh

Vì sao nguồn sâm Ngọc Linh trong tự nhiên cạn kiệt, sâm trồng chưa có trên thị trường mà cần mua bao nhiêu cũng có như vậy?

Vàng thau lẫn lộn

Năm 1973 khi “cây thuốc giấu” của người Xê Đăng được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện trên dãy Ngọc Linh, núi cao thứ 2 ở nước ta và cao nhất Trường Sơn, loài đốt trúc nhân sâm này nhanh chóng được loan truyền ra ngoài cộng đồng người Xê Đăng. Tại Kon Tum một thời người ta khai thác sâm này như khai thác cá biển. Người người đào sâm nấu nước uống, bán, đổi rau, đổi muối.

Công dụng sâm Ngọc Linh chắc ai quan tâm đều đã biết: Bồi bổ sức khỏe, kéo dài sự tươi trẻ, tăng cường sức đề kháng, tăng cường sinh lực phái mạnh… Hơn 50 luận án tiến sĩ lấy sâm Ngọc Linh làm đối tượng nghiên cứu. Loài sâm này được xếp trên cả sâm Cao Ly.

Qua xác thực của chúng tôi, khả năng kháng ung thư của sâm Ngọc Linh là rất tốt. Tôi biết rõ một trường hợp u não giai đoạn 3, sau khi phẫu thuật ở Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2011, tiếp đến là nhiều lần xạ trị, trong thời gian đó sử dụng đều đặn mỗi ngày 1 lát sâm Ngọc Linh.

Đến nay đã hơn 2 năm, sức khỏe của bệnh nhân này vẫn bình thường, đi lao động hằng ngày. Một trường hợp khác ở Kon Tum bị ung thư vú. Sau khi phẫu thuật và xạ trị, mặc dù đã lớn tuổi nhưng sức khỏe của chị rất tốt nhờ sử dụng đều đặn sâm Ngọc Linh từ nhiều năm qua.

Từ chục năm nay nguồn sâm Ngọc Linh trong tự nhiên cạn kiệt, sâm giả len lỏi và thay thế dần. Trước năm 2009, những thứ giả sâm Ngọc Linh có rất nhiều loại gồm củ Ráy, Tam thất hoang, Tam thất Vũ Điệp… Họ dùng sâm thật giã nhuyễn ngâm với sâm giả, nên một số người không biết, nhấm thấy đắng, ngọt ngọt cứ tưởng sâm Ngọc Linh thật.

Đầu năm 2010 sâm giả bùng lên, dân buôn sâm truyền tai nhau do lũ lớn, núi lở cả mảng rừng sâm trôi xuống họ vớt được như vớt gỗ. Có người thấy rẻ mua cả chục kg phơi khô. Khi bị báo chí phanh phui, giờ sâm giả dần tinh vi, khó phân biệt.

Cây giống sâm Ngọc Linh
Cây giống sâm Ngọc Linh.

Ở Gia Lai, Kon Tum hiện nay nhiều người thường dùng sâm Ngọc Linh để làm quà biếu cho quan khách, bạn bè. Hầu hết họ bỏ ra tiền thật để mua đồ rởm mà không biết. Cũng có người biết không phải sâm Ngọc Linh thật nhưng vì áp lực quà biếu nên họ vẫn mua. Giá cả vô chừng, hai ba chục triệu đồng/kg cũng có, năm ba triệu đồng/kg cũng xong, tuỳ “đường dây”.

Những kẻ buôn sâm siêu lợi nhuận, bởi giá mua vào chỉ 800.000 đồng/kg. Như trong bài trước đã đề cập, loại giả sâm Ngọc Linh này hình dáng rất giống cây sâm Ngọc Linh thật, từ củ, hoa, lá. Nguy hại của loại sâm giả đưa từ Trung Quốc sang là chất bảo quản cực độc và loại thuốc kích thích ra lá.

Lâu nay chúng ta quen gọi củ sâm, thực chất đó là thân cây sâm Ngọc Linh, chứ không phải củ nằm dưới đất như củ nghệ, củ gừng…Khi hạt sâm Ngọc Linh rơi xuống đất mọc lên, có gốc nhưng bộ phận gốc này không lớn lên hàng năm thành củ như người tiêu dùng nhìn thấy mà phần gốc này nuôi thân cây phát triển.

Mùa xuân đâm chồi nảy lộc, cây sâm Ngọc Linh vươn cành nảy một đốt, ra lá ra hoa và đến mùa đông cây rụi lá. Cái đốt do cành mọc ra năm trước nằm trên mặt đất, cứ lớn dần qua chục năm thành chục đốt. Chúng ta khai thác thân này để sử dụng, nghĩa là khai thác phần thân cây sâm tích luỹ qua các năm.

Do thân sâm nằm trên mặt đất ở rừng rậm, cành khô lá mục nhiều, cùng với nước mưa đưa đất vùi lấp bồi lắng nên giống như thân sâm nằm dưới đất nên quen gọi củ sâm là vậy. Nhiều người bán sâm giả vùi củ dưới đất đỏ cho rằng mình mới đào lên để lừa những người không am tường.

Ai bảo tồn sâm Ngọc Linh

Từ năm 1995 khi cây sâm Ngọc Linh trong tự nhiên có dấu hiệu cạn kiệt, các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam cùng Bộ Y tế đặt vấn đề, trồng sâm để duy trì nguồn gen và phát triển thương mại.

Lâm trường Đăk Tô (nay là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) Kon Tum lãnh ấn tiên phong trồng sâm Ngọc Linh. Gần 20 năm trôi qua, doanh nghiệp này loay hoay với diện tích 8 ha sâm. Song trên thực tế, mật độ đậm đặc và chất lượng của vườn sâm này có như kỳ vọng hay không là vấn đề cần bàn.

Đầu tháng 10/2013 Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, vườn ươm sâm giống ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông của Trung tâm Giống sâm Ngọc Linh (thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô) đang xuất hiện bệnh thối củ sâm khiến hơn 8 ha sâm Ngọc Linh của đơn vị này đứng trước nguy cơ bị dịch nghiêm trọng.

Hiện Chi cục Bảo vệ thực vật Kon Tum đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu phẩm gửi giám định để xác định nguyên nhân bệnh; đồng thời hướng dẫn các biện pháp trước mắt xử lý tạm thời sâu hại trên cây sâm Ngọc Linh, khiến nhiều người quan tâm hết sức lo lắng.

Theo Nghị định 32/2006/ NĐ-CP ngày 30/3/2006 về quản lý thực vật rừng, động vật nguy cấp quý hiếm thì sâm Ngọc Linh thuộc loại thực vật rừng nhóm 1A, Nhà nước cấm khai thác, mua bán, tiêu thụ dưới mọi hình thức. Như vậy hiện nay các điểm mua bán sâm Ngọc Linh đều là bất hợp pháp.

Ở tỉnh Quảng Nam, từ năm 2005-2010 Viện Dược liệu đã tiến hành triển khai dự án đầu tư cấp Bộ Y tế “Nghiên cứu phát triển sâm Việt Nam”. Dự án triển khai trồng được 3ha sâm Ngọc Linh tại Trạm dược liệu Trà Lĩnh, Nam Trà My, Quảng Nam.

Hiện nay một số người dân tộc thiểu số ở Kon Tum và Quảng Nam đã trồng và có thu hoạch từ sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên đa số sâm này chỉ là những vườn manh mún, diện tích nhỏ, công tác bảo quản hết sức khó nên sản phẩm không có nhiều. Hiện tại nhu cầu hạt sâm nhân giống rất lớn nên người trồng sâm ít khai thác củ, chỉ để thu hoạch hạt, nhân giống vì hiện tại sâm cây con giá rất cao.

Nước ta có nhiều nơi trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh như Đà Lạt, Tam Đảo, Sa Pa, Bình Định… tuy nhiên kết quả chưa có tính thuyết phục. Do đặc trưng địa lý, hiện tại chỉ riêng vùng đất Quảng Nam và Kon Tum quanh dãy Ngọc Linh là phát triển được sâm Ngọc Linh. Đến nay cũng chỉ có Cty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum là có vườn sâm lớn nhất nước với diện tích khoảng 150 ha. Tuy nhiên lãnh đạo công ty này cho biết chỉ đang nhân giống, thu hái hạt, không thu hoạch củ.

Vừa qua UBND tỉnh Kon Tum đã cho chủ trương đầu tư dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh”; Cơ quan quản lý dự án: Bộ Khoa học và Công nghệ; Chủ đầu tư: Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN-Cục phát triển thị trường và KH&CN.

Dự án đặt mục tiêu từ nay đến năm 2023 sẽ phấn đấu trồng được từ 800 đến 1.000 ha sâm Ngọc Linh, với tổng kinh phí đầu tư trên 567 tỷ đồng. Dự án sẽ đầu tư khoa học, công nghệ để xây dựng và hoàn thiện quy trình nhân giống, tạo ra số lượng cây giống lớn, dự kiến từ 4 -5 triệu cây giống/năm.

Trọng tâm của dự án này là tìm giải pháp để xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm của cây sâm Ngọc Linh và được bảo hộ trên thế giới; bảo vệ cùng với việc chống hàng giả cho thương hiệu Sâm Ngọc Linh.

Ông Trần Hoàn, Chủ tịch HĐQT Cty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết: Hiện nay cây sâm Ngọc Linh là loại cây dược phẩm có giá trị kinh tế, khoa học rất lớn nhưng việc bảo vệ nó trước nạn sâm giả là vấn đề nan giải. Sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia rất cần được cơ quan chức năng quan tâm bảo vệ, vừa là bảo vệ người tiêu dùng, vừa bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh.

(Còn nữa)

Hiện nay loại sâm Ngọc Linh do các cá nhân và doanh nghiệp trồng người ta sử dụng mùn đất để phủ lên gốc sâm Ngọc Linh để bảo vệ phần thân, rễ nằm dưới đất. Vì thế một số củ sâm Ngọc Linh có gốc phình to, nhiều nhánh rất nhiều rễ, khác với củ Tam thất. Sâm Ngọc Linh thật, do trồng phải gắn với phần gốc này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.