'Đãi cát tìm vàng' để thu thuế thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
Mỗi kỳ kê khai, sàn thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin của hàng triệu giao dịch, hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức kinh doanh. Từ khối dữ liệu khổng lồ này, cán bộ thuế phải phân tích, đưa ra mã số thuế của cá nhân, doanh nghiệp, chuyển tới cục thuế địa phương tìm hiểu, kiểm tra, yêu cầu nộp thuế. Quá trình phân tích dữ liệu được ví như “đãi cát tìm vàng” để chống thất thu thuế TMĐT.
'Đãi cát tìm vàng' để thu thuế thương mại điện tử ảnh 1

Cơ quan thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số sẽ giúp công tác giám sát và quản lý thuế minh bạch, hiệu quả

Hàng triệu lượt dữ liệu cung cấp về cơ quan thuế

Sau thành công của Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Thuế xây dựng, vận hành Cổng thông tin tiếp nhận số liệu sàn thương mại điện tử từ tháng 12/2022. Định kỳ, 1 quý, sàn TMĐT cung cấp số liệu tới cơ quan thuế.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, mỗi lần cung cấp số liệu, sàn TMĐT cung cấp hàng triệu giao dịch. Ngay trong kỳ cung cấp thông tin đầu tiên vào quý 4/2022, đã có 310 sàn TMĐT cung cấp thông tin của gần 32.000 tổ chức và 159.000 cá nhân kinh doanh trên sàn. Tổng số lượng giao dịch hơn 50,7 triệu giao dịch và giá trị hơn 15.000 tỷ đồng. Tại các kỳ giao dịch về sau, số lượng giao dịch không ngừng tăng lên.

Từ khối lượng dữ liệu khổng lồ do sàn TMĐT cung cấp, cán bộ thuế phải phân tích, đưa ra thông tin mã số thuế của cá nhân, doanh nghiệp. Từ đó, cung cấp thông tin tới cục thuế địa phương, chi cục thuế và giao cán bộ thuế trực tiếp phục trách để tìm hiểu, kiểm tra, yêu cầu kê khai thuế.

Với những nỗ lực của cán bộ thuế, số thu thuế từ TMĐT trong nước không ngừng tăng. Lũy kế 10 tháng năm 2024, số thuế các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 94,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với số thuế bình quân 10 tháng năm 2023. Cổng thông tin thương mại điện tử đã ghi nhận 412 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin. Theo đó, có hơn 191 nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với tổng giá trị giao dịch là gần 72 nghìn tỷ đồng.

Trong quá trình cung cấp thông tin của sàn TMĐT cũng có nhiều phen khiến cán bộ thuế “toát mồ hôi”. Quý 1/2023, cơ quan thuế nhận được số liệu lên tới 9 tỷ giao dịch TMĐT. Số liệu bất thường, Tổng cục Thuế ngay lập tức rà soát và phát hiện, một sàn thương mại điện tử đã kê khai số lượng giao dịch đột biến, chưa chính xác dẫn đến tổng số lượt giao dịch của quý I tăng. Theo đó, quý 4/2022, Công ty Cổ phần Cooky kê khai hơn 40.000 lượt giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nhưng quý 1/2023 kê khai tới 9 tỷ 34.000 lượt giao dịch, gấp 225 lần. Con số kê khai nhầm khiến cán bộ thuế rà soát, kiểm tra.

Ứng dụng công nghệ thông tin chống thất thu thuế

Để chống thất thu thuế TMĐT, ngành Thuế đang triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý thuế hoạt động TMĐT; đồng thời đẩy mạnh số hóa ứng dụng quản lý thuế phục vụ thương mại điện tử kê khai, nộp thuế.

Ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế (NNT) tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã phối hợp với các sàn trong nước, các nền tảng TMĐT nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, các nhân kinh doanh trên các nền tảng.

Cùng đó, ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, bảo đảm NNT có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử.

Cơ quan thuế tiếp cận hoạt động TMĐT theo các nền tảng có hoạt động TMĐT để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 8 nhóm nền tảng: Nền tảng Sàn giao dịch TMĐT; Website/ứng dụng TMĐT; Nền tảng mạng xã hội; Nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận; Nền tảng đại lý; Nền tảng thuê bao; Nền tảng quảng cáo; Nền tảng kho ứng dụng.

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) Phạm Quang Toàn, ngành thuế đã triển khai các dịch vụ thuế điện tử trên toàn quốc với mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng thực hiện nghĩa vụ thuế.

Ông Toàn cho biết, ngành thuế cũng đã không ngừng cải tiến hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, trong đó có việc triển khai Cổng Thông tin dành cho nhà cung cấp nước ngoài cho phép các NCCNN thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế từ bất kỳ đâu trên thế giới.

Cơ quan Thuế mới đây đã ra mắt Cổng Thông tin TMĐT tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT. Đến nay, có 439 sàn TMĐT gửi thông tin về việc kinh doanh của các cá nhân và doanh nghiệp trên nền tảng này. Việc thu thập thông tin từ các sàn TMĐT giúp cơ quan thuế nắm bắt và kiểm soát hoạt động kinh doanh trên không gian mạng, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

MỚI - NÓNG
GDP tăng vượt mọi dự báo, dấu ấn những ‘siêu dự án’ năm 2024
GDP tăng vượt mọi dự báo, dấu ấn những ‘siêu dự án’ năm 2024
TPO - Cơn bão số 3 mạnh nhất 30 năm qua gây thiệt hại nặng nề cho miền Bắc nhưng không thể xóa sạch thành quả của nền kinh tế. Bằng chứng là tăng trưởng GDP bứt phá ấn tượng, tăng lương cao nhất từ trước tới nay, đại dự án về đích thần tốc, nhiều kỷ lục mới được thiết lập... Cùng Tiền Phong điểm lại những sự kiện kinh tế nổi bật nhất năm 2024.
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.