> Clip: Gia đình, thợ lặn nỗ lực tìm nạn nhân bị bác sĩ vứt xác
> Hành trình tìm thi thể nạn nhân vụ bác sĩ vứt xác phi tang
Các thợ lặn lần lượt thay ca nhau nhảy xuống sông, mò tìm thi thể nạn nhân. Họ tập trung chủ yếu ở quanh các trụ cầu. Các thợ lặn cho biết, họ đều tự nguyện đến đây để giúp gia đình nạn nhân. Mực nước sông Hồng khu vực này có chỗ sâu 4-5m, có chỗ 8-10m, đáy sông rất nhiều đá. Thợ lặn phải lật từng viên đá để kiểm tra, sau đó lại bơi lên, báo cáo tình hình.
Ông Doãn Quốc Hưng - Phó hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải, phụ trách đội thợ lặn - cho biết đội có 16 người, 8 thợ lặn trực tiếp lặn, và 8 người phục vụ trên thuyền.
Theo ông Hưng, việc xác định điểm lặn chủ yếu căn cứ theo dòng chảy của sông và tâm linh gia đình. Rất khó dự đoán thi thể nạn nhân trôi dưới nước như thế nào, vì nước sông Hồng mùa này khá lạnh nên thời gian thi thể nổi lên có thể lâu hơn.
Anh Huy - chồng nạn nhân Huyền bên cạnh nhà ngoại cảm giúp tìm kiếm thi thể người xấu số. Ảnh: Thúy Hiền. |
Buổi chiều, công tác tìm kiếm tiếp tục diễn ra. Thêm một nhà ngoại cảm xuất hiện để giúp sức. Nhà ngoại cảm viết ra giấy, hướng dẫn cụ thể: “Vị trí thi thể tại cột đèn số 51, thi thể bị cát vùi, sâu lắm, sợ khó có thể tìm được”. Sau khi làm lễ, nhà ngoại cảm này trực tiếp lên thuyền, cùng đội thợ lặn tập trung tìm kiếm dưới chân cột đèn số 51, song vẫn không có kết quả.
Theo anh Cường, một người có hơn 30 năm kinh nghiệm lặn tìm xác ở cầu Long Biên, cần phải kiểm chứng lại lời khai của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. “Nếu thực sự có người bị vứt xuống khu vực này, tôi bảo đảm lặn mò trong bán kính khoảng 200 m sẽ thấy ngay. Đằng này lặn tìm suốt từ hôm qua đến giờ không thấy, tôi sợ là chưa chắc cái xác đã được vứt xuống đây” - anh Cường nhận định.
Ông Quang - cậu ruột của chồng nạn nhân Huyền cho biết: “Chúng tôi đề nghị CQĐT lấy lại lời khai của ông Tường và người bảo vệ, để xác định các ông ấy có thực sự vứt xác cháu tôi xuống sông Hồng khu vực này không. Biết đâu ông ấy phi tang ở trên bờ thì sao?”.