Bớt lễ lạt để lo cho dân

Bớt lễ lạt để lo cho dân
TP - “Thời gian đi dự lễ nên để suy nghĩ làm gì cho đất nước, vừa đỡ tiền xăng xe, người phục vụ. Chúng ta chi 1 tỷ nhẹ nhàng trong khi người dân gò lưng đóng từng đồng một”- ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 25/10 về thu chi ngân sách.

> Thất thu lớn vẫn rình rang, lãng phí!
> Đề nghị lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế

Vé máy bay quan chức cũng là tiền của dân

Thảo luận ở tổ về tình hình thu chi ngân sách, nhiều đại biểu cho rằng tình trạng chi tiêu lãng phí, thất thoát rất đáng lo ngại, bởi đó đều là tiền thuế của dân đóng góp.

Lo lắng nợ công tăng nhanh, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ giải trình thêm về tình hình nợ công và làm rõ thực chất các khoản nợ công hiện nay. “Báo cáo về nợ công đã đầy đủ chưa? Tôi nghĩ rằng chưa đủ. Nếu báo cáo tình hình không phù hợp thực tiễn thì không có giải pháp thiết thực” - bà Tâm nói.

Những bất cập về chi tiêu ngân sách, vay, bảo lãnh nợ cũng được bà Tâm chỉ dẫn như Vinashin được Chính phủ bảo lãnh vay nhưng trách nhiệm trả nợ là của DN. “Vậy khi Vinashin thua lỗ thì Chính phủ có trách nhiệm đến cùng hay không? Nếu DN không trả được nợ thì vấn đề này sẽ giải quyết như thế nào. Nợ công phải minh bạch để có giải pháp tháo gỡ” - bà Tâm kiến nghị.

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, cần chống cách bình quân, dàn đều trong chi tiêu ngân sách. Đây là vấn đề nhức nhối trong phân bổ ngân sách, không tạo điểm nhấn trong đầu tư phát triển. Cách làm này sẽ không đưa nguồn tiền vào những nơi có lợi thế cạnh tranh, sinh lời, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Phân tích về nạn lãng phí trong chi tiêu công, ĐB Tâm kiến nghị QH cần bàn kỹ vấn đề này, yêu cầu Chính phủ báo cáo cụ thể, cần thiết có Nghị quyết và phải tiết kiệm nghiêm ngặt. Đời sống khó khăn, DN, người dân phải vật lộn tồn tại, đóng góp từng đồng cho ngân sách nhưng chúng ta lại chi tiêu lãng phí, khởi công, khánh thành, lễ hội... đều hoành tráng, tốn kém thời gian, tiền bạc.

“Thời gian đi dự lễ nên để suy nghĩ làm gì cho đất nước, vừa đỡ tiền xăng xe, người phục vụ. Chúng ta chi 1 tỷ nhẹ nhàng trong khi người dân gò lưng đóng từng đồng một. Tất nhiên chúng ta không quá cực đoan, nhưng phải siết lại kỷ cương. Có những hội nghị nhỏ nhưng mời cả nước về, cả trung ương về. Người dân phải gánh từng chiếc vé máy bay một. Nói thực hành tiết kiệm nhưng lãng phí quá. Nghĩ đến lãng phí mà xót xa” - bà Tâm phát biểu.

Chống tham nhũng tốt không cần vay nợ

Khởi công, khánh thành hoành tráng đều tốn kém. Ảnh: Hồng Vĩnh
Khởi công, khánh thành hoành tráng đều tốn kém. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đồng ý chủ trương phát hành trái phiếu của Chính phủ để có đủ tiền chi tiêu nhưng các ĐB cho rằng phát hành trái phiếu phải đúng nguyên tắc, sử dụng có hiệu quả. Theo ĐB Trần Hoàng Ngân cần rà soát số tiền phát hành trái phiếu 170 nghìn tỷ đồng cho năm 2014.

“Tôi đồng tình với số lượng 61 nghìn tỷ đồng làm quốc lộ 1A và quốc lộ 14 và số tiền đối ứng dự án ODA. Còn số 73.325 tỷ đồng còn lại, tôi thấy lo lắng. Tất cả các khoản đầu tư bây giờ chúng ta đi vay lãi suất 8-9%/năm”- ông Ngân nói. Ngoài ra, khi duyệt các dự án sử dụng trái phiếu, nên ưu tiên theo tiêu chí hiệu quả kinh tế- xã hội chứ không theo thời gian hoàn thành. Cần chú ý nuôi dưỡng nguồn thu, có khả năng đóng góp vào GDP.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh băn khoăn do kỷ cương điều hành ngân sách những năm qua. Không phải không có kỷ cương, nhưng trong đó có những mặt phải xem lại. Phát hành trái phiếu, tăng bội chi trong tình huống này tôi đồng ý nhưng những công trình, dự án phải soát xét lại. Từng dự án, công trình cần huy động từ các nguồn lực khác, giải quyết nguồn vốn từ xã hội cho tốt chứ không dựa hẳn vào ngân sách” - bà Tâm nói.

ĐB Đỗ Văn Đương đánh giá cần chống lãng phí, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi có nhiều cái không đúng thực tế, phải cắt giảm. “Ví dụ cầu từ Đình Vũ đến Cát Hải dự toán 11.000 tỷ đồng, nhưng có người bảo là chỉ cần 1.000 tỷ đồng là làm được, vậy 10 nghìn tỷ đồng đi đâu? Cử tri TPHCM nói rằng chống tham nhũng tốt thì đất nước ta thay da đổi thịt gấp nhiều lần hiện nay, mà sẽ không cần đi vay” - ông Đương nói.

Phải vay để chi tiêu, trả nợ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, từ khi đổi mới đến nay thì 2013 là năm đầu tiên chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước mà hụt thu rất lớn, tới 63.000 tỷ đồng. Hụt thu nghiêm trọng dẫn đến phải giải quyết bằng cách nâng mức bội chi. Trước đây chúng ta bội chi để đầu tư phát triển, nhưng lần này chúng ta phải tăng bội chi để bù hụt thu.

Bớt lễ lạt để lo cho dân ảnh 2

  Bây giờ đến mức ta phải vay để chi tiêu, vay để trả nợ rồi. Chúng ta không tập trung dòng tiền, hễ ngân sách thiếu thì lại đi vay. Ngân hàng thương mại huy động trong dân xong thì đem đi mua trái phiếu Chính phủ cho an toàn, còn đâu cho DN vay nữa 

ĐB Trần Du Lịch

Khó khăn cũng khiến chúng ta phải đảo nợ 70.000 tỷ đồng trong năm 2014. “Bây giờ đến mức ta phải vay để chi tiêu, vay để trả nợ rồi. Chúng ta không tập trung dòng tiền, hễ ngân sách thiếu thì lại đi vay. Ngân hàng thương mại huy động trong dân xong thì đem đi mua trái phiếu Chính phủ cho an toàn, còn đâu cho DN vay nữa. Tình hình không phải là bi đát, nhưng do cách chúng ta làm thì không khéo lại rơi vào bi đát”- ĐB Trần Du Lịch nói.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân chính gây hụt thu là do sản xuất kinh doanh đình đốn, ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách Nhà nước vì trong cơ cấu nguồn thu, thu nội địa chiếm tỷ trọng khá lớn.

“Hiện mỗi người dân gánh 826,4 USD nợ công, nếu năm tới lại tăng bội chi thì gánh nặng nợ nần sẽ tăng thêm. Nhu cầu vốn eo hẹp, việc phát hành trái phiếu của các địa phương cũng cần phải được đưa vào diện kiểm soát vì nếu không kiểm soát chặt, nợ công của địa phương sẽ gộp vào cùng với nợ công của Chính phủ”- bà Hường lo ngại.

Ngoài ra, đại biểu Hường cũng đề nghị cắt giảm chi hành chính song song với tinh giản bộ máy. ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cũng lo ngại: “Việc thu không đạt thể hiện tình hình kinh tế xấu và có thể tạo ra sự dàn đều ngân sách, làm phá vỡ cơ cấu ngân sách trung ương, tạo ra hố đen về vốn, trạng thái luôn có khoản hụt lớn trong ngân sách mà không rõ từ đâu”.

Ông Thường đề nghị rà soát lại việc phân bổ cơ cấu ngân sách để tăng thu ngân sách ở các mảng quan trọng, tránh tình trạng không tập trung vào những mảng thu chính, chạy theo những mảng thu bấp bênh. Nguyễn Tuấn-

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG