> Dự kiến 4 tỉ USD rót vào khu kinh tế Nghi Sơn
> Chuẩn bị khởi công xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn
Không phải 5 năm (tính mốc thời điểm ký Hợp đồng Liên doanh tháng 8/2008) mà Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (LHDNS) trước đó đã từng được ráo riết triển khai và đeo bám quyết liệt. Thời gian ấy, Nghi Sơn được gì, mất gì?
Một trong thủ tục cuối cùng đầu năm 2013 để khởi công LHDNS. Ảnh Xuân Ba. |
Được cán bộ? Cán bộ được?
Ngó một tấm ảnh đã xỉn màu thời gian, chụp vào thời điểm Nghi Sơn đang thời điểm cam go quyết liệt của việc giải phóng mặt bằng (GPMB) tôi nhác thấy 4 người.
Hàng ngàn hộ dân xã Tĩnh Hải và phụ cận phải di dời đến nơi ở mới để có mặt bằng 350 ha cho LHDNS đứng chân.
Những năm tao bảy tiết của chuyện thuyết phục vận động... Rồi các mức đền bù uyển chuyển sinh động này khác. Tình lý kỹ càng chu tất là thế vậy mà vẫn xảy ra chuyện súng nổ, chết người. May mắn công cuộc GPMB Nghi Sơn cũng tới hồi kết suôn sẻ. Hơn năm nay, những thủ tục cuối cùng của việc bàn giao mặt bằng sạch cho dự án LHDNS đã hoàn tất.
Đang nói về tấm ảnh. Người thứ nhất là ông Mai Văn Ninh. Thời điểm cam go GPMB Nghi Sơn là Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nay ở vị thế Bí thư Tỉnh ủy. Người thứ 2 là ông Bí thư Nguyễn Văn Lợi nay đã nghỉ hưu. Người thứ 3 là ông Lê Đình Thọ, thuở gian nan ấy là Phó Ban giải phóng mặt bằng.
Mồng Hai Tết năm ấy ghé qua Nghi Sơn, ông Thọ nằm luôn ở công trường. Thời gian nhoáng nhoàng trôi. Người chọn nghề hay cơ chế chọn người chả biết? Nhưng ông Thọ dần dà đảm đương vị thế của một Phó Chủ tịch tỉnh. Rồi ông được trên rút lên đảm chức Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ. Đâu như chức ấy chỉ ít tháng, rồi ông hanh thông quan lộ với chức Thứ trưởng Bộ GTVT.
Người thứ tư là ông Đinh La Thăng. Thời điểm ấy là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Ngó tấm ảnh buổi quần tụ chung lưng giải quyết cùng là tháo gỡ những gian nan của sự nghiệp GPMB, có lúc căng quá ông Thăng bật ra câu đùa chắc cũng để giải tỏa cho không khí bớt căng rằng, nếu Thanh Hóa các ông không đẩy nhanh tiến độ GPMB thì chúng tôi đành phải kéo nhà máy lọc dầu đi tỉnh khác! Nói cho vui vậy thôi.
Đời nào Thanh Hóa lại lơi, lại bỏ cú hích cho nền kinh tế xứ Thanh? Đời nào lại để tuột cơ hội một động lực kinh tế vùng Nam Thanh Bắc Nghệ? Cũng lẩn mẩn nghĩ thêm cái điều lấy làm lạ của nhiều người rằng, ông Đinh La Thăng quê ở Nam Định nhưng khá chí cốt và chính ông như là một cú hích với kinh tế Thanh Hóa? Rằng mai kia nếu ngoái lại tiến trình CNH-HĐH tỉnh nhà, người xứ Thanh có lẽ biết ơn ông Đinh La Thăng lắm lắm!
Này nhé, nhớn như việc hàng chục lần đôn đáo bươn bả ở công trường GPMB Nhà máy LHDNS. Như việc đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo dựng một sân bay dân dụng Thọ Xuân (mà bây giờ đương hết sức phát huy tác dụng). Rồi việc nho nhỏ khi ở cương vị Tư lệnh ngành GTVT đã kiên quyết giải tỏa các nhóm lợi ích lù lù cản trở cung đoạn đường bộ từ đèo Tam Điệp đi thành phố Thanh Hóa trên Quốc lộ 1A dây dưa nhùng nhằng hàng năm giời! Cánh tài xế lẫn khách bộ hành mỗi khi rồng rắn xếp hàng nhích từng mét qua đoạn đường gần 40 cây số mất hàng tiếng đồng hồ cứ nhè lãnh đạo xứ Thanh mà réo!
Dằng dặc nhiều năm Thanh Hóa cùng PVN lao tâm khó nhọc, nhích dần tiến độ GPMB dự án LHDNS. Kinh nghiệm cùng công sức ấy tất nhiên không uổng để có mặt bằng sạch hôm nay cho Tổ hợp LHD lớn nhất ĐNA đứng chân. Không biết đã có bộ phận chức năng hay bộ ngành nào ghi những thành bại cùng kinh nghiệm GPMB Nghi Sơn vào sổ sách? Nhưng mới đây bữa ghé qua Khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Quảng Ninh (những là xây sân bay, casino...) thì trụ sở của Ban Quản lý vắng hoe.
Ngước lên tấm bảng công tác thấy ghi dòng Lãnh đạo BQL đi Thanh Hóa học tập kinh nghiệm GPMB Nghi Sơn. Rồi lần qua Long Thành (dự án sân bay mới hiện còn đương bàn cãi nên xây mới hay mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất?) đã nghe một đoàn cán bộ ra Nghi Sơn cũng để học tập kinh nghiệm GPMB rồi!
Và thêm thận trọng, chín chắn?
Cũng có những cái được gần như là vô hình, khó tính đếm? Người ta đã thống kê phải mất hơn 5 năm trời (tính từ thời điểm ký hợp đồng liên doanh) theo đuổi và chuẩn bị dự án LHDNS khởi công. Nhưng có lẽ phải nhiều hơn thế.
Tự những ngày sau 1975, những cái đầu tỉnh nhất của ngành công nghiệp dầu khí khi ấy đã tính đếm đến cái cảng nước sâu Nghi Sơn lý tưởng cho các tầu vận tải sức chở lớn vào ra. Một nhà máy lọc dầu ở Nghi Sơn? Tại sao không? Nhưng rồi chùng chình mãi, một Nhà máy lọc dầu do Liên Xô xây ở Long Thành, Đồng Nai lỡ dở...
Cơn khát lọc hóa dầu tái khởi động tạm nguôi ngoai với Dung Quất. Rồi bùng lên quyết liệt 7 năm qua (kể từ khi đàm phán) với một điểm nhấn mới Nghi Sơn. Thời gian chi dùng ngần ấy năm cho Dự án Nghi Sơn có lẽ chả phải suông phí?
Dân Nghi Sơn đợi (ảnh chụp năm 2008). |
Còn nhớ, thời điểm ký hợp đồng Liên doanh vào tháng 8/2008 giữa PVN với các đối tác hùng mạnh danh tiếng như Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI), Idemitsu Nhật Bản, Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản, trên một số phương tiện truyền thông đã đồng loạt chia ở một thì tương lai rất gần. LHDNS chuẩn bị khởi công đến nơi!
Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) là Công ty liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Idemitsu Kosan (IKC- Nhật), Công ty dầu khí quốc tế Kuwait (KPI/KPE) và Công ty hóa chất Mitsui (MCI) xây dựng Dự án Liên hợp LHDNS với công suất 200.000 thùng/ngày tại Khu Kinh tế Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa (Nguồn NSRP) |
Hoa mỹ thì có quá nhiều dấu lặng trong giao hưởng Nghi Sơn. Dân dã thì cơn cớ gì cứ bẵng đi một Nghi Sơn như thế. 2008 qua đi. Rồi 2009. Tiếp 2010... LHDNS vẫn im ắng. Chả thấy truyền thông ỏ ê đến Nghi Sơn. Thiên hạ ít biết rằng, các ông lớn, các đối tác KPI, Idemitsu và Mitsui (KPI là công ty dầu khí lớn nhất của nhà nước Kuwait - nơi có nguồn dầu thô dồi dào) họ không chỉ là những nhà đầu tư thận trọng, bài bản mà còn có rất nhiều kinh nghiệm và có tiếng trong ngành lọc hóa dầu, hóa chất thế giới.
Vậy nên đầu tư vào Nghi Sơn, những cái đầu tỉnh táo nhất của các ông lớn đã ráo riết những tính toán thiệt hơn. Ráo riết nhưng phải mất thêm hơn 5 năm để quyết định có ngày khởi công hôm nay (Nếu cộng thêm thời gian đàm phán trước đó là 2 năm và thời gian xây dựng gần 4 năm nữa thì quãng đường kể từ khi các bên quyết định ngồi vào bàn đàm phán đến khi nhà máy có công suất 10 triệu tấn/năm này đi vào vận hành thương mại cũng mất hơn 10 năm).
Lại nói quỹ thời gian 5 năm ấy, để làm ăn chắc chắn ở Nghi Sơn, họ đã chi dùng cho hàng lô xích xông những việc lớn. Nào là thu xếp cho được khoản vốn vay hơn 5 tỷ USD của LHDNS (trong đó 2,3 tỷ USD từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JBIC và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc - Kexim). Khoản tiền 2,7 tỷ USD còn lại là vay từ các ngân hàng thương mại được bảo lãnh bởi cơ quan tín dụng xuất khẩu Nippon Export and Investment Insurance (NEXI).
Cũng cần nói thêm, để được các tổ chức tài chính máu mặt ấy cho vay, KPI cũng phải có bảo lãnh cung cấp nguồn dầu thô suốt đời cho LHDNS. Còn Idemitsu phải bảo lãnh về công nghệ để dự án vận hành tốt nhất. Vào tháng 7/2013, hợp đồng EPC cũng đã được trao cho liên danh nhà thầu do công ty JGC Corporation (Nhật Bản) đứng đầu.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nút thắt của Dự án Nghi Sơn được tháo gỡ là do có Cam kết bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam gọi là GGU. Rằng có những ưu đãi như hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ưu đãi thuế nhập khẩu nên dự án mới xuôi chèo mát mái?
Nhưng hóa ra đó cũng chỉ là thủ tục. Nhớ thêm lời bộc bạch của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hôm ký lễ trao thầu cho các Liên doanh xây dựng theo phương thức chìa khóa trao tay (được coi là thủ tục cuối cùng để khởi công dự án) “Dự án thành công phải vượt qua nhiều khó khăn trở ngại và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của các bên liên quan. Nếu không chứng minh được dự án có lợi cho các bên liên quan thì không thể tiến hành việc ký kết hôm nay được. Chỉ cần một bên kém một chút thiện chí, nôn nóng là dự án vỡ. Dự án LHDNS đã được tiến hành theo hướng bền vững theo phương châm các bên cùng thắng, cùng có lợi (Win-Win)”.
Mong cho sự thận trọng tỉnh táo của một trong những trụ cột quản trị đất nước ấy lây lan sang những vị thế có trách nhiệm khác nữa. Để mai kia, những dự án Lọc hóa dầu của Vũng Rô 3,18 tỷ USD (Phú Yên) hay khổng lồ hơn của Nhơn Hội, Bình Định (30 tỷ USD) có những bước đi tỉnh táo thận trọng của Nghi Sơn để tránh trở thành suông hão hoặc trở thành thứ lạm phát lọc hóa dầu?
Khi bài báo này chuẩn bị lên khuôn, thông tin chúng tôi mới nhận được, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận tại tỉnh Thanh Hóa từ ngày 23 – 24/10. Theo số liệu được công bố, trong đợt xúc tiến này sẽ có khoảng 4 tỷ USD của các dự án mới được rót vào Nghi Sơn thông qua ký thỏa thuận hợp tác và cấp giấy chứng nhận đầu tư. |