Thí điểm bảo hiểm cho nông dân qua lãi suất

Thí điểm bảo hiểm cho nông dân qua lãi suất
TP - Ngày 17/10 tại Kiên Giang diễn ra Hội thảo “Giải pháp cho vay nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm lãi suất tại ĐBSCL”.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, nông nghiệp ở ĐBSCL phải theo hướng sản xuất lớn, do đó rất cần ưu tiên về tín dụng. “Việc phát triển bảo hiểm nông nghiệp cho người nông dân sẽ gỡ khó cho cả ngân hàng bên cho vay và người đi vay”- ông Bình khẳng định.

Theo ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tính đến 9/2013, tín dụng nông nghiệp dư nợ cho vay của toàn tỉnh là 13.400 tỷ đồng. “Tín dụng nông nghiệp tích cực góp phần phát triển nông thôn, nhưng tiếp cận vốn với ngân hàng còn khó khăn”, ông Thi lưu ý. Đại diện tỉnh Sóc Trăng lưu ý cả hai vụ nuôi tôm vừa qua tại Sóc Trăng đều mất mùa, nông dân không còn tài sản thế chấp nên không có vốn cho vụ 2013; vốn vay năm 2011 chưa trả nợ được. Vì vậy theo ông Thi nếu có một sản phẩm như bảo hiểm lãi suất có lợi cho bên đi vay đồng thời bên cho vay yên tâm khơi thông nguồn vốn cho nông nghiệp nông thôn nhiều hơn thì bảo hiểm lãi suất sẽ đi được vào dân.

Đề cập thực trạng cho vay nông nghiệp nông thôn suốt những năm qua, Vụ trưởng vụ tín dụng Nguyễn Viết Mạnh đã đưa ra số liệu cuối tháng 8/2013 dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ước đạt 650.000 tỷ đồng, tăng 15,75% so với cuối năm 2012. Tuy nhiên, trong bức tranh tín dụng hiện còn khó khăn rủi ro như nông dân được mùa mất giá, được giá mất mùa; quy hoạch nuôi trồng thủy hải sản tràn lan, doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh…

Gỡ rào cản để vốn ngân hàng đến được với nông dân như thế nào? TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng: "Cách làm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp vừa qua chưa ổn. Nên khích lệ nguời nông dân thông qua hỗ trợ xã hội”.

l Cũng tại hội thảo, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt công bố dành gói vay 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cả trung và dài hạn ở mức 9% cho nông dân ĐBSCL vay. Điểm đặc biệt gói vay sẽ được bảo hiểm rủi ro về lãi suất, tức là trong trường hợp gặp khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, ngân hàng có thể sẽ gánh phần trả lãi suất hộ người nông dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG