Dựa mãi vào tiểu ngạch, ai lo cho nông dân?

Dựa mãi vào tiểu ngạch, ai lo cho nông dân?
TP - Chỉ hơn một tuần trước, gần trăm xe container (loại 25-30 tấn) hàng nông sản, chủ yếu là thanh long từ Bình Thuận bị tắc ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), chờ xuất sang Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thiệt hại nặng. Tình trạng này bắt nguồn từ cung cách buôn bán biên mậu.

> Gần 400 tấn gừng Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Tân Thanh
> Lại ách tắc hàng tại cửa khẩu Tân Thanh

Tù mù, nhiều rủi ro

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Kiểm dịch thực vật Vùng VII (thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT), đơn vị kiểm soát nông sản có nguồn gốc thực vật trước khi xuất sang Trung Quốc, cho hay hơn chục ngày trước, hàng thanh long có tắc, nhưng nay đã thông, lên xe nào xuất hết xe đó. Thực tế, việc tắc vừa rồi, không phải phía Trung Quốc cấm biên, mà do họ đang gặp lũ lụt, khó khăn vận chuyển, ít DN của họ ra cửa khẩu lấy hàng.

Ông Đào Văn Hồ, giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp cho biết, sắp tới, Bộ NN&PTNT đang xúc tiến lập văn phòng đại diện thương mại ở Trung Quốc, để hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các DN. “Khi chúng ta ký hợp đồng, xuất khẩu chính ngạch, sẽ không lo ngại, rủi ro. Thậm chí có những đơn hàng, chúng ta có thể ký dài hạn. Còn biên mậu, tiểu ngạch đương nhiên còn rủi ro” - ông Hồ nói.

Theo bà Hà, nhiều DN Trung Quốc không ra cửa khẩu lấy hàng, mà có lấy cũng không vận chuyển được vì bị tắc đường. Mặt khác, hàng xuất của Trung Quốc xuất sang ta thời gian đó cũng ít, vì họ mang không được hàng ra. “Thanh long đưa lên nhiều, trong khi người mua ít, đương nhiên giá sẽ hạ xuống. DN buộc phải nằm chờ tư thương Trung Quốc đến cửa khẩu mua, nâng giá lên. Do chi phí bến bãi, lưu kho ở phía Trung Quốc cao, nên các xe hàng thanh long phải nằm ở bên Việt Nam”- bà Hà nói.

Tuy nhiên, theo bà Hà, việc mua bán ở biên giới, gần như không có hợp đồng, nếu có cũng chỉ do Cty dịch vụ đứng ra làm hình thức, bản chất vẫn là buôn bán biên mậu. “Hàng ta cứ mang lên, thỏa thuận bán được giá nào thì chấp nhận giá đấy, cái này rủi ro là điều khó tránh khỏi. Trung Quốc họ cũng mua của mình như vậy, nhưng họ hơn ta là có kho lạnh, hàng không bán được sẽ đưa về kho bảo quản, còn ta thì kho thường”- bà Hà nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia kinh tế cho biết, hiện tượng thương lái Trung Quốc về tận vườn vải, ruộng khoai lang để chọn lựa hàng rồi xuất đi cho thấy, họ buôn tận gốc, bán tận ngọn. Bóng dáng DN Việt Nam đang quá mờ nhạt trong các giao dịch hàng nông sản. Do đó, gần như không thể dự báo được nhu cầu thị trường, hay có thể điều tiết được giá cả. “Chính sự mù mờ về thị trường và tính bị động trong giao dịch hàng nông sản để lại nhiều bài học, nhưng đến nay dường như vẫn chưa tìm được phương án khắc phục hiệu quả”, vị chuyên gia nói.

Dựng hệ thống bao biên

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) nói: “Trung Quốc là thị trường lớn, dễ tính. Hầu hết các sản phẩm rau quả, đường, cao su, thủy sản của ta... đều là xuất qua tiểu ngạch, biên mậu, dạng ăn tươi, bán tươi. Việc này, nếu mối quan hệ giao thương chưa bền vững, chắc chắn sẽ có rủi ro. Cái này, tôi đã cảnh báo với DN nhiều rồi” - ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, có những DN họ mua bán kiểu tiền trao, cháo múc; hay có DN lấy phân đạm Trung Quốc và xuất hàng khác của Việt Nam sang, hàng đổi hàng cũng đỡ hơn. Có rủi ro thứ hai là hàng không bán được ở cửa khẩu. Ông Hòa cho biết, đã là tiểu ngạch là tạo điều kiện tiêu thụ, vì vừa dễ tính, sức mua lớn, đỡ về thuế quan. Do vậy, chính sách biên mậu qua tiểu ngạch, cái này phần nào cũng tốt về đầu ra cho DN Việt Nam.

Tuy nhiên, để tránh rủi cho nông dân, khi xuất khẩu nông sản biên mậu, ông Hòa cho hay, cần phải có hệ thống bao biên, như phía Trung Quốc. Đây là người nhận lệnh từ xa để thu mua nông sản ở khu vực biên giới, còn DN nhập hàng thực sự, họ nằm rất sâu trong nội địa. Ông Hòa nói: “Khi giao dịch cần có đầu mối giữa hai nước, thậm chí có đại diện của ta ở bên kia Trung Quốc để nắm nhu cầu, khi trao đổi cũng cần phải ràng buộc chặt chẽ”.

Lãnh đạo Cục Chế biến Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối cũng cho rằng, để tình trạng DN mua phần ngọn, còn lời lỗ thế nào, người nông dân tự bơi, là không ổn. “Cần tạo sự liên kết, có quyền, trách nhiệm của mỗi bên. Ở đây, về lâu dài, nông dân có thể giam gia cổ phần vào DN bằng quyền sử dụng đất, khi họ có quyền lợi sẽ không dễ gì bán sản phẩm cho người khác, lợi nhuận cũng được chia sẻ hài hòa hơn giữa DN và nông dân” - ông Hòa nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.