Người người xích lại gần nhau

Người người xích lại gần nhau
TP - Ngày 8/10, giữa chiều thu phảng phất hoa sữa, cả hội trường tầng 9 của tòa nhà Tiền Phong (15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội) lặng im tưởng nhớ về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - dù được định trước nhưng vẫn để lại những chống chếnh, đau thương cho những tướng lĩnh can trường.

> “Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của Bộ đội Cụ Hồ, Đại tướng của Nhân dân"
> Nhớ Tướng Giáp, người lính già trèo đồi thăm chiến tích

Chia sẻ của các vị khách tại buổi giao lưu trực tuyến do báo Tiền Phong tổ chức với chủ đề “Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của Bộ đội Cụ Hồ, Đại tướng của nhân dân” đọng lại những cảm xúc nghẹn ngào.

 Khách mời của cuộc tọa đàm giao lưu trực tuyến tại báo Tiền Phong. Ảnh: Như Ý
Khách mời của cuộc tọa đàm giao lưu trực tuyến tại báo Tiền Phong. Ảnh: Như Ý.

Tham dự buổi giao lưu trực tuyến có Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Trung tướng Phạm Hồng Cư, Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại tá Nguyễn Huyên. Cuộc tọa đàm còn có sự tham gia của chị Võ Hạnh Phúc - con gái Đại tướng.

Nói lời tựa cho buổi giao lưu, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong xúc động: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nhà lãnh đạo tài năng nhất mà non sông đất nước sinh ra trong giai đoạn lịch sử đầy thử thách khắc nghiệt.

Ông thực sự đã trở thành người lính, người bảo vệ Tổ quốc vĩ đại nhất của Thời đại Hồ Chí Minh. Ông là vị tướng tài năng mà nhân cách và những phẩm chất cao đẹp khiến cho toàn quân cảm phục và tôn kính là Anh Cả, toàn dân yêu mến coi ông như Đại tướng của lòng dân.

Ông qua đời để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong toàn Đảng, quân và toàn dân ta, trong đó có thế hệ trẻ, những người tôn kính ông là thần tượng”.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tư lệnh Đoàn 559
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tư lệnh Đoàn 559.

Lòng dân là thước đo phẩm chất

Suy ngẫm về dòng người tới đưa tiễn Đại tướng những ngày qua tại số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận “đức độ của Đại tướng đã thu phục lòng tin yêu của người dân, khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn”.

Ông khẳng định, tấm gương của Đại tướng cũng như tình cảm của người dân đối với Đại tướng làm cho chúng ta cảm động và chắc cũng làm cho “cái bộ phận không nhỏ, tha hóa, biến chất” phải suy nghĩ. Nó càng cho thấy lòng dân là thước đo phẩm chất đối với những con người đã dấn thân vào sự nghiệp chính trị, là cái kính chiếu yêu để phân biệt tốt-xấu...

Trung tướng Phạm Hồng Cư Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
Trung tướng Phạm Hồng Cư Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Đại tá Nguyễn Huyên Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tá Nguyễn Huyên Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An
Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An.

Nói về chủ đề buổi tọa đàm, trung tướng Phạm Hồng Cư khẳng định, Bộ đội Cụ Hồ là phần thưởng rất lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bởi Bộ đội Cụ Hồ là bộ đội từ nhân dân mà ra và chiến đấu vì nhân dân. “Mấy ngày nay chúng ta đều thấy hàng vạn người tới số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội để tưởng niệm Đại tướng, đó là cách người dân bày tỏ lòng ngưỡng mộ, yêu quý Đại tướng”.

Tấm lòng nhân hậu của Đại tướng còn được người thư ký riêng của ông nhắc đến như một minh chứng cho danh xưng “Đại tướng của lòng dân”. Đại tá Nguyễn Huyên cho biết sinh thời Đại tướng luôn gần gũi, thăm hỏi nhân dân, nhất là những gia đình gian khổ, thiếu thốn, cả miền xuôi,
miền ngược.

Nén những đau thương trước nỗi đau quá lớn của gia đình, chị Võ Hạnh Phúc - con gái của Đại tướng cho biết: “Gia đình rất cảm động vì tình cảm của nhân dân dành cho ba tôi. Sau khi ông ra đi, tối 4/10 thấy nhiều bạn trẻ đứng bên kia đường, bên hàng rào ở nhà 30 Hoàng Diệu. Lúc đó, gia đình cho rằng nếu chỉ tổ chức lễ tang sẽ không thể đáp ứng được tâm nguyện của người dân đối với ông. Và đến 5/10, sau khi lập bàn thờ ông, gia đình đã đề xuất ý kiến để cho nhân dân vào tưởng niệm”.

Chị Võ Hạnh Phúc cũng cho biết thêm: “Ý nghĩ mở cửa cho nhân dân đến tưởng niệm ông xuất hiện rất tự nhiên. Khi bắt đầu mở cửa, thấy dòng người đứng xếp hàng, có nhiều người lính là chiến sĩ cũ của ông, các cựu chiến binh, đủ mọi tầng lớp nhân dân. Tình cảm của người dân khiến gia đình vô cùng xúc động”.

“Nhân dịp này, xin thay mặt mẹ chúng tôi, qua báo Tiền Phong xin gửi lời cảm ơn tới các vị lão thành cách mạng, các cựu chiến binh và toàn thể nhân dân đã dành tình cảm to lớn cho ba chúng tôi”, chị Võ Hạnh Phúc nói.

“Ba muốn về với mảnh đất miền Trung nghèo khó”

Trả lời câu hỏi của nhiều bạn đọc về nơi an nghỉ của Đại tướng tại Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), chị Võ Hạnh Phúc cho biết: “Từ giữa những năm cuối của thập niên 90, ba tôi và gia đình có ý định tìm một số nơi để ông yên nghỉ. Ban đầu, ba có ý định đi về căn cứ địa Việt Bắc (ở Thái Nguyên). Cũng có lúc ba nghĩ ở đâu đó vùng Sơn Tây (Hà Nội) để gần Bác Hồ. Cuối những năm 1990, ông nhiều lần về thăm quê Quảng Bình. Ông nghĩ mình sẽ về với quê hương. Gia đình cũng đã đi xem xét nhiều nơi trong tỉnh nhưng cuối cùng ông chọn vùng Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc huyện Quảng Trạch. Đó là quyết định của ông”.

Chị Võ Hạnh Phúc Con gái Đại tướng
Chị Võ Hạnh Phúc Con gái Đại tướng .

“Suốt đời ông không có yêu cầu gì với tổ chức nhưng đây là yêu cầu duy nhất. Ông muốn về với miền Trung, miền đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống anh hùng. Quyết định về Vũng Chùa - Đảo Yến có từ năm 2006, ông có bút tích để lại về việc này”, chị Võ Hạnh Phúc cho biết.

Chị Võ Hạnh Phúc khẳng định “trong gia đình ông là một người cha rất hiền hậu nhưng cũng rất nguyên tắc”. Dạy dỗ con cái, ông và bà rất có ý thức rèn luyện cho tất cả con cái tự lập từ nhỏ và không nhờ vả hay đòi hỏi bất kì sự giúp đỡ, ân huệ gì khi có những khó khăn.

“Tôi nghĩ ông đã rèn cho chúng tôi tính tự lập cao, tự làm mọi việc. Luôn tìm hiểu để giải quyết vấn đề khó khăn như thế nào. Những lúc cần chúng tôi có thể tìm được lời khuyên từ ông bà”.

Trước đề nghị của bạn đọc về việc tổ chức số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội thành Nhà lưu niệm Đại tướng, chị Võ Hạnh Phúc cho biết, từ nhiều năm qua gia đình đã thu thập và giữ gìn những kỷ vật về ông và những tư liệu cả trong và ngoài nước về cuộc đời ông. “Chuyện nhà 30 Hoàng Diệu có được thành một khu lưu niệm về ông, gia đình rất mong muốn nhưng chắc sẽ phải chờ ý kiến của tổ chức. Ông luôn dạy các con, Bác Hồ dạy ông phải luôn “dĩ công vi thượng”. Ông đã làm theo thì các con cũng làm theo lời dạy của Bác”.

Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An nói rằng, anh rất hạnh phúc khi thấy nhiều bạn trẻ dành cho Đại tướng những tình cảm sâu sắc, kính trọng bằng những việc làm cụ thể.

“Còn nhớ, cách đây hơn 5 năm, khi nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và nhật ký Nguyễn Văn Thạc được in sách đã trở thành những cuốn bán chạy nhất. Rất nhiều người trẻ đã đọc, lấy đó là tấm gương về lý tưởng phấn đấu của mình”, anh An nói.

Các phong trào tình nguyện của Đoàn đang thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia, dù rằng khi tham gia phải đánh đổi những ngày hè vui, bỏ việc làm thêm hoặc đóng góp kinh phí, vật chất để giúp đỡ bà con vùng sâu vùng xa. Khi Đoàn phát động phong trào hiến máu tình nguyện với những ngày Chủ nhật Hồng, Chủ nhật Đỏ, hàng ngàn bạn trẻ đã hiến dâng những giọt máu quý giá của mình...

“Qua vài ví dụ trên, tôi muốn nói rằng, nếu chúng ta biết khơi gợi tình cảm cách mạng, nhiệt tình của tuổi trẻ thì sẽ tạo ra nguồn năng lượng vô cùng to lớn cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước”, anh An khẳng định.

“Đại tướng của hòa bình”

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên khẳng định, Đại tướng không chỉ là một vị danh tướng quân sự, mà là vị tướng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa. “Nói riêng trong lĩnh vực quân sự, tôi luôn cho rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại tướng của nhân dân, từ dân mà ra, vì dân phục vụ”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thì nhấn mạnh danh hiệu ý nghĩa nhất là danh xưng “Đại tướng của hòa bình”. Theo ông Dương Trung Quốc danh xưng “Đại tướng của hòa bình” là danh xưng thể hiện rất rõ bản chất của cuộc cách mạng của chúng ta, bản chất quân đội của chúng ta, bản chất sức mạnh của Đại tướng - đó là con người đấu tranh, phấn đấu cho hòa bình.

Trung tướng Phạm Hồng Cư nói: “Nếu một con người có tài năng và đạo đức, Đại tướng quan tâm tới đạo đức làm gốc. Nếu trong quân đội có con người và vũ khí, Đại tướng lấy con người làm gốc”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.