Những nhà nghiên cứu lịch sử của chính những quốc gia có liên hệ tới những cuộc chiến tranh diễn ra ở Việt Nam như Pháp và Mỹ đều nhận ra, nguyên nhân bùng nổ chiến tranh bao giờ cũng bắt đầu từ những chính khách diều hâu muốn bảo vệ những giá trị đã lỗi thời. Ví như, khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ luôn gặng hỏi về sự kiện đã từng diễn ra trên Vịnh Bắc Bộ vào tháng 8/1964.
Đại tướng khẳng định, chỉ khi tàu của Mỹ xâm phạm vào hải phận những hòn đảo của Việt Nam, lực lượng vũ trang của ta mới nổ súng đánh đuổi, và không có bất kỳ một hành động quân sự nào diễn ra tại vùng biển quốc tế đối với tàu Madoc của Mỹ. Lịch sử cho thấy, sự kiện Vịnh Bắc Bộ cuối cùng chính là một vụ dàn dựng để những phần tử diều hâu trong chính giới Mỹ lấy cớ tấn công ra miền Bắc Việt Nam mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại".
Nhìn lại sự nghiệp và di sản quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Dương Trung Quốc cho biết: “Sự nghiệp quân sự của Đại tướng gắn liền với lịch sử chiến tranh cách mạng nước ta mà ông là vị Tổng tư lệnh. Những di sản quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được thể hiện trong hiện thực lịch sử ấy.
Một nhận thức đầy đủ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thể tách khỏi thời đại và nhân dân.
Cũng phải nói thêm rằng, khác với nhiều nhân vật lịch sử khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà sử học thực thụ mà những di sản của ông để lại như những tác phẩm tổng kết lịch sử, bộ hồi ức đồ sộ sẽ có giá trị lâu dài không chỉ đối với người Việt Nam chúng ta.
“Võ Nguyên Giáp là con người làm nên lịch sử và người viết sử”. Nói về khía cạnh Người viết sử trong con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Dương Trung Quốc cho biết: “Trong thế hệ những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam nói chung và quân đội nói riêng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một đặc trưng mà chúng tôi những người nghiên cứu sử học, có thể tự hào là Đại tướng không những là người làm nên lịch sử mà Đại tướng cũng là người viết lịch sử theo nghĩa đen.
Khi còn trẻ, Đại tướng đã từng là thầy giáo dạy sử, đã từng nghiên cứu về lịch sử người nông dân Việt Nam (cuốn "Vấn đề dân cày" viết chung với Trường Chinh), đã từng theo sát và phản ánh với tư cách nhà báo cuộc bãi công năm 1936 của công nhân than Quảng Ninh...
Trong quá trình thực hiện cương vị Tổng tư lệnh qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Đại tướng luôn vận dụng những bài học và truyền thống lịch sử... Và trong những năm tháng cuối đời, Tướng Giáp dành rất nhiều công sức để chỉ đạo và tham gia tổng kết lịch sử chiến tranh cách mạng, viết hồi ức lịch sử và tổ chức những hoạt động nghiên cứu và tôn vinh các sự kiện, nhân vật lịch sử trong đó có những đồng đội của ông...
Cũng vì lẽ đó, Đại tướng cũng dành nhiều thời gian quan tâm đến hoạt động sử học, giáo dục lịch sử, bảo tồn di sản và đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu lịch sử. Sử học đã bổ sung cho những năng lực ưu trội của ông để hoàn thành những sứ mệnh lịch sử mà ông được giao phó và chính ông đã đóng góp rất nhiều cho lịch sử dân tộc”.