Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ

Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ
TP - Lời Toà soạn: Tiền Phong có trong tay tư liệu hai bài báo của nhà báo Anh James Fox về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do TTX Việt Nam phát hành như phụ lục đính kèm của bản tin tham khảo đặc biệt ra các ngày 28/2/1973 và 2/3/1973.

> Làm theo lời Bác 'Dĩ công vi thượng'
> Tướng Giáp với Đặng Tiểu Bình, McNamara và Brezjinski

Hai bài (dịch sang tiếng Việt dài tổng cộng khoảng 15.000 từ) được đăng trên tạp chí Anh “The Sunday Times Magazine” số ra ngày 5/11 và ngày 12/11/1972.

Bài thứ nhất nhan đề “Giáp – Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ”, bài thứ hai “Giáp – Cuộc chiến tranh chống Mỹ: Những thành công và thất bại của nhà lãnh đạo quân sự Bắc Việt Nam kể từ khi Pháp rút quân”.

Trong hai bài này, James Fox có đôi chút xu hướng tuyệt đối hoá vai trò của Đại tướng trong hai cuộc kháng chiến. Tuy nhiên với cách đọc có phân tích, bạn đọc có thể thu nhận được từ đây rất nhiều thông tin về tài năng và nghệ thuật quân sự của Đại tướng. Tiền Phong trích đăng hầu hết các nội dung của hai bài báo để bạn đọc tham khảo.

“Ông dẫn lời của Danton bằng một giọng sang sảng và say sưa”

Giáo sư Grégoire Kherian, người đỡ đầu trước kia của anh thanh niên Võ Nguyên Giáp đang sống tại một căn nhà tối tăm ở phố St Ambroise, xung quanh có đồ cổ Trung Quốc và những cây bách diệp.

Năm nay, giáo sư 86 tuổi. Năm 1945, khi người Nhật chiếm Hà Nội, một sĩ quan Nhật cho phép giáo sư – lúc đó ông là trưởng khoa kinh tế chính trị trường đại học (Trường Luật - TP) - đến phòng làm việc của ông để thu nhặt giấy tờ. Ông chỉ cầm đi một hồ sơ về một sinh viên: Hồ sơ về ông Giáp. Ông nói: “Anh ta là học trò yêu của tôi. Anh ta học rất giỏi và dũng cảm”.

Giáo sư Kherian vẫn còn giữ hồ sơ đó. Trong hồ sơ có những giấy tờ như: Luận án của ông Giáp về vấn đề: “Cán cân thanh toán ở Đông Dương”.

Kherian phê: “Bài thuyết trình tuyệt vời về một vấn đề khó. Trong sáng, có phương pháp và có cá tính”; đơn của ông Giáp viết theo kiểu văn bàn giấy hết sức lễ độ của Pháp xin phép không ghi tên sớm, với lý do bố mẹ ông chỉ vừa mới nhặt nhạnh đủ tiền nong. Nhưng tư liệu đáng chú ý nhất của Kherian là tư liệu nói về lúc Giáp học xong đại học, khi người ta đề nghị cho ông rời Việt Nam sang Pháp.

Năm 1938, ông đỗ ngoại hạng về môn kinh tế chính trị. Kherian giải thích: “Hằng năm chúng tôi có một giáo sư cao cấp về kinh tế từ Paris đến để kiểm tra sinh viên. Năm đó là ông Gaetor Pirou của trường Luật ở Paris. Ông ta là đổng lý văn phòng của Thủ tướng Paul Doumer.

Ông nói với tôi ông có rất nhiều ấn tượng về tác phẩm của ông Giáp và hỏi tôi về ông Giáp. Tôi nói ông ta đang có chuyện rắc rối với các nhà cầm quyền ở đây và là một người sôi động. Pirou nói: “Chúng ta phải kéo anh ta ra khỏi môi trường thực dân. Hãy đưa anh ta sang Paris. Anh ta có thể học cái gì đó. Chúng ta sẽ cung cấp tiền nong cho anh ta”. Tôi nói chuyện này với ông Giáp. Hôm sau ông Giáp trở lại cho biết ông không thể rời bỏ bạn bè và hành động như một người ích kỷ”.

Đây không phải là một quyết định bất ngờ đối với bản thân ông Giáp, lúc đó ông đã tham gia sâu vào các hoạt động chống thực dân, nhưng đó là một quyết định tai hại cho người Pháp sau này khi Pháp bị một thất bại nhục nhã dưới bàn tay của một Võ Nguyên Giáp đại tướng.

Cụ Hồ Chí Minh nói: “Quân sự không có chính trị giống như cây không rễ”, và tất cả mọi điều trong kinh nghiệm của ông Giáp đều góp phần nuôi dưỡng những chiếc rễ cây đó”.

Ảnh mật thám Pháp chụp khi học sinh Võ Nguyên Giáp bị bắt tại Huế năm 1930
Ảnh mật thám Pháp chụp khi học sinh Võ Nguyên Giáp bị bắt tại Huế năm 1930.

Quê ông Giáp là làng An Xá, tỉnh Quảng Bình, cách Huế 60 dặm về phía bắc. Đó là một vùng nghèo và cằn cỗi, giống như tỉnh Quảng Trị ở phía nam. Tại đây, trong những năm 20, nông dân chết đói và hiện nay quân của ông Giáp đang đào hầm để tránh bom Mỹ.

Cha ông làm nghề cày, một nhà nho, người ta biết cha ông là một người tổ chức cuộc đấu tranh chính trị chống Pháp. Ông Giáp theo học trường Trung học Huế. Học sinh trường này ở những thời gian khác nhau có Cụ Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Đồng (hiện nay là Thủ tướng) và Ngô Đình Diệm, nhà lãnh đạo tồi tệ nhất ở miền Nam.

Cuối những năm 20, tại phía bắc Trung kỳ có những cuộc nổi loạn ngày càng lớn chống các nhà cầm quyền Pháp; lớn lên trong không khí của phong trào quốc gia, ông Giáp thấy mình bị lôi cuốn theo trào lưu chính của tình hình và dư luận. Ông đọc “Bản án chủ nghĩa thực dân” của Cụ Hồ Chí Minh và thấy cuốn sách đó là cả một phát hiện mới. Ông nói: “Lần đầu tiên đọc một cuốn sách tố cáo chế độ thực dân, chúng tôi rất căm hờn và xúc động”.

Ông đã trở thành một nhân vật được chú ý trong danh sách của Sở Liêm phóng Pháp. Ông biểu tình với học sinh Pháp ở trường trung học và cuối cùng bị đuổi vì đã tham gia phong trào bãi khóa ở Huế.

Năm 1927, ông tham gia đảng Tân Việt, một đảng tổ chức tương đối lỏng lẻo gồm những người tiến bộ. Sau đó ít lâu, cánh tả của tổ chức này gia nhập Đảng Cộng sản.

Tại Việt Nam, những năm 1930 và 1931 là những năm khủng bố đỏ và trắng. Trong năm 1930 có 83 vụ đình công với 27.000 người tham gia tại các nhà máy ở miền Bắc và các đồn điền cao su miền Nam.

Tại những nơi này, tình hình kinh tế rất kinh khủng; trong hai năm đó, số hội viên của các nghiệp đoàn không hợp pháp tăng từ 6.000 từ 64.000. Sự đàn áp của Pháp, đặc biệt ở Vinh - sau này thành phố này trở thành mục tiêu của một trận đánh phá dã man của máy bay Mỹ - rất tàn nhẫn. Người ta ước tính trong hai năm đó, 10.000 người Việt Nam bị giết, 50.000 bị đầy. Tại tỉnh Nghệ An đã có đấu tranh vũ trang chống lính lê dương.

Tại Huế, ông tổ chức một cuộc phản đối của đông đảo người và vì việc đó ông bị bắt và cầm tù vào năm 1930, mặc dù người đỡ đầu trước kia của ông, ông Kherian - khẳng định rằng ông bị bắt vì đã đánh một sinh viên Pháp, chứ không phải vì tổ chức một cuộc chống đối. Dù tại lý do nào, ông không bị tù lâu. Ông trở thành một học sinh trước hết tại trường trung học Albert Sarraut ở Hà Nội và sau tại trường đại học. Tại đây, ông trở thành ngôi sao sáng của khoa kinh tế chính trị của Kherian.

Ông say mê và hiện nay vẫn còn say mê lịch sử. Sau khi ra trường đại học, ông dạy lịch sử tại trường trung học Thăng Long. Trong số học sinh tại trường này có ông Lê Đức Thọ - sau này ông Thọ trở thành nhà thương lượng chủ chốt của Hà Nội tại hội nghị hòa bình ở Paris – ông Nguyễn Thành Lê, người phát ngôn của Hà Nội tại Paris, và một số đoàn viên khác trong đoàn.

Một người trong số này nói: “Chúng tôi rất thích ông. Ông đã giảng rất hay cho chúng tôi nghe về lịch sử cách mạng Pháp. Ông nói về công xã 1789, về các người cách mạng như Marat Danton, Hoche. Ông không nói với chúng tôi quan điểm của ông nhưng ông dẫn lời của Danton bằng một giọng sang sảng và say sưa”.

Trần Văn Tuyên - hiện nay là một luật sư và một nhân vật xuất sắc của phe đối lập ở Sài Gòn, lúc đó là một giáo viên toán của trường, nói: “Chúng tôi trở thành bạn qua việc cho nhau mượn sách. Ông Giáp có một tủ sách kỳ lạ, chất đầy các tác phẩm chính trị đủ mọi loại.

Ông luôn luôn là một người làm việc hăng say và đọc rất nhiều. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước tính năng nổ của ông. Từ lâu sự say mê của ông về chiến lược quân sự đã rất rõ ràng. Đề tài ông ưa thích có lẽ là các cuộc chiến tranh của Napoléon và để minh họa trận đánh một cách chính xác, ông luôn luôn mang theo người một bản đồ đánh dấu tất cả các cuộc chuyển quân và vị trí của quân đội, ông có thể giải thích tại sao trận đánh này lại thua hay thắng”.

“Chúng ta càng đợi lâu bao nhiêu, thất bại của chúng càng lớn bấy nhiêu”

Sự hiểu biết của ông về môn lịch sử tất phải trở thành một bộ phận cơ bản trong kiến thức của ông với cương vị là một vị tướng. Ngay từ đầu trong sự nghiệp của ông, ông đã nắm được quan niệm về “chiến tranh nhân dân” một cuộc chiến tranh kéo dài trong đó, không phải chỉ có binh lính mà toàn dân tham gia.

Chiến tranh trường kỳ là một mưu lược có từ lâu của Việt Nam, đã từng đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm kể từ đầu công nguyên. Miễn là quân đội có thể hoàn toàn dựa vào sự giúp đỡ của người dân bình thường tại các xóm làng, quân đội có thể từng bước tiêu lực lượng địch, buộc chúng phải đóng tại các chốt phòng thủ và cuối cùng buộc chúng phải rút lui đội quân đã mất tinh thần của chúng.

Điều mà sau này ông Giáp có thể đánh giá – và điều mà người Mỹ rõ ràng không thể nhận ra được – là kiểu chiến tranh đó dựa vào các phương pháp rút từ một cuốn sách của thế kỷ thứ 13, lại đặc biệt có hiệu quả để đối phó với kỹ thuật của các hình thức chiến đấu hiện đại.

Ông Giáp nói: “Chúng ta càng đợi lâu bao nhiêu thì thất bại của chúng càng lớn bấy nhiêu”, và trong hơn 30 năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, điều đó là châm ngôn của ông.

10 năm đầu, ngay cả trước thất bại thảm khốc của Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954, đã cho ta thấy ông là một trong những nhà chiến lược lớn của thế kỷ 20.

Trong khi còn đang mặc bộ thường phục, ông đã rải quân du kích khắp nơi và chuyển các sư đoàn của ông đi khắp Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Lào, làm cho quân đội Pháp và các sĩ quan được rèn luyện cẩn thận của họ trông giống như những đồ chơi.

Với cụ Hồ Chí Minh: Mau chóng một mối thâm tình

Ngay cả người Mỹ - thế lực xâm lược đáng sợ nhất trong lịch sử Việt Nam – sau hai năm thử thách với chiến lược của ông Giáp cũng thấy bị sa lầy. Ông kéo họ vào một tình thế bế tắc và buộc họ rút lui từng bước.

Danh sách các vị tướng lĩnh phương Tây bị thất bại trước kiểu chiến tranh của ông Giáp là một danh sách gồm nhiều tướng có tiếng tăm lừng lẫy: Valluy, De Lattre de Tassigny, Raoul Salan, Henri Navarre, Paul Harkins, Maxwell Taylor, William Westmoreland, Creighton Abrams. Một vài người như Taylor đã phải bàng hoàng.

Năm 1964, Taylor viết: “Khả năng của Việt cộng liên tục xây dựng lại các đơn vị của họ và bù đắp thiệt hại của họ là một trong những điều bí ẩn của cuộc chiến tranh du kích này”.

Cuộc đời ông Giáp cũng có thăng trầm. Một trong những cơn sóng gió đầu tiên nhất ông chịu đựng thuộc về bản thân ông.

Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu Nguyễn Thị Quang Thái
Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu Nguyễn Thị Quang Thái .

Vào khoảng 1939, ông Giáp và ông Phạm Văn Đồng – cả hai được thả khỏi nhà tù Côn Đảo khủng khiếp nhờ lệnh ân xá của chính phủ xã hội Leon Blum – và tiếp tục các hoạt động Cộng sản ở Việt Nam, dưới danh nghĩa mặt trận dân chủ Đông Dương. Khi chiến tranh bùng nổ, cả hai sang Trung Quốc.

Ông Giáp thuật lại cảnh chia ly đau lòng với vợ (nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái, em bà Nguyễn Thị Minh Khai - TP) và con gái ông. Sau đó không bao giờ ông gặp lại vợ con nữa. Bà chết trong nhà tù của Pháp – ông nói vì bị hành hạ - và chị gái bà bị lên máy chém (thực ra bà Nguyễn Thị Minh Khai bị địch xử bắn – TP). Cô con gái sống sót.

Ông viết: “Đồng chí Thái (vợ ông) với bé Hồng Anh trên tay, đợi tôi trên đường Cổ Ngư”. Văn chương tả tình của ông chưa bao giờ hay. “Trong lúc chia tay, chúng tôi bày tỏ hy vọng sẽ lại gặp nhau trong công tác bí mật khi vợ tôi có thể gửi con cho một người nào đó trông nom. Ngày 4/5/1945, đồng chí Phạm Văn Đồng và tôi đi tàu hỏa lên Lào Cai đến ga Cốc Lếu.

Trong cuộc hành trình đó, chúng tôi phải xuống tàu hai lần khi tàu bị khám xét. Lúc đó vào mùa mưa. Các sông đều đầy tràn. Tại Lào Cai, chúng tôi đi bè nứa qua sông Nậm Ti sang đất Trung Quốc”.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh với người học trò xuất sắc Võ Nguyên Giáp
Lãnh tụ Hồ Chí Minh với người học trò xuất sắc Võ Nguyên Giáp.

Lúc đó Cụ Hồ Chí Minh đang sống ở vùng Hoa Nam, họ gặp Cụ ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam.

Ông Giáp mang ảnh Cụ Hồ trong túi một thời gian, và đọc tất cả những gì Cụ gửi về Việt Nam. Ông Giáp viết: “Ở Côn Minh lúc đó đã tháng sáu, giữa hè. Chúng tôi đi chơi thong dong qua ngân hàng Tsuy Hu và gặp một người trung niên mảnh khảnh mặc âu phục, đội mũ phớt. So với bức ảnh, người đó trông hoạt bát, linh lợi hơn. Người đó để râu. Tôi cảm thấy đứng trước một người vô cùng giản dị. Đó là lần đầu tiên, tôi tận mắt trông thấy Bác. Thế nhưng, chúng tôi đã cảm thấy mối thâm tình”.

Vũ Anh, một người Mác xít Việt Nam tả lại cuộc gặp gỡ như sau:

“Bác Hồ và tôi thuê một chiếc thuyền, như vậy chúng tôi có thể đưa các anh ấy đi chơi. Bác vui vẻ nói: “Chú Đồng không thay đổi mấy. Quay lại anh Giáp, Bác nói: Trông chú vẫn tươi như cô gái 20”.

Ông Phạm Văn Đồng không thay đổi đó là một điều đặc biệt. Hồi đó sức khỏe của ông giảm sút nghiêm trọng vì những năm ở tù Côn Đảo.

Nhật đảo chính Pháp, khi được một sĩ quan Nhật cho phép đến phòng làm việc để thu nhặt giấy tờ, giáo sư Grégoire Kherian – lúc đó ông là trưởng khoa kinh tế chính trị trường đại học chỉ cầm đi một hồ sơ về một sinh viên: Hồ sơ về ông Giáp.

Việc ông Giáp không nhận lời của chính quyền thực dân sang Paris học bằng tiền của họ là một quyết định tai hại cho người Pháp sau này khi Pháp bị một thất bại nhục nhã dưới bàn tay của một Võ Nguyên Giáp đại tướng.

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG