Một số cán bộ nhà nước bảo kê doanh nghiệp

Một số cán bộ nhà nước bảo kê doanh nghiệp
TP - Ngày 17/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, tội phạm tham nhũng, kinh tế đang có chiều hướng gia tăng phức tạp. Cơ quan thẩm tra đặc biệt lưu ý nguyên nhân từ một bộ phận cán bộ có chức có quyền ở các cơ quan quản lý nhà nước tại cơ sở có biểu hiện bảo kê doanh nghiệp.

> Thủy sản 'bò' qua Trung Quốc: Bài học cho doanh nghiệp nội
> Đến lượt sốt mua gom gỗ trắc

Mất niềm tin, người dân tự xử

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nhận định, mặc dù tội phạm đã được ngăn chặn, nhưng tình hình an ninh, trật tự, tội phạm băng nhóm ở nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn, nông thôn diễn biến phức tạp.

“Nhưng nguy hiểm hơn là các vụ việc mà dân tự xử lý như các vụ đánh chết người trộm chó như ở Nghệ An”, đại biểu Khoa nói. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận định, trong bối cảnh kinh tế xã hội chưa được vực dậy, số người thất nghiệp gia tăng, dẫn tới “bần cùng, sinh đạo tặc”.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, đa số vụ án giết người xuất phát sau các cuộc nhậu. “Từ nông thôn tới thành thị, ra khỏi cửa đã có rượu. Vì vậy, cần nghiên cứu đưa kinh doanh rượu thành ngành kinh doanh có điều kiện”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hiện nay, nhiều tội ác man rợ diễn ra hằng ngày, diễn ra ở khắp các lĩnh vực, ngay cả trong y tế, giáo dục, từ gia đình tới nhà trường, “mất hết cả nhân tình, đạo lý”.

 “Nhiều vụ án xảy ra tình trạng công an cấp Bộ về làm thay công an cấp tỉnh, cấp tỉnh về làm thay cấp phường. Điều đó cho thấy, cơ chế tố giác tội phạm tại chỗ không phát huy hiệu quả. Mặc dù người dân biết, nhưng họ không muốn tố cáo. Bởi họ xét thấy chẳng có ích gì, chẳng được việc gì”.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Nêu các cụm từ được viết trong báo cáo về công tác phòng chống tội phạm như “khá phổ biến”, “đáng báo động”, “diễn biến phức tạp”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên là do đạo đức xuống cấp ở mọi lĩnh vực, y tế, giáo dục, tư pháp, hành pháp... “Có phải đạo đức xã hội xuống cấp do người dân nhìn vào một bộ phận cán bộ đảng viên tiêu cực không bị xử lý nghiêm minh?”.

“Phải xử lý nghiêm minh những vụ việc vi phạm, tham nhũng, lấy lại lòng tin của dân. Nếu không, dân sẽ còn tự xử mà tự xử rất công khai, đấy là chưa kể chống lại người thi hành công vụ. Bản thân lực lượng công an phải đổi mới phương thức hoạt động, bây giờ tướng lĩnh nhiều hơn, nhưng tình hình lại phức tạp hơn”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói.

Tội phạm tham nhũng, kinh tế gia tăng phức tạp

Ủy ban Tư pháp cho rằng, báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chưa đánh giá toàn diện nguyên nhân tình hình vi phạm pháp luật và tình hình tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế đang có chiều hướng gia tăng phức tạp. Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, ngân hàng, đầu tư công còn có nhiều sơ hở, tội phạm tài chính ngân hàng chậm được phát hiện, tín dụng đen, các vụ liên quan băng nhóm bảo kê chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định.

Cơ quan thẩm tra đặc biệt lưu ý nguyên nhân từ một bộ phận cán bộ có chức có quyền ở các cơ quan quản lý nhà nước tại cơ sở có biểu hiện bảo kê để doanh nghiệp, các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên một số lĩnh vực như khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, vận chuyển hành khách... “Nhiều vụ việc ngang nhiên tồn tại, nhưng chưa được xử lý”, ông Hiện nhấn mạnh.

“Nhiều vụ án tham nhũng chỉ cần đọc báo cáo kiểm toán có thể phát hiện ra, nhưng lại vướng mắc. Phải chăng cơ chế tự phát hiện bị vô hiệu, tự phát hiện còn biến thành tự bao che?”, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, công tác điều tra cơ bản và trinh sát án tham nhũng còn yếu, thậm chí khi phát hiện ra tội phạm, bị can bỏ trốn. “Giám sát tại các tỉnh, trong hơn 2 năm chỉ xử lý, phát hiện được 2 vụ tham nhũng. Quá trình điều tra các án tham nhũng còn kéo dài”, ông Quyền nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG