> Già làng lướt web, phóng ô tô vù vù
Già làng Plin đang “dạy tiếng cho chiêng”. |
Ngăn nạn chảy máu cồng chiêng
“Bán cả cơ nghiệp để làm chuyện mà chưa ai từng làm như thế phải chăng là quá liều lĩnh?” - tôi hỏi. “Thời điểm đó, thanh niên trong buôn chỉ say sưa với nhạc điện tử chứ không để mắt đến cồng chiêng, dân vũ. Sợ rằng bọn mình ngày càng già và chết đi thì âm nhạc truyền thống sẽ mai một nên mình quyết định phải tạo sự đột phá để khơi dậy niềm đam mê cồng chiêng của giới trẻ. Mà một khi đã chơi là chơi tới cùng” - già làng Plin hào sảng nói.
Cồng chiêng là máu thịt của đồng bào. Mỗi khi tiếng kèn, tiếng chiêng vang lên là người cảm thấy rạo rực, muốn đến với nhau, cùng nhau nhảy múa, hòa bước chân nhịp nhàng trong vòng xoang quanh bếp lửa hồng. |
Krajan Plin là một trong những người lưu giữ được nhiều chiêng chóe và các nhạc cụ (đàn t’rưng, kèn bầu, tù và…) của đồng bào Tây Nguyên nhất.
Ấn tượng hơn cả là những bộ chiêng 6 của người K’Ho (mỗi bộ gồm 6 cái chiêng) với chất liệu bằng đồng thau; mô phỏng gia đình mẫu hệ: Chiêng to nhất là chiêng mẹ và kế đến là các chiêng con theo thứ tự từ lớn đến bé. Mỗi chiêng có giá ngang với 2 con trâu mộng.
“Chúng quý giá không hẳn vì đắt tiền mà vì mình đã cất công sưu tầm, chế tác mấy chục năm nay. Nhiều lúc phải tranh mua chiêng chóe với thương lái để những nhạc cụ truyền thống quý giá của cha ông không bị bán đi nơi khác” – già làng Plin tâm sự.
Một số chuyên gia về văn hóa cho rằng đó là việc làm thiết thực góp phần ngăn chặn nạn chảy máu cồng chiêng ở Tây Nguyên. Bao năm qua, do lối suy nghĩ giản đơn và vì kinh tế khó khăn, nhiều người đã bán chiêng chóe để trang trải cuộc sống hàng ngày. Hậu quả là nhiều làng xã ở Tây Nguyên không còn bộ chiêng quý nào.
“Dạy” tiếng cho chiêng
Theo lão làng Dagôt Jrôl, người Lạch không có nghề đúc đồng nên không tự chế tác cồng chiêng nhưng rất thạo nghề nuôi ngựa và cưỡi ngựa không yên cực giỏi. Trước kia, khi giao thông còn trắc trở thì ngựa là phương tiện đi lại, chuyên chở thích hợp nhất ở vùng đồi núi nhấp nhô, khúc khuỷu. Những dấu chân tròn của giống ngựa nhỏ con nhưng rất khỏe này in dấu khắp các buôn làng Tây Nguyên và sang cả nước Lào. Cũng nhờ vậy người Lạch tậu nhiều bộ chiêng tốt, đặc biệt là chiêng Lào. Tuy nhiên, chiêng mang từ nơi khác về chỉ là cái xác chứ chưa có hồn, nên phải thổi hồn để chúng thực sự là nhạc cụ linh thiêng, là tiếng nói đặc biệt giữa các thành viên trong cộng đồng và giữa con người với thần linh. Người Tây Nguyên gọi đó là “dạy” tiếng cho chiêng, tương tự như dạy cho trẻ con biết nói để thực sự thành người.
Chiêng biết nói hòa âm gọi hồn sông núi. |
“Mỗi chiếc chiêng trong dàn chiêng chuẩn giống như một cung, bậc được sắp xếp ở vị trí nhất định để khi gõ vào, âm thanh phát ra sẽ hòa quyện với thanh âm của các chiêng khác. Riêng những chiếc chiêng mới thường chưa đúng cung bậc nên khi sử dụng bị phô, lạc điệu - âm thanh bị trượt lên cao hoặc chùng xuống thấp - nên phải lên dây chiêng cho đúng” - vừa nói, già Plin vừa mang bộ chiêng mới ra đánh vài bài để dò âm, đọc xem chiêng bị căng hoặc chùng chỗ nào khiến cho âm chiêng bị lỗi. Sau đó già làng cầm chiếc búa sắt nhỏ gõ vào chiêng để chỉnh những chỗ chưa chuẩn.
Lát sau, già bỏ búa xuống, cầm chiêng lên chơi vài bài và nghiêng tai lắng nghe. Khẽ chau mày: Chưa ổn. Già lại cầm búa tiếp tục gõ lúc mạnh, lúc nhẹ, lúc mặt ngoài, lúc trong lòng chiêng, lúc gõ chính giữa, lúc lại ở mép chiêng. Cứ như thế hàng tiếng đồng hồ chiếc chiêng này mới phát ra thanh âm trong trẻo, đúng vị trí trong dàn cồng chiêng.
Vốn nghĩ rằng để chỉnh chiêng phải có những máy móc, thiết bị kỹ thuật cao nên tôi không khỏi kinh ngạc khi chứng kiến già Plin chỉ dùng cái búa nhỏ để dạy tiếng cho chiêng. Quả là dùng cái thô sơ chỉnh cái phức tạp! “Động tác gõ có vẻ đơn giản nhưng phải gõ vào chỗ nào, gõ mấy cái với lực gõ mạnh - yếu sao cho chuẩn xác để gọi đúng hồn chiêng về thì chỉ có nghệ nhân chỉnh chiêng mới biết. Nếu chỉnh không điêu luyện, chiêng bị nứt, âm bị lạc nặng hơn coi như hồn chiêng bay mất” - ông Cil Dong giải thích khi cùng chúng tôi xem chỉnh chiêng.
Chữa bệnh cho chiêng
“Giống như con người, chiêng cũng có lúc ốm, bị lạc mất giọng, quên mất tiếng nói cha ông xưa, nhất là đối với những dàn cồng chiêng sử dụng quá nhiều hoặc lâu ngày không sử dụng” - già Cil Dong nói. Còn theo Plin, khi chiêng có dấu hiệu phô thanh, lạc điệu thì phải chỉnh ngay bởi bệnh nặng rất khó chữa.
Chúng tôi rời núi mẹ Lang Biang mang theo hình ảnh già làng người Lạch thân hình vạm vỡ như con gấu, mái tóc xoăn dài buộc đuôi ngựa rất lãng tử. Plin tự nhận là già gân, là người không tuổi bởi tràn đầy sinh lực: nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn không ngừng nghỉ. |
Già làng ra hiệu cho các chàng trai mang bộ chiêng gồm 6 chiếc ra đánh vài bài. Phát hiện chiêng thứ 5 bị lạc điệu, Plin mang đến đặt úp trên thớt gỗ đen mun rồi dùng chiếc búa sắt nhỏ gõ lên chiêng thăm dò xem bệnh nặng hay nhẹ, chiêng phồng hoặc dẹt chỗ nào để điều chỉnh cường độ gõ cho thích hợp nhằm kéo âm lên cao hay hạ xuống.
Già gõ nhẹ 5 - 6 lần vào mặt trong của chiêng rồi đột ngột gõ 2 cái thật mạnh, kế đến lại gõ vài cái thật nhẹ như an ủi người bệnh vừa phải qua đợt xạ trị đau đớn.
Vừa gõ, Plin vừa nheo mắt, nghiêng tai lắng nghe để đọc xem độ vang và giọng chiêng đã hoàn toàn bình phục chưa, có đúng giọng nói riêng, âm sắc riêng của buôn làng dưới chân núi Lang Biang chưa. Chiêng khỏe thì âm thanh phát ra ầm ầm như thác nước, thánh thót như chim… Nếu chưa chuẩn thì tiếp tục chỉnh hàng tiếng đồng hồ, thậm chí cả buổi vì chỉ cần một chiếc chiêng sai cung bậc thì cả dàn chiêng xem như xếp xó! Một chiếc chiêng bị lạc âm là những bài chiêng đánh ra không thấu tai thần linh.
Học chỉnh chiêng khi 30 tuổi từ các nghệ nhân lão luyện, đặc biệt là ông nội (Păng Ting Chô), đến nay Plin đã chữa bệnh cho nhiều bộ chiêng ở Lâm Đồng và được mời sang cả các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông để chỉnh chiêng. Ông đã thổi hồn, làm sống lại gần cả trăm dàn cồng chiêng của người Mạ, Ê đê, Ba Na… “ Khó nhất là chỉnh chiêng K’Ho. Người K’Ho không dùng dùi để đánh chiêng như các dân tộc khác mà dùng một tay đấm vào mặt chiêng, còn lòng bàn tay kia áp vào mặt trong của chiêng tạo ra chỗ ngừng ngắt, nhấn nhá độ ngân vang, do đó đòi hỏi chiêng phải cực kỳ chuẩn”- già Plin tâm sự.
Ông Ngọc Lý Hiển - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT&DL Lâm Đồng) cho hay nghệ nhân chỉnh chiêng rất hiếm. Phải có đôi tai thẩm âm thiên bẩm chứ không hẳn chơi chiêng giỏi và học nghề là có thể chỉnh được chiêng. Giờ thì cả mấy làng mới có một người làm được việc này. “Chỉnh chiêng khó lắm! Bản thân mình dù đã đánh chiêng liên tục mấy chục năm nhưng vẫn không chỉnh được chiêng. May mắn con trai mình là Plin được Yàng cho cái tai thính, cái tay khéo và được ông nội chỉ dạy nên biết chỉnh chiêng cho đúng cái âm thanh của Yàng” - ông Dagôt Jrôl bộc bạch.
Trong các buôn làng Tây Nguyên, đứa trẻ ra đời được làm lễ thổi tai trong tiếng chiêng; đến lúc đặt tên, mừng tuổi, cưới hỏi đều có tiếng chiêng chứng nhận; cả khi chết đi cũng nhờ tiếng chiêng siêu thoát. Cầu mưa, báo bão, gieo hạt, cúng lúa mới, cúng bến nước… đều thông qua tiếng chiêng đề đạt tâm nguyện của dân làng với Yàng và các thần linh.
Điều nghịch lý là ở vùng đất mà tiếng chiêng trở thành hồn thiêng sông núi, mỗi người con của buôn làng Tây Nguyên đều sống chết cùng tiếng chiêng nhưng người có thể chỉnh chiêng là vô cùng hiếm hoi, mỗi tỉnh chỉ có trên dưới mười nghệ nhân. Nhiều chuyên gia có tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa truyền thống băn khoăn: Nghệ nhân chỉnh chiêng ngày càng thưa thớt. Vả lại khi già yếu, cái tai không còn nghe rõ từng âm nữa, cái tay cũng run rẩy nên chỉnh chiêng sẽ không chuẩn xác. Nay mai biết lấy đâu ra người chỉnh chiêng cho bà con đánh đây?! Tôi mang điều trăn trở này trao đổi với cán bộ quản lý văn hóa địa phương và câu trả lời vẫn là: Khó lắm! Đang tìm giải pháp.