> Người bị khởi tố vụ 'nhân bản' xét nghiệm cầu cứu Bí thư Thành ủy
> Bị can tố cáo vụ nhân bản xét nghiệm cầu cứu Bí thư Hà Nội
Ba mẹ nuôi và dạy em Khoa nha! Để nó thành con người tốt không giống như con... Con yêu ba mẹ nhiều lắm”. Những dòng chữ cuối cùng trên trang vở học trò của một học sinh lớp 10 ở Lâm Đồng để lại trước khi treo cổ tự vẫn khiến không cầm được nước mắt. Tiếc cho sự hướng thiện trong tình trạng thiếu quan tâm của người lớn, khi tuổi đời em còn quá non tơ. Nhưng mấy dòng ngắn ngủi tuyệt mệnh ấy đã cho thấy một nhân cách mạnh mẽ, đến phút cuối vẫn hướng về điều tốt.
Những ngày qua, dư luận chứng kiến một loạt những cuộc “tranh chấp” giữa sáng và tối trong ngành y. Những cuộc chiến cam go, ít nụ cười nhưng thật nhiều nước mắt, mà nhân vật chính đều là những phụ nữ. Sau 3 nữ nhân viên xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức, người ta lại biết thêm một nữ dược sĩ trẻ ở Bình Phước, dũng cảm tố cáo tiêu cực của cấp trên và đồng nghiệp. Trong quá trình đấu tranh, chị ít nhất hai lần bị kẻ xấu hành hung phải cấp cứu. Kết quả, chị được vinh danh, nhưng kết cục ngay sau đó là bị chính người sai phạm ký lệnh đuổi việc. Vụ việc lên đến Thủ tướng, quyết định sa thải bị thu hồi, nhưng nữ dược sĩ trẻ nọ đang phải đối mặt với biết bao khốn đốn khác.
Mới đây, tại Trạm Y tế thị trấn Thăng Bình (Quảng Nam), lại thêm một nữ hộ sinh đứng ra tố cáo tiêu cực của chính lãnh đạo mình. Ông trạm trưởng vừa bị cách chức. Nhưng bản thân nữ hộ sinh cũng “lên bờ xuống ruộng”, bị điều chuyển nơi khác. Trước sự cứng cỏi của chị, quyết định trên phải tạm dừng, nhưng con đường trước mặt chắc hẳn sẽ khó thể tươi sáng.
Sự mong manh giữa đúng-sai, tốt-xấu, dũng cảm-sợ hãi nhiều khi thật khó phân định, bởi bản tính con người luôn muốn được nhắm mắt yên thân. Nữ kỹ thuật viên trưởng Phạm Thị Oanh ở Bệnh viện Hoài Đức bị khởi tố cùng một số người khác. Nhưng theo chị Nguyệt – người vừa được vinh danh, thì chị Oanh “có công đầu” trong việc phát hiện, thu thập tài liệu, bằng chứng để giúp cho việc tố cáo, và cũng từng có đơn tố cáo, sau vì áp lực nên đã rút lại. Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan điều tra cho biết sẽ điều tra, xem xét làm rõ công-tội.
Triết học Ấn Độ cổ đại, cho rằng, “chỉ những bàn tay không có vết thương mới có thể sờ vào thuốc độc”. Xã hội hiện đại, con người đầy những vết trầy xước, va đập. Biết nâng niu, bảo vệ những điều tốt đẹp cho dù chỉ là manh nha hay thức tỉnh, đã quý lắm rồi.