> Nông dân đứng trước sức ép từ nhiều phía
> Nông dân kiệt sức
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng nói con cá tra thế mạnh của ĐBSCL đang ngắc ngoải khi nuôi và chế biến “năm ngoái chết 7 còn 3, năm nay chết 2 còn 1”. Còn lúa, ông Bé Hai làm 1 ha ở ấp Phú Xuân, xã Thạnh Hòa (Phụng Hiệp, Hậu Giang) nói với PV Tiền Phong: Vừa bán lúa tươi tại ruộng chỉ được 2.800 đồng/kg, “rẻ như rau lang”.
Các báo cáo trình bày tại hội nghị nêu nhiều thông tin rất đáng lo ngại về tình hình nông sản không tiêu thụ được, chuỗi giá trị ngành hàng lạc hậu cả khía cạnh kỹ thuật lẫn thể chế. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng giải thích: Để giới thiệu bức tranh toàn cảnh.
“Xu hướng sụt giảm”
Theo Bộ Công Thương, đến hết tháng 6/2013, xuất khẩu gạo được 3,485 triệu tấn, trị giá FOB 1,504 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2012, tăng 2,55% về lượng, giảm 2,04% về giá trị FOB. Giá FOB xuất khẩu bình quân giảm 20,23 USD/tấn. “Tình hình thị trường gạo thế giới dự báo trong thời gian tới vẫn trong xu hướng sụt giảm chủ yếu do dư thừa cung gạo toàn cầu”, báo cáo nhận định.
Xuất khẩu thuỷ sản đến hết tháng 6/2013, đạt 2,861 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, cá tra tăng 0,53%, tôm tăng 7,17%, các mặt hàng hải sản khác có tăng có giảm. Nhận định của Bộ Công Thương, thời gian tới xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trên toàn cầu và các hàng rào kỹ thuật ở nhiều quốc gia.
Qua thảo luận thấy rõ nhiệm vụ của từng cơ quan, Chính phủ và địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp và người nông dân cần phải làm gì để phát triển. Phó Thủ tướng |
Trong 6 tháng có tăng trưởng nhưng tình hình khó khăn khi chưa đủ để tiêu thụ hết nông sản. Theo Bộ NN&PTNT, lượng gạo hàng hoá cả năm ở ĐBSCL khoảng 8,4 triệu tấn mà hết nửa năm rồi mới xuất được chừng 41%, phía trước thì đầy thách thức.
Thách thức lớn nhất lại là nội lực nền nông nghiệp yếu kém. Sản xuất và chế biến hầu như tự phát, không có quy hoạch, kế hoạch, không gắn với thị trường. Lúa gạo không có thương hiệu, và Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong nói, vì nước ta chưa có giống riêng để làm thương hiệu, “các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao trồng đại trà hiện nay đều của nước ngoài”.
Mặt hàng tôm có nhiều thuận lợi xuất khẩu vì nhiều nước như Thái Lan giảm sản lượng do dịch bệnh (giảm đến 50%) thì tôm của nước ta lại “vướng” kháng sinh cấm. Cá tra bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao nhưng trong 6 tháng vào thị trường Mỹ vẫn tăng 16,4%, khó khăn nhất lại ở chỗ các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ bé, thường cạnh tranh “chơi xấu” lẫn nhau. Có 70 doanh nghiệp chế biến cá tra, chủ yếu là phi lê đông lạnh; tôm có đến 200 doanh nghiệp xuất khẩu, những doanh nghiệp lớn nhất cũng chỉ xuất được bình quân một doanh nghiệp một tháng 3 triệu USD.
Cần tổ chức lại
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho rằng VFA chưa nhiệt tình tham gia cánh đồng lớn để hỗ trợ nông dân. Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong nói, lúa gạo dư thừa đã được cảnh báo từ lâu nhưng các địa phương vẫn sản xuất nhiều và chỉ kêu đầu ra mà chưa quản đầu vào nên kém hiệu quả, trong lúc đầu vào chiếm đến 60% giá thành hạt lúa.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hỏi, cấp vốn cho VFA để tham gia đầu vào được không? Ông Phong trả lời: “Cấp vốn thì nhận chứ lo đầu vào thì chưa nổi, vì chỉ khoảng 14% nông hộ có diện tích từ 1 ha trở lên, còn lại dưới 1 ha, VFA không thể đầu tư nhỏ lẻ với từng hộ. Đề nghị các địa phương tổ chức lại thành các HTX, tổ hợp tác”.
Các đại biểu thống nhất, phải tổ chức lại sản xuất để gắn với thị trường. Nhu cầu đã bức bách và khó khăn rất nhiều, nhưng các đại biểu cũng thấy rằng, bây giờ không nên nóng nảy đổ lỗi lẫn nhau mà bình tĩnh gỡ khó.
Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang cho rằng, không nên bàn khẩu hiệu chung chung nữa mà phải vào những việc cụ thể như thuỷ lợi, phát triển cánh đồng lớn để gắn doanh nghiệp với nông dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh kiến nghị, với nguồn vốn ưu đãi dành cho nông nghiệp, nên giao một phần cho địa phương để chủ động kịp thời gỡ khó.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Hoàng Bê nói thêm, có cơ chế giao cho địa phương chủ động xuất khẩu những mặt hàng nông sản khuyến khích xuất khẩu. Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng đề nghị, quy hoạch vùng hàng hoá nông sản ĐBSCL và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng với nông dân.
Đại diện NHNN đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL để làm khung pháp lý xây dựng thương hiệu, nghị định này được Bộ NN&PTNT dự thảo đã nhiều năm.
Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Chính phủ cho ứng vốn 244 tỷ đồng ngay trong năm 2013, để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuỷ lợi chuyên canh tôm.
Công văn, nội dung có tóm tắt: Từ vụ đông xuân 2011-2012 đến nay, đã 3 vụ, Cty TNHH Trung An mua lúa ST20, sản xuất thử ở huyện Ngã Năm (Sóc Trăng), tổng cộng 1.900 tấn thóc, làm ra gạo xuất khẩu đều được giá 900 USD/tấn. Khách hàng rất ưa chuộng nhưng lượng ít nên không đáp ứng được nhu cầu. “Kính trình Bộ NN&PTNT sớm xét công nhận giống ST20 để chúng tôi có thuận lợi trong việc tạo nguồn hàng xuất khẩu”, GĐ Phạm Thái Bình ký tên. |