> Có vấn đề về thi công
> Vỡ đập thủy điện, 8 người 'đánh đu' trên ngọn cây
Vỡ cống dẫn nước có thể là nguyên nhân gây vỡ đập Ia Krel 2. Ảnh: huỳnh kiên. |
Kẽ hở ở khâu nào ?
Theo Nghị định 358/HĐBT ngày 7/11/1990 về trình tự xây dựng cơ bản, trình tự để đầu tư dự án thủy điện nhỏ khá phức tạp, nhiều khâu xin-cho nhưng vẫn... chưa kín kẽ!
Chủ đầu tư phải căn cứ vào quy hoạch mà chính quyền đã lập để xin UBND tỉnh cấp phép đầu tư, xin EVN chấp thuận mua điện, lập thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường, xin các bên liên quan đặt vị trí đấu nối, lập hồ sơ xin vay vốn ngân hàng v.v… sau đó thông qua Sở Công Thương trình UBND tỉnh thỏa thuận phê duyệt thiết kế cơ sở.
Các bước này nhằm thông qua chủ trương để chủ đầu tư có cơ sở pháp lý và quan trọng nhất là để ngân hàng cho vay vốn.
Bước tiếp theo, Chủ đầu tư ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để tiến hành khảo sát chi tiết, lập thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công. Đây là những phần việc hết sức quan trọng quyết định đến sự an toàn của công trình và hiệu quả kinh tế của dự án, thì lại do Chủ đầu tư tự quyết định, không phải trình bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào nữa.
Đến giai đoạn thi công, Chủ đầu tư tiếp tục được toàn quyền quyết định mọi vấn đề thuê đơn vị nào giám sát thi công, thêm bớt hạng mục nào mà không có một cơ quan nào có chức năng giám sát.
Chính việc phó mặc toàn bộ quyền hạn và trách nhiệm cho chủ đầu tư trong các khâu thiết kế, thi công, bỏ trống hẳn phần việc giám sát của các cơ quan chức năng đã dẫn đến các sự cố đau lòng, không đáng có tại nhiều công trình thủy điện nhỏ.
Nhà nước cần tăng cường giám sát
Phân tích nguyên nhân một số sự cố thủy điện nhỏ đã xẩy ra:
Đập thủy điện EaSoup 3 vỡ toang bể áp lực khi mới vận hành chạy thử. Chính ông Lê Ngọc Quý chỉ huy trưởng thi công công trình đã nói “Theo đúng thiết kế thì bể áp lực phải có bờ dày hơn phía trong, dưới chân có dạng hình thang, phía ngoài đắp thêm đất nhưng để rút ngắn tiến độ chúng tôi đã đổ tường bê tông thẳng đứng và độ dày bể mỏng như vậy!”.
Mỏng, ở đây là một bức tường cao tới 7m mà chỉ dày 20cm thì dù thi công tốt đến mấy cũng sẽ đổ. Hiện dọc tuyến kênh 2,1km nước vẫn rò rỉ rất nhiều đoạn, nếu không có biện pháp khắc phục có thể lại xẩy ra một Đạm Bol thứ hai về sạt lở kênh.
- Ngày 14/6/2012 đường ống dẫn nước thủy điện Đạm Bol Lâm Đồng chưa hoạt động được bao lâu đã bị vỡ, sập kênh khiến 2 người chết, 3 người bị thương, thiệt hại nhiều tỉ đồng . - Ngày 26/11/2012 đập thủy điện Đắk Mek 3 tỉnh Kon Tum đang thi công chưa giữ nước đã bị đổ sập. - Ngày 26/3/2013 bể áp lực thủy điện EaSuóp 3 mới đưa vào vận hành đã vỡ toang. - Ngày 12/6, Thủy điện Ia Krel 2 tỉnh Gia Lai đang tích nước chưa đầy hồ đã bị |
Đập thủy điện Đắk Mek 3 thi công chưa xong đã bị xe đá ủi đổ. Theo thiết kế phần lõi đập cấu tạo bằng bê tông thường mác 150 bên ngoài bọc bê tông cốt thép mác cao. Chủ đầu tư muốn tiết kiệm nên thay bê tông lõi đập bằng đất đá hỗn hợp, sai với thiết kế.
Về kỹ thuật, phần lõi chỉ đóng vai trò tăng trọng lượng đập nhưng phần bê tông cốt thép bọc bên ngoài tường hai bên phải vững chắc, kèm biện pháp thi công cho ổn định.
Với đường ống thủy điện Đạm Bol ở Lâm Đồng, khi thi công, Chủ đầu tư muốn tiết kiệm chi phí đã thay thế đoạn ống dẫn nước dài 3km bằng bê tông chảy không áp theo thiết kế bằng ống nhựa cuộn tại chỗ các mối nối dán keo theo công nghệ Trung Quốc. Ở Việt Nam rất ít công trình sử dụng công nghệ này.
Do không hiểu chuyên môn, chủ đầu tư đã cho nối liền ống nhựa với ống áp lực thẳng vào turbine. Khi vận hành, ống nhựa 3km sẽ trở thành ống áp lực, khi máy chạy sẽ sinh ra áp lực nước va rất lớn. Kết quả là ống vỡ cuốn trôi ruộng vườn, nhà cửa, nhân mạng.
Ở Gia Lai mới đây, công trình thủy điện Ia Krel vỡ đập khi mới tích nước được 70% so với cao trình thiết kế.
Với một công trình mà đập đất cao 25m trở lên, đã là loại công trình phải đặc biệt lưu ý về kỹ thuật thiết kế cũng như thi công. Công trình này cao đến 27m dài 255m, lại nằm trên nền đá gốc, nhưng lại không hề thi công làm tường bê tông chống thấm cắm sâu vào nền đá và nhô cao từ 1/3 đến 1/4 chiều cao đập để ngăn nước thấm dọc theo nền tiếp xúc đá và đất đắp, là lỗi sai nghiêm trọng về kỹ thuật.
Mặt khác, cống lấy nước nằm trong thân đập sẽ chịu tải trọng đất rất lớn, nên tường cống phải dày trên 30cm nếu là cống tròn, dày trên 50cm nếu là cống vuông, đặt trên nền đá vững chắc, dọc thân cống cứ cách 10m phải có đai chống thấm. Còn cống Ia Krel thi công mỏng dính, không có đai chống thấm, không cố kết vững chắc với nền, mới đặt đã vỡ là tất yếu!
Những tai nạn trên hoàn toàn do lỗi chủ quan. Nên có thêm quy định về trách nhiệm tham gia thẩm định, giám sát thiết kế kỹ thuật và thi công của cơ quan chuyên ngành trực thuộc Nhà nước, có đủ thẩm quyền buộc các chủ đầu tư thủy điện nhỏ tuân thủ nghiêm ngặt các thông tư, nghị định về xây dựng cơ bản, sẽ hạn chế đáng kể các sự cố không đáng xảy ra!