> Lò than quán cơm: Thủ phạm vụ cháy cây xăng kinh hoàng?
> Hé lộ nguyên nhân vụ cháy nổ kinh hoàng ở Hà Nội
Cây xăng vi phạm PCCC
Theo quy định về PCCC đối với cây xăng, khoảng cách giữa cây xăng với công trình dân dụng là không dưới 10m, khoảng cách giữa cây xăng với công trình công cộng không dưới 50m. Ngoài ra, nếu tiếp giáp với các công trình xây dựng khác, cây xăng buộc phải có tường bao chống cháy (cao trên 2,2m).
Cũng theo quy định này, việc tiếp xăng không được thực hiện trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 21 giờ đêm và khi tiếp xăng, cây xăng phải tạm ngừng hoạt động. Nếu đối chiếu với vụ cháy cây xăng tại đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) ngày 3/6, cây xăng này hoàn toàn không đáp ứng các điều kiện theo quy định. Cơ quan công an xác định, chiếc xe bồn đã tiếp xăng vào lúc 13 giờ chiều. Tại thời điểm tiếp xăng, cây xăng này vẫn mở cửa bán hàng.
“Trong quá trình xe téc vào đổ xăng xuống bể chứa, van nối bị hở, xăng rò rỉ ra ngoài mà nhân viên cây xăng không biết. Xăng chảy vào viên xỉ than của quán cơm cạnh đó để dưới lòng đường, rồi bùng cháy…”. Đó là khẳng định của anh Ngụy Đình Mạnh (SN 1973, quê Bắc Giang), nhân viên quán phở cạnh cây xăng Quân đội. Theo anh Mạnh, nhiều người chứng kiến ngọn lửa bùng lên, cháy ngược lại xe téc, nhưng không ai đủ bình tĩnh để xử lý mà bỏ chạy toán loạn. “Tôi chỉ kịp vứt lại cái quần dài rồi chạy, nếu không nhanh lửa cũng biến tôi thành than”, anh Mạnh kể. |
“Với vụ cháy cây xăng có trữ lượng hàng trăm mét khối như ngày 3/6, có thể gây nên những hậu quả thảm khốc nếu như không được kịp thời khống chế”, Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàng Mai, nhận định.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết, đơn vị đã làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng về quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu thành phố tầm nhìn 2020-2030. Theo quy hoạch, những cửa hàng xăng dầu đạt tiêu chuẩn phải nằm xa khu dân cư, có đầy đủ điều kiện an toàn cháy nổ.
Đại tá Sơn thừa nhận, thực tế phát triển đô thị quá nhanh khiến những cửa hàng kinh doanh xăng dầu trước đây vốn đứng độc lập đã tiến sát khu vực dân cư, gây ra tình trạng một số cửa hàng xăng dầu công cộng nằm quá sát khu vực nhiều người dân sinh sống, khu vực buôn bán sầm uất.
Theo thống kê, năm 2012, Sở PCCC xử lý 2.789 trường hợp vi phạm kinh doanh xăng dầu, phạt với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó 129 trường hợp liên quan kinh doanh vận chuyển. Trong 6 tháng đầu năm 2013, đơn vị xử phạt 1.356 trường hợp, với số tiền phạt hơn 1,2 tỷ đồng.
Theo quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Hà Nội đặt mục tiêu xóa bỏ, giải tỏa 10 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; di dời 45 cửa hàng; 52 cửa hàng phải nâng cấp, cải tạo. Hà Nội cũng lên kế hoạch xây mới 193 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
Hà Nội đặt mục tiêu cụ thể đến tháng 10/2014 sẽ giải tỏa và nâng cấp số cửa hàng trên.
Phương tiện Quá lạc hậu
Chiều 4/6, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, trao đổi với báo chí xung quanh vụ cháy tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo.
Nói về quá trình chữa cháy, lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC cho biết: “Dùng nước là một chiến thuật để khống chế và khoanh vùng. Sau đó mới dùng các loại bọt để chữa cháy. Thời điểm đầu vụ cháy, tất cả các loại bọt chúng tôi đem ra sử dụng nhưng cũng không dập được lửa. Hàng nghìn lít xăng cứ thế tuôn ra, nếu phát nổ cả bể chứa thì không khác gì quả bom. Trong khi đó, xung quanh hiện trường, ngoài lực lượng chữa cháy còn có rất đông nhà dân, bệnh nhân trong bệnh viện 108 và hàng trăm người hiếu kỳ kéo đến xem. Chúng tôi đã quyết định phải làm mát khu vực bị cháy trước khi dập tắt hoàn toàn. Khi lửa được dập tắt, các chiến sỹ của chúng tôi phải dùng xô hứng xăng từ téc xăng đổ sang thùng phuy chở đi nơi khác. Nhưng chỉ được 10 phút, do nóng quá lửa lại tiếp tục bùng lên lần thứ 2. Chúng tôi lại lao vào một cuộc chiến đấu mới. Và lần này, phải huy động xe tải chở cát đến để tạo thành bờ ngăn không cho xăng lan qua. Máy ủi cũng được huy động để thu dần khu vực xăng chảy, tránh lan rộng. Sau khi lửa tắt hoàn toàn, chúng tôi yêu cầu chủ cây xăng đưa xe đến hút hết xăng từ téc chở đi. Như vậy mới giữ được an toàn cho bồn chứa ở bên dưới đang chứa đầy xăng”.
Trước câu hỏi của báo chí về thời gian chữa cháy quá lâu khiến nhiều người cảm thấy lực lượng PCCC ở Hà Nội bất lực với ngọn lửa, Thiếu tướng Nghi lý giải: “Với chiếc xe chứa 22.000 lít xăng bốc cháy thì mọi chuyện không hề đơn giản. Chúng tôi chữa cháy làm sao không để nổ bình và đảm bảo an toàn cho khu vực xung quanh”.
Sẽ mua trực thăng
Theo ông Nghi, trang thiết bị của lực lượng PCCC ở Hà Nội thực sự chưa đáp ứng được nhu cầu. “Trong số các đồng chí bị thương có người không mặc quần áo bảo hộ. Nguyên nhân là do việc trang bị cho lực lượng PCCC còn thiếu. Vừa rồi, tôi có đi tham quan lực lượng PCCC ở một số nước và thấy chúng ta còn quá lạc hậu. Không biết bao giờ mình đáp ứng được nhu cầu như họ. Nhật Bản quy định một xe chữa cháy chỉ hoạt động tối đa 10 năm, vừa rồi mình xin lại họ, máy móc hoạt động vẫn rất tốt”, ông Nghi nói.
Theo lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC, về quần áo bảo hộ chuyên dụng trang bị cho chiến sĩ ở Hà Nội chỉ vỏn vẹn 50 bộ (giá mỗi bộ 300 triệu đồng).
Đề cập nguyên nhân vụ cháy, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, các đơn vị đang khẩn trương tìm hiểu, làm rõ. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do sự bất cẩn, tắc trách của cửa hàng bán xăng dầu khi bơm xăng, gây rò rỉ, và bị bắt lửa tại một bếp than của một quán cơm bên cạnh.
“Tới đây, Sở PCCC sẽ thành lập cơ quan điều tra PCCC độc lập, còn bây giờ vẫn phải phối hợp với các đơn vị khác để tìm hiểu nguyên nhân gây cháy. Sáng 4/6, tôi trực tiếp hỏi cậu làm thuê cho quán cơm cạnh cây xăng (đang bị bỏng nằm trong bệnh viện Xanh Pôn), cậu ấy trình bày khi đang dọn dẹp thì nhìn thấy ngọn lửa cháy lớn gần lò than. Vài giây sau ngẩng đầu lên đã thấy xe bồn chứa xăng cháy đùng đùng”, ông Nghi nói.
Thiếu tướng Nghi cho biết, chắc chắn Cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ có lộ trình để mua trực thăng. Tuy nhiên, theo ông Nghi, máy bay có nhiệm vụ chủ yếu là để cứu hộ, cứu nạn ở trên nóc các tòa nhà khi xảy ra cháy. “Hà Nội sẽ mua trực thăng, nhưng không phải bây giờ. Việc dùng trực thăng chủ yếu để cứu hộ cứu nạn là chính, còn dùng trực thăng để chữa cháy thì không nước nào áp dụng”, ông Nghi nói.
Nạn nhân vụ cháy qua cơn nguy hiểm Đến chiều qua, sức khỏe của 2 nạn nhân là người dân sống cạnh cây xăng trong vụ cháy trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đã tiến triển tốt, hết sốc, không ảnh hưởng tính mạng.
Bác sĩ Vũ Trọng Tiến, Phó trưởng khoa Bỏng người lớn (Viện Bỏng Quốc gia), cho biết, cần 1 tháng điều trị, hai bệnh nhân mới có thể hồi phục hoàn toàn. Khoa Bỏng người lớn cũng đang điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Hữu Vân (46 tuổi), chủ cửa hàng xăng bị cháy. Bệnh nhân Vân bỏng 5% diện tích cơ thể, mức độ nhẹ. Chị Nguyễn Thị P. (36 tuổi) nằm trên giường bệnh, bị quấn băng trắng hai chân từ đùi xuống tới bàn chân, hai cánh tay cũng quấn kín, khuôn mặt sạm đen, môi khô khốc vì hơi nóng từ vụ cháy kinh hoàng. Chị P. cho biết, lúc đó đang ngồi vo gạo trước cửa hàng cơm, nơi chị làm thuê thì thấy bỏng rát từ thắt lưng xuống, chiếc quần dài bị lửa thiêu nham nhở toàn bộ lông mi, lông mày bị hơi nóng của lửa thiêu rụi, tóc cũng oi mùi khét và cháy nham nhở. Còn nguyên nỗi kinh hoàng trên mặt, anh Phạm Văn T. (39 tuổi), cùng làm thuê tại cửa hàng với chị P., kể: “Lúc đó, tôi đang đứng mời khách vào ăn cơm cửa hàng thì thấy một chị cùng làm kêu lên “sao xăng tràn hết ra ngoài bể thế kia”. |