> Nên có Hội đồng định giá đất độc lập
> Góc khuất thẩm định
Nhấn mạnh việc đất nước đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, đề cao tính thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền năng tối thượng của Hiến pháp là nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị.
“Bổ sung chế định bảo hiến độc lập với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn (phương án 2 dự thảo) là sự đổi mới cần thiết, phù hợp với thể chế chính trị của nước ta”, ĐB Hùng phát biểu.
Theo ĐB Hùng, nhiệm vụ duy nhất của tổ chức này là bảo vệ Hiến pháp. Vì vậy, nên đặt tên là Hội đồng bảo hiến hay Hội đồng bảo vệ Hiến pháp. Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ hằng năm Hội đồng bảo hiến báo cáo trước Quốc hội kết quả hoạt động của hội đồng; trình Quốc hội có phán quyết cuối cùng về những vấn đề có ý kiến khác nhau giữa Hội đồng bảo hiến và cơ quan chức năng.
“Về tổ chức, đề nghị quy định Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng bảo hiến, các thành phần khác không nhất thiết phải là ĐBQH, do Chủ tịch nước giới thiệu và Quốc hội phê chuẩn. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng bảo hiến, Chủ tịch nước sẽ kiến nghị với Quốc hội xem xét lại những điều luật được xem là vi hiến trước khi ký công bố luật do Quốc hội thông qua. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu các cơ quan khác sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản vi phạm Hiến pháp”, ĐB Hùng đề xuất.
Về quyền con người
Nhiều ý kiến khẳng định, lịch sử lập hiến Việt Nam qua 4 bản Hiến pháp đã chứng minh quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc tôn trọng, phấn đấu bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền của công dân.
Theo ĐB Đặng Công Lý (Bình Định), có những quyền con người là tuyệt đối, bất luận trong trường hợp nào cũng không bị hạn chế, tước bỏ. Ví dụ quyền không bị tra tấn, nhục hình, quyền được xét xử công bằng, quyền được bình đẳng trước pháp luật. Khi một số quyền bị hạn chế trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định như quyền tự do đi lại, quyền hội họp, biểu tình, đình công, chỉ có thể thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mà không thể theo bất cứ quy định, mệnh lệnh nào khác.
ĐB Lý cho rằng, Khoản 2 Điều 15 quy định “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” là chưa chặt chẽ, vì cốt lõi của việc hạn chế quyền con người phải bằng đạo luật. “Đề nghị bổ sung “quyền con người, quyền công dân có thể bị giới hạn bằng luật trong trường hợp cần thiết...”, ĐB Lý nói.
Trưng mua quyền sử dụng đất
Liên quan thu hồi đất (điều 58 dự thảo), ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị xem lại việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Thực chất thu hồi đất là chuyển quyền sử dụng đất là tài sản của chủ thể này sang chủ thể khác.
“Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ, khẳng định tại Khoản 2 điều này. Vì vậy, chỉ có thể sử dụng các hình thức trưng mua, chuyển đổi. Mặt khác, quy định này dễ bị lạm dụng gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội vừa qua”, ĐB Thành nhận định.
Để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội liên quan việc thu hồi đất, cần quy định các hình thức khác nhau, phù hợp tình hình thực tế người được giao quyền sử dụng đất. Đó là loại đất thổ cư gắn với nhà ở, loại đất giao có thời hạn, loại đất thuê có thời hạn để sử dụng hình thức như đấu giá, trưng mua phù hợp. “Việc chúng ta cho rằng đất đai là sở hữu toàn dân thì không có việc trưng mua, thu mua, nhưng ở đây là trưng mua quyền sử dụng đất”, ông Thành nói.
Thành viên Chính phủ phải báo cáo Quốc hội
Dự thảo quy định bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm (Khoản 2, Điều 104). ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, quy định này không đúng về lý luận, không khả thi. Bộ trưởng do Quốc hội phê chuẩn, phải báo cáo công tác trước Quốc hội, người đại diện cho dân. Tương ứng với nghĩa vụ báo cáo của bộ trưởng là quyền xét báo cáo của Quốc hội, hệ quả có thể đưa đến việc Quốc hội giám sát, chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm. Như vậy mới có căn cứ và cơ chế để thực hiện để mang lại hiệu quả thiết thực.
Nếu bộ trưởng báo cáo trước nhân dân thì đối tượng, trình tự thủ tục và hệ quả pháp lý đối với cả người báo cáo và người xét đều không rõ về căn cứ, không khả thi. “Đề nghị quy định “hằng năm, các thành viên Chính phủ gửi báo cáo công tác lên Quốc hội” và quy định này để phục vụ cho việc giám sát, lấy phiếu tín nhiệm. Thực tế các báo cáo này đã được các bộ trưởng gửi đến Quốc hội từ đầu kỳ họp này”, ĐB Nga nói.
Vai trò doanh nhân
Đồng tình quan điểm “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nói rằng, nếu cần khẳng định nền tảng là khối liên minh một số giai tầng xã hội, nên bổ sung đội ngũ doanh nhân. Phải coi đây là bước phát triển mới của liên minh nền tảng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn thực hiện CNH- HĐH. Đưa doanh nhân vào liên minh nền tảng cũng là trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Đồng thời, cần khẳng định mọi thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Đề xuất sửa lời Quốc ca Về Điều 13 (Quốc ca), ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) phát biểu: Quốc ca có giai điệu hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người. Tuy nhiên, nên thay lời mới cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ví dụ như chúng ta sẽ sửa nội dung lời “Đường vinh quang xây xác quân thù” bằng nội dung khác. Vì vậy, khoản 3 đề nghị sửa lại là: “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựa trên nền nhạc bài Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao”. |