Đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo về biển Đông
> Tàu cá Việt 'liên thủ' giữ chủ quyền
> Báo Trung Quốc 'bắt mạch' 6 dấu hiệu chiến tranh
Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ ngày 22.5 về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách vừa qua vừa được gửi đến các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với nhiều thông tin, kiến nghị đáng chú ý của các vị ĐB, trong đó có vấn đề biển Đông.
Chào cờ ở Trường Sa - Ảnh: Tấn Tú. |
Chưa chú trọng đầu tư kinh tế biển
Trong nội dung đánh giá về tình hình kinh tế được nêu trong báo cáo, với nội dung chi đầu tư phát triển, báo cáo dẫn ý kiến của nhiều ĐBQH cho rằng tình hình đầu tư công còn dàn trải, việc cắt, giãn, hoãn đầu tư các công trình còn bất cập, nhất là các dự án đầu tư xây dựng bệnh viện, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân.
Trong khi đó, kinh tế biển có tiềm năng rất lớn nhưng đầu tư cho lĩnh vực này chưa được chú trọng. Các ý kiến này đề nghị Chính phủ đánh giá chính xác tiềm năng và chính sách đầu tư hợp lý để khai thác, phát triển kinh tế biển; công khai hiệu quả đầu tư của Nhà nước vào các công trình, đưa ra giải pháp, lộ trình khắc phục những hạn chế, yếu kém; đồng thời, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình dở dang quan trọng, cấp thiết trong phát triển kinh tế biển.
Cần có giải pháp quyết liệt trong vấn đề biển Đông
Liên quan đến biển Đông, tổng hợp ý kiến về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, báo cáo cho hay ĐBQH đánh giá nhìn chung công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm, giữ vững chủ quyền quốc gia, tạo được sự bình yên cho đất nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nước ta chưa có chiến lược phát triển quốc phòng, an ninh, nhất là trên biển.
Hiện nay, các thế lực thù địch không ngừng chống phá nước ta thông qua nhiều hình thức: phản động nước ngoài cấu kết với phản động trong nước kích động, lôi kéo nhân dân ở các vùng trọng điểm, chống lại Nhà nước; ở vùng sâu, vùng xa, việc truyền đạo trái phép diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, tình hình biển Đông đang diễn ra rất phức tạp, chưa có biện pháp cụ thể để kiểm soát mọi vấn đề về biển Đông. Nên tăng cường công tác ngoại giao để từng bước củng cố an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc.
“Xử lý tốt vấn đề biển Đông mới là mục tiêu lâu dài để ổn định phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội. Trong khi đó, Báo cáo lại chưa thể hiện rõ về vấn đề biển Đông, chưa đánh giá đúng bản chất của công tác đối ngoại và quốc phòng, an ninh. Đề nghị Chính phủ có báo cáo mới nhất về tình hình biển Đông để đại biểu nắm bắt, báo cáo cử tri”, ĐBQH đề nghị, đồng thời nhấn mạnh: Cần có đường lối ngoại giao đúng đắn, sáng tạo, để tránh những động cơ xấu của thế lực thù địch, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia; cần tăng cường mối quan hệ với các nước láng giềng...
Ở cuối báo cáo, bản tổng hợp các ý kiến cũng nêu rõ “có ý kiến đề nghị cần có giải pháp quyết liệt trong vấn đề biển Đông, bảo vệ biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ; chú trọng phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân bám biển, tăng cường an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cần xem xét thành lập công ty để cùng với ngư dân vươn xa bảo vệ biển, làm chỗ dựa cho ngư dân”.
Bên cạnh đó, cần mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nền quốc phòng vững mạnh, nhất là công nghiệp quốc phòng; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng. Tăng cường cơ sở vật chất cho quốc phòng-an ninh, nâng cao tiềm lực quân sự của đất nước bằng cách kết hợp quốc phòng với kinh tế, gắn với dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cũng theo báo cáo, “có ý kiến đề xuất cần đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có giải pháp quyết đoán hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc, phân biệt hành vi xâm phạm và xâm lược để xử lý phù hợp; thực hiện phòng thủ tốt theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị. Đồng thời, cần tuyên truyền sâu rộng để nhân dân nắm bắt được quan điểm của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng, an ninh”.
Theo Thanh Niên