> Trực tiếp đánh vào người dân
> QL1 sẽ 'chi chít' trạm thu phí
Nộp phí … mỏi tay
Ngày 1/6 tới, TPHCM đóng cửa Trạm thu phí đường Kinh Dương Vương (thu hoàn vốn công trình nâng cấp mở rộng đường Điện Biên Phủ và An Dương Vương nối dài). Trạm xa lộ Hà Nội chuyển sang thu phí cầu Rạch Chiếc mới. Tuy nhiên, tại các cửa ngõ nối TPHCM và các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam Bộ, trạm thu phí vẫn còn dày đặc.
Sáng 28/5, quá giang một xe tải thuộc Công ty TNHH Vận tải Công Thành từ quận 9 ghé cảng Cát Lái (quận 2) nhận hàng đưa về TP Tân An (Long An), với quãng đường 18 km, xe chúng tôi phải qua ba trạm thu phí đặt tại xa lộ Hà Nội (quận 9), cầu Phú Mỹ (quận 2) và đường Nguyễn Văn Linh (quận 7).
Anh Hải, tài xế lắc đầu: Bộ Tài chính quy định khoảng cách giữa hai trạm thu phí ở trên cùng một tuyến đường tối thiểu là 70 km nhưng trạm Xa lộ Hà Nội chỉ cách cầu Phú Mỹ 7 km. Còn cầu Phú Mỹ cách trạm thu phí Nguyễn Văn Linh 9 km. Đi theo hướng Quốc lộ 1 thì phải nộp phí tại trạm An Sương – An Lạc và tại trạm xa lộ Hà Nội (hai lượt đi – về)..
Lên một chiếc xe khác cũng thuộc Công ty Công Thành chở hàng từ TPHCM về Bình Dương, chúng tôi đi qua hai trạm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT đại lộ Bình Dương – quốc lộ 13 cách nhau 20km là trạm Vĩnh Phú (thị xã Thuận An) và trạm Suối Giữa (thị xã Thủ Dầu Một).
Dày đặc trạm thu phí TPHCM có 9 trạm thu phí BOT bố trí tại các cửa ngõ, gồm: Tân Kỳ Tân Quý, Nguyễn Thị Tú, Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội, Bình Triệu 1, Bình Triệu 2, đường hầm vượt sông Sài Gòn, An Sương - An Lạc. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 13 trạm thu phí BOT, gồm Lái Thiêu, Vĩnh Phú, An Phú, Bình Thung, Bình Thắng … |
Ông Minh, lái xe cho DNTN vận tải Hiệp Phú (quận 9) nói: Đi “lạc” vào đường ĐT743 ở Bình Dương thì nộp phí mỏi tay, vì có đến 4 trạm, như Lái Thiêu, An Phú (Thuận An), Bình Thung... Cách trạm Bình Thung khoảng 3 km còn có trạm thu phí Bình Thắng. Nộp nhiều quá, các lái xe tìm cách “né” trạm.
Ông Minh chỉ chúng tôi cách né trạm thu phí An Phú và Lái Thiêu bằng cách cho xe luồn lách vào các tuyến đường nội bộ của khu công nghiệp VSIP I và các tuyến đường nhỏ của hai khu công nghiệp Sóng Thần, Đồng An.
Luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải (HHVT) cho biết, thu phí BOT đang trở thành gánh nặng của các DN vận tải. Chỉ hai công trình đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và cầu Cần Thơ, một chuyến xe container phải trả 1.350.000 đồng, chiếm 19% tổng giá cước vận tải.
Chiều 28/5, tại quận 9 (TPHCM), ô tô, xe tải nườm nượp né trạm thu phí xa lộ Hà Nội bằng cách rẽ vào đường Nam Hòa – Tây Hòa – xa lộ Hà Nội (đối với chiều từ quận 1 về quận Thủ Đức) và đường Đỗ Xuân Hợp – Nguyễn Duy Trinh – Nguyễn Thị Định – xa lộ Hà Nội (chiều ngược lại). Né trạm thu phí có cả xe container song nhiều nhất là taxi, ô tô con…khiến các tuyến đường trên nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.
Tránh “phí chồng phí”
“Theo đề án nâng cấp QL 1 từ năm 2016 đến 2020, Bộ GTVT cho phép các nhà đầu tư lập thêm khoảng 21 trạm thu phí và nâng mức thu lên từ 2,5 đến 3,5 lần so với hiện nay. Phí giao thông người dân phải đóng cao gấp nhiều lần hiện nay, tạo ra gánh nặng cho người dân, đẩy giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa VN trong khu vực” – ông Chung nói.
Làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đại diện HHVT khẳng định phí giao thông nộp tại các trạm thu phí được trích một phần để bảo trì cầu, đường. Nếu chủ phương tiện đã nộp phí sử dụng đường bộ mà vẫn thu phí giao thông tại các trạm là “phí chồng phí”.
“Phí sử dụng đường bộ” phải sòng phẳng và tuân thủ Pháp lệnh phí và lệ phí của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành năm 2002. DN đóng phí phải được hưởng dịch vụ tốt”– ông Thái Văn Chung khẳng định.
Một số chuyên gia cho rằng, nhà nước nên ngưng một số trạm thu phí như trạm cầu Phú Mỹ và trạm Nguyễn Văn Linh, bởi lưu lượng xe qua cầu không nhiều, thu phí không hiệu quả. Riêng trạm Nguyễn Văn Linh thu phí nhằm phục vụ duy tu, bảo dưỡng tuyến đường trong khi hiện nay đã có Quỹ bảo trì đường bộ.