Mất điện toàn miền Nam: Trách nhiệm EVN đến đâu?

Mất điện toàn miền Nam: Trách nhiệm EVN đến đâu?
TP - Sự cố ngày 22/5 tại Bình Dương khiến toàn miền Nam mất điện dấy lên mối lo ngại về tính an toàn của toàn bộ hệ thống điện hiện nay. Đại diện EVN cho rằng, để ngăn ngừa sự cố tái diễn, cần có sự chung tay bảo vệ của cộng đồng.

> Mất điện toàn miền Nam không phải 'bất khả kháng'!
>Mất điện toàn miền Nam, EVN mong cảm thông, chia sẻ!

Tăng cường bảo vệ lưới điện

Chiều 24/5, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo EVN cho biết, đường dây 500kV do Tổng Cty Truyền tải Điện Quốc gia quản lý (EVN-NPT). Từ Bắc vào Nam, đường dây 500kV đi qua địa bàn nào, đơn vị truyền tải điện ở khu vực đó có trách nhiệm quản lý. Hiện, có 4 công ty truyền tải điện trực thuộc EVN-NPT.

Sự cố xảy ra chiều ngày 22/5 tại Bình Dương thuộc địa bàn quản lý của Cty Truyền tải điện 4.

“Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Bộ Công Thương đã rốt ráo chỉ đạo EVN phải sớm khắc phục hệ thống. Đồng thời EVN phải họp với các bên liên quan để tìm giải pháp xem cần củng cố gì, bổ sung gì..., năng lực quản lý cũng như trách nhiệm các bên liên quan. Đặc biệt là xem xét lại trách nhiệm của các chính quyền địa phương theo pháp luật quy định nơi có đường dây 500kV đi qua”, vị lãnh đạo nói.

Cùng ngày, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc EVN-NPT cho biết, việc bảo vệ đường dây 500kV ngoài trách nhiệm của các công ty truyền tải điện (vì phải quản lý tài sản được giao); Theo quy định tại Nghị định 106 của Chính phủ, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Theo ông Minh, để tránh sự cố tương tự xảy ra, điều quan trọng là phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn hành lang lưới điện. Ngành điện cần phải tăng cường phối hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng, phát tờ rơi... để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân.

“Ngay sau khi sự cố xảy ra, chúng tôi khẳng định thời gian tới sẽ phải tăng cường công tác kiểm tra. Hiện, theo quy định, mỗi tháng kiểm tra một lần; nhưng tới đây, sẽ phân vùng (nơi hay xảy ra vi phạm hành lang an toàn điện) để tăng cường bảo vệ an toàn cho lưới điện”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, dù trên thực tế chưa xảy ra bao giờ, nhưng với những vùng trọng yếu (như đồi, núi, vùng hoang vu...), ngành điện sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Công an để ngăn chặn những hành vi xấu có thể xảy ra, nhằm mục đích phá hoại an ninh năng lượng. “Hiện, quy chế hoạt động đã có và việc phối hợp giữa ngành điện với Bộ Công an rất tốt”, ông Minh cho hay.

Chưa có hệ thống cảnh báo, điều khiển diện rộng?

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, hành lang an toàn đường dây 500kV đã có quy định rất cụ thể, do đó, cá nhân, tổ chức nào vi phạm phải chịu trách nhiệm chính.

Sự kiện ngày 22/5 đúng là hy hữu. Tại sao chỉ vì một người dân làm cây chạm vào đường dây 500kV mà khiến cả một vùng rộng lớn mất điện

Một chuyên gia về hệ thống điện

Một giáo sư, nguyên là lãnh đạo một viện uy tín về điện cũng cho biết, khi sự cố rã lưới xảy ra, hệ thống điện bị mất ổn định, dẫn đến mất điện trên một vùng rộng lớn. Mức độ ảnh hưởng cụ thể phụ thuộc vào sơ đồ lưới điện, trạng thái vận hành của hệ thống điện khi xảy ra sự cố cũng như khả năng của các nhà máy điện.

Một chuyên gia khác bày tỏ lo ngại về hệ thống an toàn lưới điện quốc gia. “Sự kiện ngày 22/5 đúng là hy hữu. Tại sao chỉ vì một người dân làm cây chạm vào đường dây 500kV mà khiến cả một vùng rộng lớn mất điện”, vị chuyên gia thắc mắc. Theo ông, để phòng ngừa sự cố rã lưới điện như vừa rồi, một số quốc gia trên thế giới đã thiết lập hệ thống cảnh báo và điều khiển trên diện rộng, sử dụng một phương thức điều khiển chung...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.