Thả voi sứt về rừng

Thả voi sứt về rừng
TP - Sau hơn 2 tiếng quần thảo với con voi rừng rách vòi sứt móng vừa trải qua một tuần điều trị, tĩnh dưỡng, trưa 22/5, kiểm lâm viên Y Mắt gỡ xong các gút dây trói dưới chân, trên cổ để thả Cu Sứt về rừng, kết thúc tốt đẹp một cuộc giải cứu voi hoang hy hữu.

> Bắt được voi rừng sau 7 ngày truy tìm
> Giải cứu voi rừng dính bẫy

Gian nan đuổi bắt voi con dính bẫy

Chiều 7/5, một nhóm tân binh trong kỳ huấn luyện phát hiện một chú voi con bị thương lạc đàn tại tiểu khu 453 thuộc lâm phần quản lý của BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn (Đăk Lăk), bèn hỏi 108 số điện thoại của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Việt Nam để gọi báo tin.

Nhận lại tin báo, ông Trần Văn Thành, quyền Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn (VQG) và ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk (TTBTV), lập tức đưa quân vào hiện trường, tìm cách tiếp cận voi hoang.

Đó là một chú voi con chừng dăm năm tuổi, đôi ngà cân xứng mới nhú hơn hai tấc, vòi voi bị bẫy cặp kẹp cứng. Bàn chân trái của voi bị sợi dây cáp của một chiếc bẫy thòng lọng siết chặt, nhiễm trùng, bốc mùi hôi thối. Cán bộ VQG và TTBTV đưa thức ăn vào dỗ voi lại gần, nhưng voi hoang sợ sệt luôn tìm cách lẩn trốn.

Sau 1 tuần rượt đuổi, tìm kiếm dấu vết khắp vùng rừng rộng lớn, hàng chục cán bộ cùng một đôi voi chiến đã thuần dưỡng (voi cái Bun Khăm 46 tuổi, voi đực Y Đok 48 tuổi), dưới sự chỉ huy của 4 nài voi Y Mức lớn, Y Mức nhỏ (cán bộ VQG), cha con Gru (nài giỏi từng săn được nhiều voi rừng) Y Lanh - Y Nói mới quăng dây bắt được chú voi con tại một vùng rừng thưa cách biên giới Campuchia khoảng 5 km, trói lại dong về buộc dưới gốc cây căm xe sau trạm kiểm lâm số 9 để cứu chữa.

Kiểm lâm viên Y Mắt cắt dây trói trên gáy voi hoang
Kiểm lâm viên Y Mắt cắt dây trói trên gáy voi hoang.

Lúc voi con bị bắt chiều 14/5, chiếc bẫy cặp và sợi cáp thòng lọng đã văng mất, chỉ còn lại chiếc vòi bị siết đứt một bên và chân phải sứt mất một móng. Vết thương sưng đau, nhưng con voi hoang vẫn ngang tàng, không khuất phục, nên voi Bun Khăm được phân công làm bảo mẫu rèn dạy.

Một tuần chăm Cu Sứt

Cuộc hội chẩn đặc biệt diễn ra giữa 2 bác sĩ thú y của TTBTV Đăk Lăk và 2 bác sĩ thú y tăng cường từ Thảo Cầm Viên TPHCM để thống nhất phác đồ kháng sinh điều trị cho Cu Sứt.

Mỗi ngày, 2 bác sĩ Nguyễn Công Chung và Phạm Văn Thịnh thay nhau cưỡi Bun Khăm để tiêm 2 nhát Cephacilin cho Cu Sứt, nấu nước vỏ cây có công dụng sát trùng theo kinh nghiệm đồng bào để tưới vào chỗ sứt móng, đứt vòi. Ban đêm, bác sĩ và kiểm lâm viên phải kê sạp giăng màn ngủ gần nơi Cu Sứt bị cột để theo dõi.

Khẩu phần ăn của Cu Sứt khá sang, mỗi ngày được 30 cây mía, dăm cây chuối, hàng tạ cỏ ngon các loại.

Sau một tuần an dưỡng, Cu Sứt khỏe hẳn lên, chân bước linh hoạt, vòi vung tứ phía. Cùng lúc, có tin báo một đàn voi rừng xuất hiện cách trạm 9 không xa. Khả năng đàn voi rừng phá bĩnh cuộc điều trị nhằm cứu voi con khiến các bên liên quan phải quyết định: Tốt nhất là chủ động thả Cu Sứt về rừng. Điều kiện thích hợp của môi trường tự nhiên có thể giúp Cu Sứt lành hẳn các vết thương.

Đúng 9h sáng qua, cha con Y Mức - Y Tý bắt đầu cưỡi Bun Khăm, dùng voi nhà ép sát Cu Sứt vào gốc cây cho kiểm lâm viên Y Mắt Kđóh cầm dao cắt các mối nối vòng xích cột chân, cột cổ voi rừng.

Thấy Y Mắt lăm lăm con dao sáng loáng, Cu Sứt hoảng sợ liên tục vùng vẫy chống đối. Bun Khăm luôn khéo léo chặn trước các động tác nguy hiểm của Cu Sứt, như quất vòi, đá chân, giúp Y Mắt luồn dưới bụng, bò qua đầu để gỡ, cắt lần lượt các mối dây cột chắc chắn.

11h đúng, vòng thừng cuối cùng tuột khỏi cổ Cu Sứt. Nhanh như chớp, các nài dong Bun Khăm đẩy Cu Sứt rẽ lối bước nhanh vào rừng.

Ông nói: “Hàng triệu đô la tài trợ cho VQG còn dễ kiếm hơn một cuộc giải cứu voi rừng thành công độc đáo như thế này!”. Ông Luân vui vẻ: “Thật tình cờ, hôm nay đúng vào ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học nên chuyện thả voi về rừng càng ý nghĩa !”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.