Quê nghèo kể chuyện trúng sưa

Quê nghèo kể chuyện trúng sưa
TP - Sau thông tin lâm tặc lại đốn hạ cây sưa có giá trị hàng chục tỷ đồng, chúng tôi tìm về làng được cho là có người “trúng sưa” này.

> Lâm tặc lại đốn hạ cây sưa trị giá 15 tỷ đồng
> Lâm tặc lại trúng sưa chục tỉ, dân ùn ùn kéo vào rừng

“Đồn gì mà đồn nữa, cha con anh Ng. trúng huê (sưa) chắc nụi rồi, nhưng nhà báo đừng viết mà tội họ” - Người lái đò ngang thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tâm sự khi PV Tiền Phong xuống đò để về Trằm Mé.

Giáp mặt hai cha con trúng sưa

Trước sự lảng tránh và thờ ơ của cơ quan chức năng, chúng tôi quyết định về thôn Trằm Mé, nơi sinh sống của hai cha con anh Ng., được cho là đã đốn hạ cây sưa cổ thụ ở vùng Đại Cáo, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Thôn Trằm Mé nằm phía bên kia con sông Son, đối diện với động Phong Nha. Muốn về Trằm Mé chỉ duy nhất một con đường là đi đò ngang ngay trước cửa động Phong Nha. Có lẽ trên đất Quảng Bình không có ngôi làng nào việc đi lại khó khăn như ở Trằm Mé. Ngay trong thôn cũng bị chia cắt bởi sông Son thành hai làng Trằm và Mé tách biệt.

 Tôi có hỏi vợ anh Ng. chị ấy nói là có trúng nhưng chỉ được mười mấy triệu. Chuyện ba cây huê năm ngoái rầm rộ quá nên giờ họ sợ, giấu không nói thật, chứ được mười mấy triệu ai gọi là trúng huê

Ông Tền nói

Trên chuyến đò ngang đưa chúng tôi về Trằm Mé có thêm mấy người dân địa phương.

Chúng tôi chủ động hỏi những người trên thuyền có biết về hai cha con trúng sưa trong làng. Một người đàn ông chừng 60 tuổi xưng là phó bí thư chi bộ thôn Trằm Mé lên tiếng: “Đây này, cả nhà họ đây này” - ông vừa nói vừa chỉ tay vào người đàn ông say rượu và cậu bé ở phía cuối thuyền. Ngay lập tức người đàn ông say rượu phản bác: “Huê sưa mô mà cứ nói tầm bậy, tầm bạ”.

Thực sự lúc đó tôi cứ nghĩ ông già kia nói đùa về thông tin hai cha con trên đò, lẽ nào lại có sự tình cờ may mắn đến vậy, nên cũng không để ý lắm đến những “thông điệp” mà người trên thuyền nói.

Mọi người vội vã phóng xe máy lên đò, chúng tôi nán lại hỏi đường về làng Mé mới té ngửa khi người lái đò nói, hai cha con lúc nãy đúng là người trúng sưa. Người lái đò cho biết thêm, ông này tên Ng., người làng Mé, đi biệt tăm khỏi làng mấy ngày nay, nghe đâu là đầu nậu ở Đồng Hới đã giữ ông ở lại làm tin, trước khi việc mua bán thành công.

“Lúc nãy có cả vợ anh Ng. là người giữ chiếc xe máy, đứng cạnh thằng cu đó. Hôm ni, chắc hai mẹ con xuống Đồng Hới nhận tiền và đón anh Ng. về. Sướng thiệt, một phút lên tiên” - người lái đò nói.

Gỗ sưa được đưa về đường sông

Từ làng Trằm, thêm một chuyến đò ngang mới về được làng Mé. Bí thư chi bộ thôn Trằm Mé Trần Xuân Tền mừng ra mặt đón khách. Ông nói, nhờ nhà báo viết về nỗi khổ của người dân nơi đây may ra nhận được sự quan tâm hơn. Thôn Trằm Mé có 241 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu và 100% thuộc diện nghèo và cận nghèo. Đất đai chật hẹp, địa hình chia cắt nên rừng Phong Nha - Kẻ Bàng là nguồn sống duy nhất của người dân nơi đây.

“Năm ngoái nhà nước đầu tư cho một cây cầu treo nghe nói là 6 tỷ nối hai làng Trằm và Mé. Họ về đúc một trụ cầu rồi bỏ đi mất tăm, nghe nói không có vốn. Hi vọng đổi đời của người dân nguội dần khi thấy chiếc trụ cầu gỉ sét ăn hết sắt” - ông Tền nói.

Một đầu nậu trong vùng cho biết: Gỗ được bán ngay trong rừng, sau đó đầu nậu thuê người gùi ra phía động Thiên Đường, men theo con khe cạn và bốc lên thuyền để đi qua con sông phía sau lưng trạm kiểm lâm Trộ Mơợng. Theo đầu nậu này, cây sưa bị đốn hạ do một người ở làng Hạ Vàng, xã Hưng Trạch đi cùng cha con anh Ng. tìm được. Đây là cây sưa đỏ (loại rất đắt) nhưng bị rỗng ruột, nếu không sẽ có giá cao hơn gấp nhiều lần.

Nói về vụ trúng sưa trong làng, ông Tền cho biết: “Tôi có hỏi vợ anh Ng. chị ấy nói là có trúng nhưng chỉ được mười mấy triệu. Chuyện ba cây huê năm ngoái rầm rộ quá nên giờ họ sợ, giấu không nói thật, chứ được mười mấy triệu ai gọi là trúng huê” - ông Tền nói.

Nhà anh Ng. nằm cuối làng Mé, xây bằng gạch chưa tô trát. Khi chúng tôi đến nhà rất đông người. Nhác thấy bóng khách lạ ngoài cửa, anh Ng. đứng lên dắt tay thằng cu con vào phía trong nhà. Mọi người tự động tản ra.

Cậu con trai cả của anh Ng. vội vã khép cửa nhà và tiếp chúng tôi ở sân. Anh nhanh nhẩu nói “Ba đi chăn dê rồi, đến tối mới về, còn cháu không biết chi cả đâu”.

…Đứng đợi đò để về làng Trằm, một phụ nữ xin được giấu tên cho biết: Gỗ của cây sưa mà cha con anh Ng. tìm thấy và đốn hạ được đưa về bằng đường sông vào ban đêm. Nhà sát bên sông nên chị tận thấy hàng chục người được thuê gùi gỗ vào làng cất giấu. Còn sau đó họ đưa đi đâu thì chị không được biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.