Cấp dưới chấm điểm giám đốc sở, chủ tịch quận

Cấp dưới chấm điểm giám đốc sở, chủ tịch quận
TP - Đà Nẵng sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước hướng tới chấm điểm lãnh đạo sở ngành, chủ tịch UBND các quận huyện, làm cơ sở khen thưởng, bổ nhiệm, đề bạt. Việc chấm điểm đang được chuẩn bị.

> Gắn 'sao' chấm điểm công chức
> Dân sẽ chấm điểm trực tuyến cán bộ, công chức

Việc đánh giá lãnh đạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Ảnh Nguyễn Huy
Việc đánh giá lãnh đạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Ảnh Nguyễn Huy.

Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết, sở đang hoàn thiện xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả làm việc đối với người đứng đầu các cơ quan hành chính (sở, ban ngành và quận, huyện) trình UBND thành phố xem xét phê duyệt.

Theo đó, giám đốc, phó giám đốc các sở ngành, chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận huyện sẽ tự đánh giá bản thân và trực tiếp được thuộc cấp chấm điểm qua bộ tiêu chí: triển khai nhiệm vụ, năng lực kỹ năng điều hành quản lý; tinh thần, trách nhiệm, thái độ làm việc và việc chấp hành đường lối chủ trương, chính sách của Đảng.

Ngoài ra, còn có các thang “điểm cộng” cho người đứng đầu có khen thưởng xuất sắc về công tác chuyên môn và “điểm trừ” không hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ trọng tâm hoặc xảy ra các vấn đề có tính chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người khác.

Mỗi thang điểm sẽ có các tiêu chí nhỏ cụ thể. Tổng số điểm cao nhất là 100, trên cơ sở đó chia 4 loại đánh giá: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: trên 90 điểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ (80-90 điểm), hoàn thành khá tốt (70-80 điểm), hoàn thành khá (60-70 điểm) và chưa hoàn thành nhiệm vụ (dưới 60 điểm).

 Thuộc cấp phải được đánh giá cấp trên, để tạo sự công bằng 

Ông Huỳnh Năm - nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Theo ông Ngữ, việc đánh giá sẽ được thực hiện mỗi năm 1 lần. Trước hết, cá nhân chủ tịch UBND quận huyện, giám đốc các sở, ban ngành tự đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Sau đó, phó chủ tịch UBND quận huyện, phó giám đốc sở và trưởng các phòng chuyên môn, chủ tịch UBND các phường xã do chủ tịch UBND quận huyện quản lý sẽ đánh giá. Cuối cùng chủ tịch, phó chủ tịch UBND thành phố sẽ có đánh giá về chủ tịch UBND quận huyện, giám đốc các sở ngành.

Đặc biệt, việc đánh giá hoàn toàn “bí mật” trên phần mềm bộ tiêu chí, đánh giá qua mạng, hệ thống máy tính do Sở Nội vụ quản lý. Tất cả “địa chỉ’ đánh giá được kết nối với cấp dưới và “mật hóa” hoàn toàn. Lãnh đạo sở ngành, quận huyện thấy kết quả mà không biết ai đánh giá mình.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, để đảm bảo tính công tâm, trường hợp có dấu hiệu bất thường, cơ quan chức năng thành phố sẽ đối chiếu tình hình thực tế địa phương để đảm bảo chính xác, khách quan.

Ông Ngữ nhấn mạnh, trước đây, Đà Nẵng chỉ đánh giá kết quả công việc đối với công chức nhưng chưa triển khai đánh giá đối với công chức là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đây là khâu khó của công tác cán bộ nhưng hết sức cần thiết nhằm tạo sự công bằng.

Năm 2012, Đà Nẵng thí điểm đánh giá lãnh đạo cấp phòng (tương đương) ở 10 đơn vị sở, ban ngành, quận, huyện. Theo Sở Nội vụ, kết quả đánh giá này là cơ sở để xếp loại thi đua và phân phối thu nhập cho cán bộ công chức.

Theo ông Lê Anh - Chủ tịch UBND quận Hải Châu, đánh giá người đứng đầu góp phần giúp công chức lãnh đạo tự soi lại cách thức điều hành, quản lý của mình qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo. Ông Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đồng tình: Đây là một công cụ quan trọng, thiết yếu để quản lý người đứng đầu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.