> Trình dự thảo ngày 8/4
> Phải hạn chế ủy quyền lập pháp
Nhiều ý kiến đóng góp cho Hiến pháp sửa đổi đặc biệt quan tâm vấn đề chủ quyền nhân dân và cho rằng cần phải thể hiện rõ hơn điều này trong Hiến pháp. Ý kiến của ông như thế nào?
Việc đưa vấn đề chủ quyền nhân dân vào lời nói đầu của Hiến pháp sửa đổi là rất đúng đắn. Trước đây ta vẫn nói tất cả mọi quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân nhưng khi quy định thành các nội dung của Hiến pháp thì lại hạn chế bớt chủ quyền nhân dân.
Ví dụ hình thức dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước thì gần như chưa thể hiện được. Do đó, chủ quyền nhân dân phải bắt đầu từ cách tiếp cận. Những quy định trong Hiến pháp phải do nhân dân quy định, bao gồm nhân dân trao quyền cho nhà nước và các thiết chế khác trong xã hội như Đảng, Công đoàn...; nhân dân quy định cho nhà nước được làm cái gì và giới hạn quyền lực của nhà nước để đảm bảo cho quyền của nhân dân được thực hiện.
Chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp cũng phải thể hiện được qua các nội dung như người giám sát tối cao việc thực thi Hiến pháp phải là nhân dân, quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân.
Việc thông qua Hiến pháp thể hiện được chủ quyền nhân dân khi đạt được 2 tiêu chí: 2/3 đại biểu QH tán thành và quá nửa cử tri cả nước biểu quyết tán thành. Nếu ta đưa quy định này vào điều 124 Hiến pháp sửa đổi lần này thì cũng phải đến lần sửa Hiến pháp sau, tức là ít nhất 10 -15 năm, mới áp dụng được việc dân bỏ phiếu thông qua Hiến pháp. Nếu bây giờ ta không đưa quy định đó vào, mà lần sửa đổi sau mới đưa, thì ít nhất 40 - 50 năm nữa mới thể hiện được việc này.
Người dân Hà Nội đọc tài liệu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: Ngọc Châu. |
Một biểu hiện của chủ quyền nhân dân là việc trưng cầu dân ý trong sửa đổi Hiến pháp dù chưa được thực hiện, nhưng lần đầu tiên người dân được nhận tài liệu về Hiến pháp phát tới tận nhà. Ông đánh giá như thế nào về hình thức này?
Việc sửa đổi Hiến pháp đang thực hiện thông qua hỏi ý kiến. Tôi cho rằng tổ chức như vậy quá tốn kém mà hiệu quả chưa chắc đã cao. Việc phát tài liệu tới từng hộ dân cũng có cái tốt là người dân có điều kiện, thời gian nghiên cứu. Nhưng tôi thấy trên thực tế nhiều người dân không có đủ chuyên môn và thông tin để đưa ra ý kiến hay đóng góp. Vì ngoài vấn đề ủng hộ hay không ủng hộ, còn là vấn đề khoa học, phải có cơ sở lý luận.
Hỏi ý kiến nghĩa là muốn cho ý kiến cũng được và không cũng được, không bắt buộc, khác với trưng cầu ý dân hay phúc quyết - mang tính bắt buộc.
Hiến pháp, theo tôi, phải để dân thông qua. Việc để dân thông qua Hiến pháp cũng sẽ củng cố thêm niềm tin của dân đối với các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng.
Phải làm sao để các ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân phải được thấm nhuần ở các vị lãnh đạo cấp cao hơn. Phải dành thời gian và công sức đáng kể để nghe các nhà khoa học, chuyên gia đánh giá, phân tích; và nghe nhiều chiều. Nếu không trực tiếp nghe mà nghe qua các đơn vị báo cáo, tức là qua màng lọc, thì bao giờ cũng có ý chí chủ quan của người báo cáo. Như thế thông tin đến những người ra quyết sách đôi khi không còn đầy đủ.
Việc lấy ý kiến nhân dân sẽ còn được tiếp tục từ nay đến hết tháng 9. Theo ông, cần có biện pháp gì để nâng cao chất lượng của công tác này?
Tôi cho rằng các lãnh đạo cấp cao nên có một số hoạt động lắng nghe trực tiếp ý kiến của người dân, chẳng hạn ở những hội thảo lớn. Có nghe trực tiếp mới hiểu hết được, vì nó là vấn đề khoa học, không thể nghe một kết luận ngắn mà hiểu được.
Ngoài ra, với việc phát tài liệu Hiến pháp tới từng hộ dân, cần phải có người hướng dẫn, nói chuyện với người dân, phân tích các vấn đề thực tiễn liên quan tới các điểm sửa đổi trong Hiến pháp để người dân hiểu.
Cảm ơn ông.
Mỹ Hằng