Xăng tăng giá do hết quỹ bình ổn

Xăng tăng giá do hết quỹ bình ổn
TP - Trả lời báo chí chiều 29/3 tại cuộc họp báo Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, nguyên nhân chính phải điều chỉnh giá xăng dầu do giá bán trong nước thấp hơn giá cơ sở, nếu duy trì giá cũ thì quỹ bình ổn giá sử dụng hết, không còn công cụ nào hỗ trợ.

> Tăng giá xăng không phải vì chống buôn lậu
> Xăng tăng giá, dân bức xúc

Không thể lấy ngân sách bù vào

Trong cuộc họp báo chiều qua, nhiều phóng viên đã hỏi về lý do tăng giá xăng dầu trong bối cảnh giá thế giới giảm. Việc điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công thương như vậy có giật cục hay không? Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, cuối tháng 2/2013 khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, lúc đó, Thủ tướng đã triệu tập một cuộc họp.

Dù Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cho rằng đủ căn cứ và sự cần thiết tăng giá xăng dầu nhưng để bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và quan trọng là không gây thêm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng quyết định chưa tăng giá. Đến nay, quỹ bình ổn đã sử dụng hết.

“Nếu duy trì giá cũ, không điều chỉnh thì quỹ bình ổn giá sử dụng hết, không còn công cụ nào hỗ trợ, chỉ còn cách lấy ngân sách để bù. Nhưng hiện nay chúng ta đã thống nhất nguyên tắc là không thể bao cấp mãi giá các mặt hàng thiết yếu mà phải dần tiến tới theo thị trường, có sự định hướng của Nhà nước”- Ông Đam nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết thêm, các căn cứ để điều chỉnh giá được tính toán rất kỹ trên cơ sở lợi ích của người dân, nhà nước và DN. Lần điều chỉnh này được tính theo phương thức là dừng sử dụng quỹ bình ổn vì quỹ đã hết, tính đủ chi phí.

Giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành bao nhiêu thì tăng bấy nhiêu. Ví như mặt hàng xăng, giá cơ sở đang cao hơn giá bán trong nước 1.430 đồng thì phải điều chỉnh tăng mức này.

Về đề xuất nhà nước giảm thuế để chia sẻ khó khăn với người dân, bà Mai cho biết, thuế nhập khẩu hiện là 12% đối với xăng, đây là mức thấp hơn so với khung thuế hiện hành.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam điều quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch, từ giá thế giới, giá cơ sở đến quỹ bình ổn. Chính phủ khẳng định điều hành giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, không vì lợi ích cục bộ của một số DN kinh doanh xăng dầu.

Liên quan đến việc công khai quỹ bình ổn giá, bà Mai xin ghi nhận và cho biết trong thời gian tới sẽ công khai quỹ này.

Khoảng 10 triệu xe máy không chính chủ

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Anh: Công Khanh
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Anh: Công Khanh.
 

“Nếu duy trì giá cũ, không điều chỉnh thì Quỹ Bình ổn giá sử dụng hết, không còn công cụ nào hỗ trợ, chỉ còn cách lấy ngân sách để bù. Nhưng hiện nay chúng ta đã thống nhất nguyên tắc là không thể bao cấp mãi giá các mặt hàng thiết yếu mà phải dần tiến tới theo thị trường, có sự định hướng của Nhà nước”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam

Về việc xử phạt xe không chính chủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: “Theo thông tin chưa đầy đủ, chúng ta có trên 10 triệu xe máy không chính chủ do rất nhiều quy định bất cập trước đây và bây giờ phải có giải pháp để tạo điều kiện cho người dân khắc phục những lỗi này, mà những lỗi này do hai phía, trong đó, có một phía do quy định của Nhà nước”.

Hiện Bộ Tài chính, Bộ Công an đã có những đề xuất như giảm phí, thuế khi đăng ký lại, hay đơn giản hóa thủ tục. Nhưng để thực hiện chuyển đổi đối với cả chục triệu phương tiện thì cần có thời gian. Tuy nhiên, cũng phải có chế tài, đặc biệt phải tuyên truyền để những phương tiện mới, những lỗi mới không tái phạm.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, lãnh đạo Bộ Công an và Bộ GTVT đã trao đổi, hai Bộ đang tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi và khi hai Bộ trình lên, Chính phủ sẽ xem xét với tinh thần là quản lý xã hội nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khắc phục tồn tại trong nhiều năm trước đây.

Hỗ trợ ngư dân mạnh hơn

Trả lời báo chí về việc tàu của Trung Quốc nổ súng bắn cháy ca bin tàu cá Việt Nam và quan điểm của Chính phủ đối với việc bảo vệ và hỗ trợ ngư dân tới đây sẽ như thế nào? Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu rõ, Việt Nam phản đối các hành động vi phạm không những chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm nguyên tắc luật pháp quốc tế, tuyên bố DOC về ứng xử trên Biển Đông và tính vô nhân đạo của những hành vi như vậy.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có ý kiến chính thức đề nghị phía Trung Quốc điều tra và xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi như vậy, không để ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa hai nước và hòa bình trong khu vực. “Chính phủ đã giao cho các cơ quan chức năng xem xét, đề xuất tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ, vững chắc hơn nữa để bà con ngư dân tiếp tục phát triển nghề của mình”- Ông Đam nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG