Công sở vắng hoe, đền chùa đông nghẹt

Công sở vắng hoe, đền chùa đông nghẹt
TP-Ngày đầu tiên làm việc trở lại sau đợt nghỉ Tết dài, nhưng các công sở vẫn vắng bóng người, trong khi các đền chùa thì dòng người du xuân đông nghẹt.

> Công sở hiu hắt ngày làm việc chính thức đầu tiên
> Yên Tử đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt

Công sở vắng hoe

Theo ghi nhận của phóng viên, tại bộ phận “một cửa” của các Sở, UBND các quận, phường trong ngày đầu làm việc trở lại lượng người dân đến giao dịch, làm thủ tục rất ít, trong khi các công sở thì rộn rã tiếng chúc tụng, tràn ngập lời mời nhau đi ăn uống, du xuân.

Các công sở, bộ phận
Các công sở, bộ phận "một cửa" vắng hoe.

Tại Phòng Công chứng số 2 (quận Long Biên), trong ngày làm việc trở lại chỉ vỏn vẹn 3 trường hợp đến giao dịch.

“Thường các thủ tục công chứng mua bán, thế chấp vay mượn thì người dân làm trong năm. Trong ngày đầu chúng tôi chỉ tiếp nhận hồ sơ của một vài trường hợp đến làm thủ tục công chứng liên quan đến ủy quyền. Có trường hợp đến công chứng liên quan đến nhà đất nhưng chưa giải quyết được vì họ không xin được xác nhận của chính quyền trong ngày đầu năm - Đại diện Phòng Công chứng số 2 nói.

Tại Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch - Đầu tư (số 16 Cát Linh quận Đống Đa) - một trong những nơi có số lượng người giao dịch hàng ngày rất đông thế nhưng trong ngày đầu năm mới chỉ lác đác vài người.

Ở hàng ghế công dân chờ chỉ duy nhất có một người, tại khu vực tiếp nhận thủ tục hồ sơ, nhiều chiếc ghế cán bộ vẫn bị bỏ trống. Ông Trần Minh Quang, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh số 2 (Sở Kế hoạch - Đầu tư) cho biết: “Bình thường mỗi ngày các phòng đăng ký kinh doanh của Sở tiếp nhận và giải quyết hàng trăm hồ sơ của các doanh nghiệp và người dân đến làm thủ tục. Nhưng trong ngày đầu năm, con số này chỉ vài trường hợp và đa phần là đến nhận kết quả đã nộp hồ sơ từ trước Tết”.

Tương tự, tại bộ phận “một cửa” của UBND các quận, các phường đều trong tình cảnh vắng hoe, vắng hoách.

“Dù là ngày làm việc đầu tiên của năm nhưng chúng tôi yêu cầu tất cả các nhân viên bộ phận một cửa phải có mặt đúng giờ. Nhưng nói thật, anh em đến làm việc đầy đủ nhưng lượng người đến làm thủ tục rất ít, chỉ một vài trường hợp đến xin xác nhận lý lịch hoặc xin xác nhận để làm giấy nghỉ phép thôi”-ông Nguyễn Tiết Cương, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) cho biết.

Ghi nhận tại Chi cục Thuế quận Đống Đa chiều 18-2, chỉ có 2 cán bộ ngồi trực tại bàn làm việc, các khu vực khác đều bị bỏ trống. Khi phóng viên ghi lại hình ảnh, một số cán bộ mới tức tốc trở lại bàn làm việc. Một cán bộ tên Tuấn nói, các sếp bận đi chúc Tết nên không có mặt tại trụ sở, còn các nhân viên vì không có người dân đến làm việc nên mới rời đi ra ngoài khuôn viên.

Đền chùa đông nghẹt

Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày dường như không khí làm việc ở các công sở còn khá uể oải. Dù đã vào giờ làm việc, nhưng tại một trường trung cấp ở Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) vẫn vắng tanh. Đã hơn 9h sáng nhưng trong trường mới có lác đác một vài giáo viên đến chúc Tết, hỏi han nhau công việc đầu năm. Tụ tập được một lát thì gần chục cô giáo trong trường rủ nhau đi lễ chùa.

“Ngày đầu làm việc thầy cô nào cũng ngây ngấy không khí Tết nên chẳng ai muốn làm việc ngay. Hơn nữa học sinh cũng chưa nhập học nên chúng tôi cùng rủ nhau đi chùa cầu an cho năm mới” - một giáo viên cho biết.

Còn tại khuôn viên của một công sở nằm trên đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), dù sáng sớm đã đông nghẹt xe và người ra vào. Tuy nhiên, cán bộ, công chức ở cơ quan này cũng chưa bắt tay vào việc mà kéo từ phòng này sang phòng khác chúc Tết cho hết lượt. Rượu, bia, bánh kẹo được khui ra bày la liệt trên mặt bàn nên nhiều người có cảm giác cái Tết vẫn chưa chính thức đi qua.

“Trong ngày đầu năm anh em trong cơ quan đến chỉ gặp mặt đầu xuân. Một số thì rủ nhau đi đền chùa, một số thì mở máy tính ra lướt mạng, chúc tụng nhau trên mạng xã hội. Lịch trình cuối buổi sáng của cơ quan là cùng kéo nhau ra quán nhậu”- một nhân viên kể.

Đối lập với cảnh vắng lặng ở các công sở là cảnh ồn ào, dòng người chen chúc đi lễ chùa. Tại phủ Tây Hồ, chùa Hà, chùa Phúc Khánh, đền Kim Liên..., trong ngày làm việc đầu năm rất đông cán bộ, nhân viên ở Thủ đô và các tỉnh lân cận đổ về.

Ôtô, xe máy, taxi xếp hàng dài khiến cho khu vực xung quanh đền chùa tắc nghẽn. Nhiều công sở, cơ quan còn lên kế hoạch tổ chức cho nhân viên đi lễ cầu may đầu năm tại các điểm đến nổi tiếng như chùa Bái Đính, Yên Tử, chùa Hương.

“Đến cơ quan từ sáng sớm nhưng chỉ để điểm danh rồi mấy chị em chúng tôi cùng kéo nhau đi chùa Phúc Khánh để làm thủ tục giải hạn cho người thân trong gia đình”- chị Hà, nhân viên một công ty xây dựng cho biết.

Theo Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành, nhằm đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013 và thực hiện kỷ cương hành chính ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ, lãnh đạo thành phố đã có văn bản yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã bắt tay ngay vào công tác, không để thời gian nghỉ Tết kéo dài ảnh hưởng đến chương trình, kế hoạch công tác quý I năm 2013.

“Thành phố đã chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật công vụ, đảm bảo giờ làm việc, đảm bảo các giao dịch hành chính, dân sự của nhân dân. Đặc biệt nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, tập thể cơ quan, đơn vị sử dụng xe công đi lễ hội, tổ chức đi lễ hội trong giờ làm việc”- ông Thành cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.