Hơn một nghìn tàu biển cũ nát chờ thành phế liệu

Hơn một nghìn tàu biển cũ nát chờ thành phế liệu
TP - Sau Green Viship bị phá để bán sắt vụn, Hải Phòng hiện còn hơn một nghìn tàu biển cũ chờ để được phá thành sắt vụn. Nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn.

> Cơ quan công an vào cuộc điều tra 'xẻ thịt' tàu
> Ngang nhiên phá dỡ tàu ngoại trái luật

Rác thải công nghiệp nguy hại

Tiền Phong đã liên tiếp thông tin việc một doanh nghiệp bất chấp pháp luật, chủ tàu vẫn thuê tốp thợ hối hả xẻ thịt con tàu Green Viship thành từng đống sắt vụn để bán ngay tại sông Cấm (Hải Phòng).

Tàu biển Green Viship vẫn đang mang quốc tịch Mông Cổ. Tàu Green Viship có trọng tải 6.606 tấn, dài 110m, rộng 18m, đóng tại Nhật Bản năm 1986.

Theo quy định, con tàu này bị cấm nhập khẩu để phá dỡ. Tàu Green Viship vừa được Cty CP Thương mại Đại Huy bán lại cho Cty TNHH Mạnh Thắng (Hải Phòng).

Luật Bảo vệ Môi trường tại điểm b, khoản 1, Điều 42 quy định: “Cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ”.

Ngày 28-1, Cty TNHH Mạnh Thắng gửi công văn đến các cơ quan chức năng đề nghị “tạo điều kiện cho phép công ty được tiếp tục phá dỡ phần còn lại của tàu Green Viship”.

Lãnh đạo Cty TNHH Mạnh Thắng “giải thích”: “Ban đầu công ty mua để khai thác kinh doanh nhưng trong quá trình kiểm tra khảo sát thấy tàu trên không thể khai thác được. Cty đã đầu tư với số tiền lớn trong khi gặp khó khăn nên phá dỡ tàu để bán phế liệu thu hồi vốn...”.

Về vụ việc phá dỡ tàu này, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) đã thu giữ toàn bộ hồ sơ liên quan tàu Green Viship để xử lý.

Ngoài Green Viship, nhiều con tàu khác cũng đã được đem về Hải Phòng xẻ thịt, mới đây là con tàu biển Hufa Star 01.

Đây là những con tàu biển cũ nát, thực tế là một dạng rác thải công nghiệp nguy hại mà các nước bán rẻ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Phá dỡ loại tàu biển cũ này sẽ thải ra rác thải nguy hại làm ô nhiễm môi trường sống.

Thủ đoạn mới?

Theo nguồn tin riêng của PV Tiền Phong, hiện các doanh nghiệp ở Việt Nam là chủ sở hữu của hơn một nghìn con tàu biển trọng tải lớn cũ nát. Hầu hết các cảng biển trên thế giới đều không cho phép loại tàu này vào, vì nó quá cũ gây ô nhiễm môi trường lại không bảo đảm an toàn hàng hải.

Hơn một nghìn con tàu cũ nát này đang được neo vật vờ ở các tuyến sông, cửa biển để chờ được “hóa kiếp” thành phế liệu nhưng luật lại không cho phép, vì tàu mang quốc tịch nước ngoài. Vì vậy, không ít chủ tàu làm liều, phá dỡ “chui” lấy sắt vụn.

Ông Nguyễn Công Đạt, GĐ Cty CP Thương mại Đại Huy có ngành nghề kinh doanh phá dỡ tàu cũ cho biết, hiện nay theo quy định tàu biển quá 15 tuổi không được nhập khẩu.

Vì vậy, hiện có đến 1.035 tàu biển cũ hơn 15 tuổi mà chủ tàu là các doanh nghiệp Việt Nam nhưng đăng ký quốc tịch nước ngoài như Mông Cổ, Panama... Số tàu này càng chạy càng lỗ mà doanh nghiệp thì lại đã thế chấp ngân hàng khi mua.

Vì vậy, nếu doanh nghiệp không phá dỡ thì không biết lấy tiền đâu trả ngân hàng và cứ neo đậu vật vờ mãi thế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hàng hải...

Ông Đạt lấy ví dụ như tàu Green Viship mà Cty Đại Huy mới mua với giá 14 tỷ đồng đã gần 5 năm nay không hoạt động mỗi tháng doanh nghiệp thiệt hại khoảng 300 đến 500 triệu đồng. Nếu đem nó bán ra nước ngoài thì tiền công lai dắt, phí môi trường cũng ngang bằng tiền bán tàu.

Theo kế hoạch, từ ngày 29-1, đoàn công tác liên ngành ở Hải Phòng gồm cả công an và bộ đội biên phòng sẽ kiểm tra tất cả các con tàu biển cũ chờ “chết” đang neo vật vờ ở Hải Phòng. Đoàn cũng sẽ xử lý các đơn vị đang phá tàu “chui”...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.