Không hoãn nghị định quản thức ăn đường phố

Không hoãn nghị định quản thức ăn đường phố
TP - Đại diện Bộ Y tế TS Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm khẳng định: Không có chuyện hoãn cuộc ra tay dẹp loạn thức ăn đường phố.

> Nhọc nhằn hàng rong
> 'Siết' hàng rong: Dân nghèo ăn ở đâu?

Thưa ông, vì sao văn bản mới ban hành với nhiều điều khoản hà khắc mà các đối tượng phải thi hành lại không ai hay? Có phải cơ quan quản lý định làm khó họ?

Trước hết, tôi khẳng định Thông tư 30 hoàn toàn không phải đột ngột từ trên giời rơi xuống, để rồi cho rằng, hầu như không ai biết gì. Các quy định tại Thông tư 30 thực chất là chi tiết hóa các điều, khoản đã quy định tại Luật ATTP năm 2010 và Nghị định Số 38/2012/NĐ-CP ngày 25-4-2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP.

Thông tư 30 được triển khai theo đúng quy định, đăng công báo; có thông báo, công văn hướng dẫn gửi theo hệ thống quản lý hành chính từ trung ương đến địa phương; được thông tin trên cổng thông tin điện tử, trên các phương tiện truyền thông.

Thực ra nhiều quy định trong Thông tư 30 đã được thực hiện từ cách đây nhiều năm chứ không hề có chuyện mới.

Thông tư 30 chẳng qua được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định của các văn bản quy định trước đây, trong đó có Quyết định Số 41/2005/QĐ-BYT ngày 8-12-2005 của Bộ Trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống.

Trong quyết định đó, đã có quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện dụng cụ chế biến bảo quản thực phẩm và quy định người chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố phải khám sức khoẻ, xét nghiệm phân…

Năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh VSATTP. Ngay từ lúc đó, các cấp các ngành đã được yêu cầu tăng cường các biện pháp thanh tra kiểm tra kết hợp với việc tuyên truyền, tập huấn kiến thức VSATTP, khám sức khỏe, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP.

Không thể nói thực hiện các quy định trong Thông tư “khó như lên giời” như ai đó nói. Nếu khó như vậy, làm sao đến nay Bộ Y tế đã triển khai, duy trì được 15 mô hình xã phường điểm tại 15 tỉnh thành? Nếu khó như lên giời, làm sao các tỉnh thành đã tự đầu tư xây dựng 1.000 mô hình xã phường điểm phường đảm bảo VSATTP thức ăn đường phố?

Đến nay, tất cả các xã phường xây dựng mô hình đã thành lập ban chỉ đạo VSATTP; và tất cả các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đều đã ký cam kết đảm bảo VSATTP. Trong số hàng chục vạn cơ sở cam kết, trên 85% cơ sở đã đạt các tiêu chí quy định về điều kiện địa điểm, môi trường, cơ sở vật chất; trang thiết bị, dụng cụ, khám sức khỏe và học tập kiến thức về VSATTP.

Ngay tại Hà Nội, đã có bảy phường điểm về thức ăn đường phố an toàn được xây dựng. Tại tỉnh Quảng Ninh, cũng đã hình thành hai phường điểm.

Các địa phương còn hỗ trợ 5.000.000 đồng cho mỗi phường điểm để khắc phục những khó khăn trong khám sức khỏe, tập huấn, xét nghiệm phân, bên cạnh kinh phí hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu Quốc gia của Bộ Y tế. Tại nhiều xã phương khác, 45-55% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được xác định đạt các quy định về ATTP.

Trước đây rất hiếm thấy các quán ăn đường phố có bàn, ghế, giấy lau đầy đủ cho khách như thế này. Ảnh: Hồ Thu
Trước đây rất hiếm thấy các quán ăn đường phố có bàn, ghế, giấy lau đầy đủ cho khách như thế này.  Ảnh: Hồ Thu.

Vậy tại sao nhiều quán ăn đường phố vẫn không biết gì về Thông tư 30, nhiều nơi vẫn bẩn thỉu, ruồi nhặng, hôi hám?

Vấn đề là có phải là tất cả đều như vậy như một số báo đưa tin hay không. Số các quán ăn uống không đạt yêu cầu đúng là còn rất nhiều, nhưng chiếm tỷ lệ không cao.

Dăm năm đổ về trước, hầu như rất khó tìm được quán ăn uống nào có tủ kính để thức ăn, có đủ bàn ghế cho khách ngồi, và có sọt đựng rác bên cạnh bàn ăn. Nhưng vì kết quả chưa bền vững và vì còn không ít cơ sở chưa tuân thủ, nhất là nhóm hàng rong, mới có chuyện ra đời Thông tư 30.

Liệu có khả năng hoãn thực hiện Thông tư 30 để các đối tượng chịu tác động kịp tìm hiểu các quy định mới hay không, thưa ông?

Không có chuyện hoãn. Bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố thực sự là cuộc chiến lâu dài đòi hỏi sự đồng lòng trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền; người tham gia kinh doanh, người tiêu dùng.

Hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không thể đồng loạt hoàn thành các yêu cầu ngay. Nhưng nếu chính quyền các đia phương quan tâm, chắc chắn có biến chuyển. Vấn đề là có quyết tâm làm hay không mà thôi.

Cám ơn ông.

Thông tư 30/2012/TT- BYT của Bộ Trưởng Bộ Y tế, được ban hành ngày 5-12-2012, quy định về điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Thông tư có hiệu lực ngày 20-1-2013.

Kinh doanh thức ăn đường phố là một loại hình kinh doanh thực phẩm chín, thức ăn ngay có thể bao gồm cả hoạt động chế biến đơn giản ở dạng hàng rong trên đường phố hay ở những địa điểm công cộng (bến tầu, xe, nhà ga, khu du lịch, lễ hội).

Hiện cả nước ước có đến hàng chục vạn người kinh doanh thức ăn đường phố, phân bố không đều, nhưng tập trung chủ yếu ở các khu đô thị, khu du lịch, khu lễ hội.

Quốc Dũng
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG