> Chính phủ tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
> Xem toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Hiến pháp phải dễ hiểu
Khẳng định cuộc lấy ý kiến kiều bào cho việc sửa đổi Hiến pháp là vinh dự lớn với bà con người Việt sinh sống ở nước ngoài, nhưng ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Hội Người VN ở Ba Lan đề nghị Hiến pháp cần gọn, cô đọng, dễ hiểu.
Ông Bùi Đình Dĩnh, nguyên Đại sứ VN tại LB Nga, Phó Chủ tịch kiêm tổng TK Hiệp Hội Doanh nghiệp (DN) VN ở nước ngoài cũng cho rằng cần làm sao để Hiến pháp ngắn gọn, dễ hiểu để mọi người dân có thể hiểu và nắm được Hiến pháp.
Còn theo TS Nguyễn Trọng Bình, hiện đang định cư tại Mỹ, Hiến pháp là những điều luật, khế ước giữa nhân dân và nhà nước pháp quyền, nên phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Hiến pháp không phải đạo luật bình thường, lâu lâu thấy không hợp là đổi mà phải là nền tảng cho 100 năm sau cũng không cần phải sửa, chứng tỏ tầm nhìn của nhà nước hôm nay cho tương lai.
Bảo hộ kiều bào
Về VN đầu tư từ 1992, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch Trường nghề VN - Canada cho biết rằng Hiến pháp sửa đổi lần này có nhiều tiến triển so với Hiến pháp 1992, tuy nhiên, vẫn chưa thực sự nói hết vai trò cũng như chưa thể hiện rõ quyền lợi và nghĩa vụ công dân của kiều bào.
Theo ông Bắc, hiện có khoảng 4.000 DN người VN ở nước ngoài đầu tư ở VN, năm 2010 đã đóng góp 10 tỷ đô la cho ngân sách VN, năm 2012 đóng góp 11,2 tỷ đô la.
Hiện có 350.000 GS, TS đang làm ở các nước và đầu tư lượng chất xám không nhỏ cho VN. Do đó, Hiến pháp nên thêm 1 câu về người VN sinh sống ở nước ngoài “là người được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như công dân VN”.
Ủng hộ quan điểm này, ông Tài Phương, Hội người VN ở Mỹ đề nghị Hiến pháp nên có thêm phần nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người VN ở nước ngoài tham gia vào nghiên cứu, phát triển KHCN, đầu tư và xây dựng đất nước.
Điều này nhằm khẳng định quyết tâm của Nhà nước với những người đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Ông Phương nói, hiện nhiều kiều bào còn băn khoăn, nếu về nước đầu tư làm ăn mà gặp khó khăn thì tìm ai giúp. Có người khuyên tìm tới những hội người VN ở nước ngoài đặt tại VN.
Nhưng về mặt pháp lý, khẳng định quyền bảo hộ của những hiệp hội này không được thể hiện trên Hiến pháp. Nhiều DN nước ngoài ký kết hợp đồng nhỏ hơn bà con kiều bào nhưng lại được cơ quan ngoại giao bảo hộ, khi có vấn đề thì tới sứ quán, bộ ngoại giao để nhờ giúp đỡ, còn bà con mình thì không biết kêu ai.
Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch UBT.Ư MTTQ VN khẳng định, sẽ ghi chép tỉ mỉ từng câu, từng chữ, từng từ những ý kiến đóng góp của đại diện kiều bào các nước và chuyển tới UB Sửa đổi Hiến pháp.
Việc góp ý rất hệ trọng nên không chỉ dừng tại Hội nghị này sẽ có 7- 8 hội nghị cho các thành phần khác nhau.
Mặt trận các cấp sẽ có trách nhiệm tổ chức người tiếp nhận những ý kiến đóng góp trực tiếp của toàn dân như điện tử, thư, văn bản. Người trực tiếp đến góp ý cũng được lắng nghe và ghi chép đầy đủ.