Những người không tiền Tết

Những người không tiền Tết
TP - Hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản, dừng hoạt động, khó khăn đến nỗi phải nợ lương người lao động. Điều này đẩy nhiều người lao động đến cảnh bĩ cực không tiền Tết.

> Bi hài thưởng Tết bằng 'hiện vật'
> Méo mặt nhìn Tết đến

Đang làm việc bình thường bỗng nhiên hàng ngàn công nhân bị mất việc ra đường vì công ty tuyên bố phá sản. Người lao động bị nợ lương, nợ BHXH và phải sống trong lo lắng vì không có việc làm khi cái Tết đang cận kề.

Trắng tay vì công ty phá sản

Công ty Sanyo OPT Việt Nam đóng tại Bắc Giang là một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đăng ký và chính thức hoạt động từ năm 2009 với mặt hàng duy nhất là linh kiện điện tử.

Năm 2010, Sanyo được Panasonic, một doanh nghiệp khác của Nhật Bản, mua lại và vẫn tiến hành hoạt động sản xuất bình thường. Sanyo được đánh giá là doanh nghiệp lớn, hoạt động uy tín và luôn hoàn thành các nghĩa vụ đối với nhà nước cũng như thực hiện đầy đủ chế độ đối với lao động theo đúng luật pháp. Có thời điểm, số công nhân của công ty lên tới hơn 7.000 người.

Đột nhiên, Tổng giám đốc Hiroyuki Mita ra thông báo ngừng hoạt động với lý do làm ăn thua lỗ, không có đơn hàng mới. Đến lúc này, các lao động (chủ yếu là nữ) mà Sanyo ký hợp đồng lên tới 3.750 người tá hỏa vì bỗng dưng phải ra đường.

“Công ty cam kết là sẽ chi trả toàn bộ tiền lương tháng 12 và tiền nghỉ phép năm 2012 nhưng chưa biết thế nào”- chị H, một công nhân cho biết.

Cũng theo chị H, toàn bộ người lao động còn hợp đồng với công ty đều được trả lương đến hết tháng 1-2013 và tiền bồi thường do thông báo chậm cũng như tiền thưởng Tết Nguyên đán, nhưng vấn đề là biết đến khi nào mới được lấy.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Bắc Giang, công nhân nữ công ty Sanyo OPT Việt Nam không những bị nợ lương mà công ty này còn nợ cả tiền bảo hiểm, tiền thai sản... của người lao động.

“Đang làm việc bình thường, nay bọn em phải ra đường. Giờ năm hết Tết đến, bọn em biết làm gì để kiếm sống và nuôi con nhỏ đây” - một công nhân nữ xin giấu tên nói.

Không thưởng Tết

Trong căn phòng trọ cấp 4 khoảng 10m2, có đến 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ cùng sinh hoạt gồm: mẹ đẻ chị Phượng (hiện là công nhân Cty Canon, Khu công nghiệp Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), 2 vợ chồng chị gái, 2 đứa bé đang nhỏ.

“Có tháng tiền lương của cả hai vợ chồng chỉ đủ mua tã, sữa cho hai con. Biết khổ nhưng vẫn phải bám Hà Nội vì về quê không có việc làm, không một tấc đất canh tác” - chị Phượng tâm sự.

Chị Trang làm việc cho một Cty Môi trường trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, lương tháng thứ 13 năm nay không có. Khi thắc mắc, lãnh đạo Cty nói là không có tiền.

Vì công ty cổ phần nên các khoản như tiền phụ cấp độc hại, tiền bù giá, tiền chuyên cần cộng hết vào lương trong khi các Cty môi trường khác vẫn tính riêng. Dù đã có thâm niên làm việc hơn 5 năm nhưng hai năm gần đây, chị thường xuyên bị chậm lương.

“Có năm cả tổ phải làm đến 6, 7 giờ sáng mùng Một mới xong và về nhà ăn Tết, ngày mùng Hai lại tiếp tục đi làm như bình thường. Về đến nhà quần áo, đầu tóc vẫn còn ám mùi rác, nhưng Tết nhất chẳng có được tháng lương 13, nghĩ cũng tủi thân”- chị Trang tâm sư.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, công nhân tại Công ty TNHH Pentax (Khu công nghiệp Sài Đồng B, Long Biên, Hà Nội) cho biết, năm nay Cty ít việc, một số người trong tổ phải nghỉ hưởng 70% lương trong vòng 1 đến 2 tháng. Tháng vừa rồi, tổ của chị Hà có 6 người nghỉ việc vì họ không phải là nhân viên chính thức.

Lương những tháng trước là 2,476 triệu đồng, đến tháng 1-2013, công ty áp dụng mức lương mới được hơn 3 triệu đồng nhưng như vậy không đủ để chi tiêu, dù tằn tiện. Đưa cho chúng tôi xem tờ hóa đơn tiền nhà, chị Hà cho biết, lương em đã tiêu hết, trong khi tiền nhà phải đóng 1,9 triệu đồng vẫn chưa kịp trả.

“Thôi thì sống được tháng nào hay tháng đấy. Dù khổ sở nhưng cũng không biết phải xoay xở thế nào vì ở quê không có việc làm. Ngày thường đã vậy, Tết lấy đâu tiền chi tiêu”- chị Hà tâm sự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG