Không được bỏ sót ý kiến nào

Ban lãnh đạo UBTƯMTTQ Việt Nam tại Hội nghị triển khai công tác lấy ý kiến toàn dân về sửa đổi Hiến pháp 1992 Ảnh: M.H
Ban lãnh đạo UBTƯMTTQ Việt Nam tại Hội nghị triển khai công tác lấy ý kiến toàn dân về sửa đổi Hiến pháp 1992 Ảnh: M.H
TP - Ngày 3-1-2013, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ) là cơ quan đầu tiên tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với sự góp mặt của nhiều bậc lão thành đại diện nhiều tổ chức nghề nghiệp xã hội.

> Minh bạch trong tổng hợp ý kiến
> Phải tổng hợp đầy đủ ý kiến nhân dân

Không bỏ sót ý kiến

Theo ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị nói chung và mặt trận tổ quốc nói riêng, nhằm huy động tâm huyết, trí tuệ của nhân dân, tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân.

Việc tổ chức phải được tiến hành dân chủ, công khai, khoa học; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Việc góp ý sửa đổi sẽ tập trung vào nội dung về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Việc lấy ý kiến được tổ chức chủ yếu theo hình thức hội nghị, hội thảo, do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam quyết định phù hợp với các nội dung góp ý và đối tượng tham gia.

Ngoài ra, Ban thường vụ sẽ tiếp nhận các ý kiến góp ý trực tiếp bằng văn bản của các tầng lớp nhân dân để tổng hợp chung.

Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến góp ý đều nhấn mạnh việc phải đảm bảo sự minh bạch, trung thực trong tiếp thu ý kiến, đặc biệt không được bỏ sót một ý kiến nào từ phía người dân.

Hình thức lấy ý kiến ngoài việc thông qua các tổ chức, hội, đoàn thể thành viên, một kênh quan trọng nữa là ý kiến riêng lẻ, trực tiếp của người dân nếu họ không muốn đóng góp qua kênh đoàn thể.

Truyền hình trực tiếp công tác lấy ý kiến

Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, trong điều kiện Hiến pháp chưa thể thông qua trưng cầu dân ý trực tiếp thì Mặt trận là tổ chức thích hợp nhất để làm việc này vì có cơ sở từ thôn xã bản làng tới các cơ quan trung ương.

Đây là kế hoạch kịp thời giúp các cơ quan tổ chức dựa vào đó xây dựng kế hoạch cụ thể của mình. Tuy nhiên cần phải thực hiện làm sao để không hình thức.

Phải phát huy sự dân chủ, thẳng thắn. Kế hoạch lấy ý kiến chỉ từ nay tới hết tháng 3. Hội Luật gia Việt Nam chủ trương tổ chức hội nghị ngày 10-1 và trong 3 tháng tới sẽ tổ chức hội thảo tại 3 miền Bắc - Trung - Nam để lấy ý kiến hội viên về việc sửa đổi Hiến pháp và sẽ tập trung vào các vấn đề: làm sao Hiến pháp đảm bảo được quyền dân chủ của dân trong việc tham gia xây dựng đất nước; qua đó, việc xây dựng thể chế là rất quan trọng. Thể chế đó phải tinh gọn, hiệu lực và phát huy hiệu quả giải quyết các bức xúc của người dân.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế kiêm Phó trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, cách thức lấy ý kiến sẽ quyết định nội dung của Hiến pháp sửa đổi.

Theo kế hoạch, ngày 8-1, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp sẽ có truyền hình trực tiếp tới các địa phương về công tác chuẩn bị cho việc lấy ý kiến; sẽ có các báo cáo, tài liệu làm cơ sở cho nhân dân và cơ quan hữu quan tìm hiểu và thảo luận sâu về nội dung sửa đổi Hiến pháp.

Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, việc tham gia tổ chức lấy ý kiến nhân dân là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn dân, có ý nghĩa sâu sắc.

Phải làm sao đạt được mục đích phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Người dân nên xem đây là cơ hội để góp ý kiến, ý chí, nguyện vọng của mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG