Thu phí bảo trì đường bộ từ ngày 1-1 - 2013: Nhiệm vụ bất khả thi

Thu phí bảo trì đường bộ từ ngày 1-1 - 2013: Nhiệm vụ bất khả thi
TP - Không đầy 20 ngày nữa việc thu phí bảo trì đường bộ có hiệu lực (từ 1-1-2013). Tuy nhiên đến lúc này, nhiều phường xã ở Hà Nội (được giao thu phí xe máy) vẫn chưa có sự chuẩn bị, thậm chí một số xã ngoại thành còn không nghe, không biết.

> Chính thức thu phí sử dụng đường bộ từ 1-1-2013
> Thu phí Bảo trì Đường bộ không nghe ý kiến dân?

Không biết thông tin

Theo phương án thu phí bảo trì Đường bộ của Bộ GTVT vừa được Bộ Tài chính ra Thông tư hướng dẫn, thì xe ô tô thu qua đăng kiểm, riêng với xe máy sẽ thu qua UBND xã, phường, thị trấn.

Cụ thể, từ 1-1-2013, xe máy sẽ nộp từ 50.000 đến 150.000 đồng/năm tùy chủng loại xe. UBND cấp tỉnh, thành sẽ quyết định mức thu phù hợp với tình hình địa phương.

Từ 1-1-2013, ôtô dưới 9 chỗ có mức thu Quỹ bảo trì đường bộ là 130.000 đồng/tháng; xe tải, xe chuyên dùng có mức thu cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng. Chủ xe đóng qua các lần đăng kiểm. Xe máy: có mức thu 50.000 đến 150.000 đồng/năm tùy chủng loại xe. Chủ xe đóng qua UBND xã, phường, thị trấn. Lượng xe máy cả nước hiện có khoảng 35 triệu xe máy, riêng TP Hà Nội hiện hơn 4,4 triệu xe.

Thời điểm 1-1-2013 chỉ còn chưa đầy 20 ngày nhưng theo tìm hiểu của PV Tiền Phong ngày hôm qua, hầu hết các xã phường trên địa bàn TP Hà Nội chưa có phương án cho việc thu phí bảo trì đường bộ.

Lý giải việc này nhiều lãnh đạo các xã phường cho rằng, họ chưa nhận được bất kỳ chỉ thị hay văn bản yêu cầu thực hiện nào.

“Chúng tôi mới nghe nói về việc xã phường thu phí bảo trì đường bộ nhưng chưa thấy văn bản hướng dẫn gì nên chưa có phương án triển khai” - ông Đặng Đình Bằng, Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm nói.

Ông Trịnh Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đình tỏ ra khá bất ngờ khi PV đề cập đến phí bảo trì đường bộ.

Ông cho hay không hề biết thông tin về việc này. Hơn nữa, cán bộ biên chế của xã hiện chỉ đủ để làm các công tác hành chính hàng ngày với người dân, giờ tách một bộ phận ra thu phí bảo trì là điều không thể.

Lý giải vì sao chưa triển khai phương án thu phí đường bộ đến các phường, ông Nguyễn Quang Phục, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cũng lắc đầu nói: “Qua phương tiện thông tin đại chúng tôi biết liên bộ GTVT - Tài chính có phương án triển khai từ 1-1 tới nhưng quận chưa nhận được chỉ đạo gì của thành phố cũng như Sở Tài chính nên cũng chưa có kế hoạch triển khai”.

Phải khảo sát lượng xe

Với thực tế trên, nhiều chuyên gia vận tải cho rằng, không chỉ Hà Nội mà một số thành phố lớn như TPHCM, Đà Nẵng... không thể triển khai thu phí đường bộ từ 1-1 tới.

Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, theo phương án thu mà Bộ Tài chính mới có Thông tư ban hành thì UBND cấp tỉnh, thành quyết định mức thu phù hợp với địa phương.

Như vậy phương án thu thế nào và mức thu bao nhiêu theo quy định phải được HĐND cấp tỉnh, thành phố thông qua.

“Tuy nhiên, tại kỳ họp cuối năm của Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng vừa qua không thấy các địa phương đưa ra nội dung này. Như vậy có thể hiểu rằng, việc thu phí đường bộ vào 1-1 tới của cả ba thành phố trên là chưa thể xảy ra” - ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, với Hà Nội để triển khai được kế hoạch này nếu sớm nhất cũng phải chờ sau quý 1 năm 2013 - khi kỳ họp HĐND đầu năm kết thúc và phương án thu phí giao thông được thông qua.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp Hội vận tải Hà Nội cho rằng, số lượng xe không chính chủ cũng như số lượng người nhập cư trên địa bàn Hà Nội rất nhiều, hơn nữa tại Hà Nội hiện nay số gia đình có từ 1 đến 3 xe máy nhưng con cái hoặc bố mẹ đi học, công tác xa nhiều liệu người ở nhà không chính chủ có nộp và thu được không?...

“Do vậy để việc thu này có hiệu quả, đúng đối tượng cơ quan chức năng cần từ 1 đến 2 tháng cho chính quyền địa phương có thời gian đi khảo sát số lượng xe máy hiện có trên địa bàn”, ông Liên đề nghị

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.