Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về sửa đổi Hiến pháp

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về sửa đổi Hiến pháp
TP - Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc trao đổi với Tiền Phong về việc bản dự thảo Hiến pháp đang chuẩn bị đưa ra lấy ý kiến nhân dân theo Nghị quyết Quốc hội, trong thời gian 3 tháng kể từ 2-1-2013.

> Từ 2-1-2013 lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp
> Hiến pháp phải do dân quyết định

Ông Dương Trung Quốc
Ông Dương Trung Quốc.

Ông Dương Trung Quốc nói: Đây là một cơ hội tốt để chúng ta hoàn thiện tốt hơn bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Hiến pháp phải chứa đựng những nguyên lý nền tảng, ổn định để tạo điều kiện cho đất nước phát triển
lâu dài.

Chúng ta đã có 4 bản Hiến pháp tính từ năm 1946 đến nay. Mỗi bản Hiến pháp đều có vai trò lịch sử rất lớn trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Nhìn lại lịch sử lập hiến đó, ông có nhận xét gì?

Hiến pháp 1946 là mẫu mực về lập hiến. Nhưng thực tế, phải nhìn nhận sau khi thông qua chưa kịp ban hành thì chiến tranh bùng nổ, cho nên có nhiều điều chưa đi vào đời sống. Tuy nhiên nó chứa đựng những tư tưởng, định hướng lớn để chúng ta có thể phát triển lâu dài.

Là người làm sử, tôi cho rằng cái lớn nhất của bản Hiến pháp này là nó tiếp cận được với cơ chế chính trị có thể nói hiện đại nhất khi đó, mặc dù chúng ta vừa mới thoát thai ra khỏi chế độ phong kiến-thuộc địa. Đó là nền tảng chính trị dân chủ cộng hoà.

Từ đó, chúng ta đã qua nhiều lần thay đổi hiến pháp, điều tôi băn khoăn nhất là làm sao Hiến pháp phải có sức sống bền vững.

Do hoàn cảnh lịch sử và chiến tranh, từ năm 1959 trở đi trung bình cứ 20 năm chúng ta thay đổi hiến pháp một lần. Rõ ràng qua mỗi thời kỳ, đất nước đã có rất nhiều thay đổi.

Hiến pháp đã hiến định cương lĩnh chính trị của Đảng, hệ thống chính sách thúc đẩy đất nước phát triển. Cho nên Hiến pháp cũng phải thay đổi để phù hợp với mỗi thời kỳ.

Tuy nhiên, chính sách luôn bị tác động bởi thực tiễn. Trong khi Hiến pháp cần phải có tính ổn định cao hơn. Và nếu chúng ta cứ theo nếp cũ, gần như sẽ khó có thể tạo ra những chế định có tính ổn định cao.

Chúng ta thấy một thực tế là kỹ thuật soạn thảo còn có những chế định rất dài, đề cập quá nhiều vấn đề cụ thể, như một đạo luật thông thường.

Qua tổng kết, chúng ta thấy có hiện tượng, nhiều nội dung trong hiến pháp, gọi đúng ngôn ngữ hiện đại là bị “treo”: Một số quyền đưa vào hiến pháp nhưng không được thể hiện bằng những bộ luật, không đi vào đời sống.

Bản Hiến pháp năm 1992 đã mở ra một chặng đường phát triển mới, nhiều thành tựu trong 20 năm qua. Lần sửa đổi này, ông băn khoăn, tâm huyết điều gì?

Mỗi lần thay đổi hiến pháp là do nhu cầu phát triển, hội nhập. Nhưng cũng phải coi đó là cơ hội, vì nếu anh lỡ cơ hộ này thì ít nhất sẽ phải mất 20 năm nữa.

Cái chúng ta cần tránh là rơi vào giáo điều. Chỉ lấy một ví dụ là lời nói đầu, tôi thấy cần học và lấy cụ Hồ làm mẫu mực. Bởi Hiến pháp là một văn kiện quốc gia, của một dân tộc, cho nên cần hết sức trong sáng, hạn chế yếu tố ngoại lai không cần thiết.

Một bộ phận cử tri, cán bộ lão thành tham gia cách mạng, rất hy vọng đây là cơ hội tốt để chúng ta có những lựa chọn tốt nhất.

Nếu chúng ta nhìn lại Hiến pháp năm 1980 chúng ta thấy, hình như chúng ta từng bị ảnh hưởng phần nào của mô hình Xô-viết lúc đó.

Chính vì thế, phải biết học cả những bài học không thành công, trong đó có bài học vay mượn mô hình rồi lại phải tự điều chỉnh. Chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng, cho nên phải tận dụng cơ hội này để bứt phá và phát triển.

Thưa ông, bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, ông có cho rằng đây là một cơ hội rất có ý nghĩa?

Lấy ý kiến nhân dân là một nguyên lý của việc sửa đổi Hiến pháp và lần này Quốc hội rất quyết tâm, dành 3 tháng cho việc này. Nhưng vấn đề không phải thời gian, đương nhiên thời gian rất quan trọng. Vấn đề còn lại là phương thức lấy ý kiến, bộ lọc để tập hợp được tiếng nói của nhân dân mới quan trọng.

Nhưng chúng ta chưa triển khai trưng cầu dân ý, cho nên rất khó để định lượng được, có thể phần nào sẽ dẫn đến duy ý chí. Dẫu sao, việc đưa dự thảo Hiến pháp ra thảo luận cũng là cơ hội tốt. Vấn đề còn lại là những người lãnh đạo có biết lắng nghe hay không, năng lực lắng nghe đến đâu.

Chúng ta đã có một chủ trương tốt, làm sao thực hiện cho tốt, cuối cùng là tập hợp ý kiến và lắng nghe để mà phản ánh được trong nội dung hiến pháp.

Các nhà lập pháp cho rằng, Hiến pháp là bản khế ước xã hội - tức là sự cam kết về quyền và nghĩa vụ giữa nhà nước và công dân. Một số ý kiến vừa qua mong muốn và đề nghị nhân dân được quyền phúc quyết đối với Hiến pháp?

Đúng thế, nhưng phúc quyết bằng cách nào? Ở các nước, người ta phúc quyết bằng phương thức rất phổ biến - trưng cầu dân ý.

Tôi từng đi cùng nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An sang Thụy Sỹ và một số nước châu Âu và ông ấy rất quan tâm đến phương thức trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, họ đã có một tập quán xã hội, ở trình độ nhận thức xã hội phải rất dân chủ. Thường cơ chế này bảo thủ hơn, nhưng rất chắc chắn và có sự chia sẻ của cộng đồng. Nhưng rất tiếc, đến nay chúng ta chưa bao giờ thực hiện điều đó.

Tuy nhiên phải thừa nhận, quy định về trưng cầu dân ý và một số quyền thể hiện trong hiến pháp lần này có nhiều điểm rất mới. Cái chúng ta băn khoăn là nó đi vào đời sống như thế nào, bao giờ mới thực hiện được.

Ví dụ, trưng cầu dân ý là một chế định rất quan trọng. Nó là phương thức phổ biến trên thế giới, thể hiện tính phúc quyết của nhân dân đối với những chính sách lớn của nhà nước, là biểu hiện của dân chủ trực tiếp.

Như ông nói, do những điều kiện khác nhau, một số quyền cơ bản trong Hiến pháp có thể bị “treo”không thực hiện được. Lần này dự thảo Hiến pháp đặc biệt chú trọng tới quyền con người và quyền công dân, đó là điểm đáng lưu ý?

Chúng ta đã có sự quan tâm đặc biệt đến những quyền này. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là vị trí mà tôi quan tâm những cái đó có đi vào đời sống hay không, hay chỉ là những nguyên lý không thể không nhắc đến.

Chẳng hạn như quyền biểu tình, Chính phủ cũng rất ủng hộ, nhưng quan trọng là quy định như thế nào để thực thi. Thông thường, để các quyền đi vào đời sống, phải qua rất nhiều khâu.

Nếu không có công cụ đánh giá là quyền phúc quyết của dân với những chính sách lớn thì tất cả những cái đó sẽ theo nếp cũ.

Thảo Luận tại QH vừa qua, một số ĐB đề nghị cần có cơ chế bảo vệ hiến pháp, ông có suy nghĩ gì?

Đây là một vấn đề quan trọng, nhưng đến giờ vẫn chưa ngã ngũ có hay không có, nếu có thì nằm ở đâu.

Tôi nghĩ chúng ta cần phải bảo tồn những giá trị, bản sắc của mình. Nhưng những giá trị đã thành phổ quát trên thế giới thì mình phải thừa nhận, phản ánh qua quá trình hội nhập với những giá trị đó.

Chúng ta vẫn cần bảo vệ những giá trị đặc thù chúng ta, nhưng phải ủng hộ và không thể đi ngược lại những giá trị chung.

Cảm ơn ông.

Nguyễn Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.