> Phí sang tên đổi chủ sẽ giảm xuống 1%
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị trả lời báo chí chiều 12-11. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Không bắt buộc mang sổ hộ khẩu khi đi xe mượn
Trả lời báo chí chiều 12-11, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự An toàn Xã hội - Bộ Công an cho biết, nghị định (NĐ) 71 quy định xử phạt tại điểm e, khoản 3, điều 33 với mức phạt tiền tăng lên từ 800.000 – 1.200.000 đồng đối với chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự môtô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định; điểm c khoản 6 điều 33 tăng mức phạt tiền từ 6.000.000 – 10.000.000 đồng cho hành vi tương tự đối với ôtô.
Theo quy định này, trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm làm thủ tục mua bán xe, người sở hữu phải đến cơ quan CSGT thực hiện việc sang tên đổi chủ, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định.
Theo Thiếu tướng Nghị, người đi ô tô hoặc mô tô của gia đình, xe mượn, xe hợp đồng thì không bị xử phạt.
Chưa xử phạt Đến hôm nay (12-11), sau hai ngày triển khai thực hiện NĐ 71, theo Thiếu tướng Nghị, vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý về lỗi không sang tên đổi chủ phương tiện. Công điện 141 của Bộ Công an cũng nêu rõ: “Lực lượng CSGT khi tuần tra kiểm soát trên đường, nếu phát hiện trường hợp có giấy đăng ký xe nhưng tên của chủ xe không trùng với tên của người lái xe và người lái xe trình bày là xe đi mượn, đi thuê, xe gia đình thì không xử phạt hành vi mua bán không sang tên”. |
Hiện nay, chưa có quy định nào bắt buộc người dân phải mang theo giấy chứng minh nhân dân của chủ phương tiện, sổ hộ khẩu khi điều khiển phương tiện mượn, thuê ngoài đường. Nhiều người cũng cho rằng, nếu mang nhiều giấy tờ như thế thật bất tiện. Sắp tới, để đảm bảo tính khả thi của NĐ 71, Bộ Công an sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện - Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị nói.
Cũng theo Thiếu tướng Nghị, hiện phí trước bạ quá cao là nguyên nhân khiến nhiều người không sang tên, đổi chủ. Do vậy, Bộ Công an đang nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hạ phí trước bạ thấp nhất để người dân thực hiện việc sang tên đổi chủ. Như vậy vừa đảm bảo lợi ích của dân, vừa đạt được lợi ích của nhà nước.
Về tính khả thi của NĐ 71, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị cho rằng, trên thế giới đã thực hiện từ lâu. Việt Nam cũng thực hiện nhiều năm nay, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước.
“Tôi tin rằng không có gì vướng mắc cả. Chủ trương của Chính phủ cũng vì lợi ích của nhân dân và quản lý của Nhà nước. Do vậy, đề nghị nhân dân đồng tỉnh, ủng hộ cơ quan chức năng” – Phó Tổng cục trưởng chia sẻ.
Không thể lùi thời hạn thực thi Nghị định 71
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự An Toàn Xã hội, cho rằng, đã là văn bản pháp quy của Nhà nước thì phải thi hành. Thế giới đã làm được thì Việt Nam cũng làm được.
“Lực lượng Công an là người thực thi pháp luật. Quan điểm của tôi không lùi thời điểm thực thi nghị định. Nếu cứ ban hành rồi lại sửa thì không còn tính thuyết phục, răn đe của pháp luật” - Phó Tổng cục trưởng chia sẻ.
Đông đảo cơ quan báo chí đến dự buổi họp báo để được giải đáp những thắc mắc quanh việc thực thi NĐ 71. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị cho biết, công dân cũng có quyền khiếu nại nếu thấy lực lượng CSGT xử phạt không đúng, cả về luật và về thái độ của người xử lý. |
Để kiểm soát phương tiện chưa sang tên đổi chủ, theo Thiếu tướng Nghị, có thể thông qua việc tuần tra kiểm soát, giải quyết các vụ TNGT, án hình sự, việc đăng ký xe…
Còn việc người dân không tự ý đến đăng ký, sang tên đổi chủ, Bộ Công an đã có dự án về chương trình đăng ký cấp biển số phương tiện được phê duyệt đầu năm nay. Sau khi có cơ sở dữ liệu về đăng ký biển số xe, việc theo dõi sang tên đổi chủ của các phương tiện sẽ dễ dàng hơn.
Trước lo ngại tăng mức xử phạt cao có thể khiến nạn mãi lộ nghiêm trọng hơn, Thiếu tướng Nghị cho rằng, pháp luật để răn đe, không nên đặt vấn đề gây khó khăn cho tham nhũng gia tăng. Bộ Công an cũng đã tổ chức tập huấn cho các lực lượng trong việc xử phạt, nhắc nhở người tham gia giao thông. Còn người dân, nếu sợ bị xử phạt cao như vậy thì phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đi sang tên đổi chủ ngay.
“Không thể nói NĐ 71 khuyến khích người dân nói dối nhiều hơn. Để xác định phương tiện ngoài đường có chính chủ hay không rất khó và không tạo được sự đồng thuận. Do vậy, trước mắt, chúng tôi quy định xử lý vi phạm giao thông ngoài đường, nếu người dân khai là xe mượn, thuê thì không xử phạt. Còn khi đã đưa về trụ sở Công an, phát hiện sẽ xử lý nghiêm khắc” – Thiếu tướng Nghị cho biết.
Cũng theo Thiếu tướng Nghị, Bộ Công an đã có đề án, chủ trương và giải pháp, quyết tâm thực hiện tốt NĐ này. Báo chí nếu phát hiện trường hợp mãi lộ, tham nhũng, sai phạm, có thể cung cấp cho cơ quan chức năng để điều tra, xử lý đúng pháp luật.
Nhiều người thắc mắc về thủ tục mua bán, sang tên đổi chủ, nhất là trường hợp mua xe đã qua nhiều chủ hay chủ đã mất… Theo Thiếu tướng Nghị, thông tư 36 ban hành ngày 12-10-2010, quy định cụ thể thủ tục đăng ký mới, sang tên đổi chủ. Khoản 3 điều 20 nói rất rõ những vướng mắc tồn tại khi sang tên đổi chủ. Người chủ cuối cùng bán xe phải đứng ra làm thủ tục sang tên, đủ giấy tờ sẽ được giải quyết. Về mặt các thủ tục không phải hiện nay mà các thông tư 01, 06, 215 trước đây cũng đã có những quy định này để giải quyết cho nhân dân. |