> Công bằng giữa xe công - tư
> Đã nghèo còn lãng phí
Xe công đi rước dâu tại Hà Nội. Ảnh: PV. |
Phá sản vì sao?
Năm 2006, được bật đèn xanh từ Bộ Tài chính, Văn phòng Quốc hội gương mẫu đi đầu thực hiện thí điểm khoán chi phí sử dụng xe ôtô công. Khi đó, ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người đầu tiên thực hiện việc khoán xe công (nay ông Thuận đã nghỉ hưu).
Theo tiêu chuẩn, ông Thuận được đưa rước bằng xe ô tô công từ nhà đến nơi làm việc và đưa rước khi đi công tác. Sau khi tự nguyện xin thực hiện khoán, ông Thuận đã trả lại chiếc xe Camry 2.4 để chuyển sang đi làm bằng xe dịch vụ.
Hình ảnh một cán bộ của Văn phòng Quốc hội hàng ngày đi làm bằng xe ôm, taxi đã gây xôn xao dư luận, giới quan chức hồi đó.
Ông Thuận tâm sự: “Mỗi tháng, tôi được khoán chi phí xe là 4,5 triệu đồng, nhưng tôi đi xe ôm, taxi chỉ hết khoảng 1,5 triệu đồng. Tôi thực hiện như vậy trong gần 3 năm, cho đến tận khi nghỉ hưu thì phần chi phí tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng”.
ông Thuận, việc sử dụng xe dịch vụ có nhiều cái lợi như thuận tiện đi lại, luôn chủ động về thời gian, lái xe không mất công chờ đợi. Nhưng lợi ích lớn nhất là tiết kiệm chi ngân sách như chi phí mua xe, phí vận hành, lương lái xe…
Tháng 5-2007, Thủ tướng ban hành Quyết định số 59, chính thức cho phép các chức danh từ tương đương thứ trưởng trở xuống (ở cấp tỉnh là từ phó chủ tịch HĐND và UBND trở xuống) được khoán xe công.
Sau đó, tháng 9-2007, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 103, quy định cơ chế và cách tính chi phí khi thực hiện khoán xe công. Như vậy, việc khoán xe công đã thành chính sách.
Thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh (nay là Phó Thủ tướng) vui mừng tuyên bố, nếu thực hiện khoán xe công thì sẽ tiết kiệm cho nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau ông Thuận, cơ quan chức năng hầu như không nhận được sự hưởng ứng của các cán bộ, lãnh đạo nào khác. “Thậm chí, tôi còn được đề nghị cấp cho một chiếc xe ô tô mới hơn để không đi xe ngoài nữa”, ông Thuận cho biết.
Ngay như Bộ Tài chính, cơ quan ban hành chính sách cũng không có cá nhân nào gương mẫu thực hiện chính sách khoán này.
Lý giải nguyên nhân một chủ trương đúng, có thể tiết kiệm hàng ngàn tỷ cho ngân sách mỗi năm nhưng lại phá sản, ông Thuận nói: “Nguyên nhân chính là do chính sách đưa ra để ai chọn thì tự nguyện đăng ký, không bắt buộc.
Trong khi đó, người ta đi xe công sẽ thu được nhiều lợi ích hơn. Thực tế, nhiều quan chức sử dụng xe công bất kể giờ giấc như đi giao dịch, đi xem nhà đất, đi lễ bái xin thần thánh thăng quan tiến chức…
Mục đích cũng là để tạo khâu oai, sẽ thu được lời hơn. Còn với tôi, đi xe công không có lời lãi, mà tôi thấy, sẽ thiệt hại cho nhà nước, cho dân và chính mình”.
Còn ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) phân tích: “Thực sự, chính sách khoán xe công chưa đi vào cuộc sống vì chưa tạo được phong trào và yếu tố tâm lý. Có nhiều đồng chí lãnh đạo trong thâm tâm thì đồng ý, nhưng sợ làm thì bị cho là ích kỷ. Hiện nay, xu hướng sử dụng xe riêng phổ biến, nhất là các thứ trưởng trẻ tuổi đều có xe ôtô riêng. Nếu khoán chi phí xe sẽ tiết kiệm, tiện lợi hơn”.
Thiếu tiền tăng lương, thừa tiền lãng phí
Theo Bộ Tài chính, tính tới tháng 5-2012, cả nước có 31.826 chiếc xe ôtô công với tổng giá trị nguyên giá hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó, có 779 xe phục vụ chức danh, 22.120 xe phục vụ công tác chung và 8.927 xe chuyên dùng.
Giá trị khấu hao xe còn lại khoảng 3.876 tỷ đồng. Tuy nhiên, có gần 34% xe công (khoảng 10.717 chiếc) đã sử dụng quá thời gian quy định (10 năm). Theo ông Phạm Đình Cường, hằng năm ngân sách nhà nước phải chi lượng tiền rất lớn để nuôi đội xe công này.
Như Bộ NN&PTNT, theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Văn phòng, riêng xe công thuộc khối văn phòng có 26 chiếc (không kể khối các viện, cục, tổng cục), trong đó, có 12 chiếc loại 5-7 chỗ, 10 chiếc loại 12 chỗ và 1 xe loại 26 chỗ ngồi.
Đội lái xe gồm 25 người, cả quản lý. Từ thứ trưởng trở lên có một xe phục vụ riêng theo tiêu chuẩn. Bộ này cũng không có ai đăng ký được thực hiện khoán xe công.
“Chúng tôi mới chỉ thực hiện khoán theo nguồn chi phí ngân sách thường xuyên cho các đơn vị. Vụ nào tùy tính chất công việc, nếu đi nhiều, hệ số cao, số kilomet lớn hơn, việc này đều có sự giám sát khi thanh quyết toán”, ông Việt nói.
Theo khảo sát của phóng viên, nếu tính chung cả các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, thì lượng xe công hàng trăm chiếc, với đội ngũ lái xe cả trăm người. Chi phí để nuôi đội xe này cũng rất lớn.
Theo ông Trần Quốc Thuận, sự lãng phí sử dụng xe công ngày càng lớn, vì đối tượng có chế độ xe ô tô đưa đón ngày càng mở rộng, gây lãng phí rất lớn. Chẳng hạn, đại biểu Quốc hội chuyên trách hiện cũng có chế độ xe con.
“Nếu cắt phần mua sắm xe công tràn lan và thực hiện được việc khoán xe công, thì ngân sách nhà nước vừa giảm được tiền đầu tư mua xe vừa tiết kiệm được chi nuôi xe thường xuyên, mỗi năm cũng vài ngàn tỷ đồng. Chính sách khoán xe công hay như vậy, đã ghi vào Nghị quyết, lặp lại nhiều lần nhưng điều lạ lùng là không ai chịu thực hiện” - ông Thuận nói.
Vận động bỏ xe công đưa đón cán bộ ra sân bay
Xe công đi Đền Trần (Nam Định) năm 2011. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Không tính toán và đưa ra con số cụ thể về chi phí nuôi hơn 3 vạn xe công mỗi năm, nhưng ông Phạm Đình Cường tính toán, nếu thực hiện được việc khoán xe công đại trà, thì kinh phí nuôi mỗi chiếc xe công có thể giảm được 1/3 so với hiện nay.
vì thế, Cục quản lý công sản vẫn tỏ ý đeo đuổi chính sách khoán xe công này. “Một vài lần tôi đã trao đổi với một số ông chủ taxi, họ ngỏ ý sẵn sàng đầu tư đội xe sạch đẹp, văn minh lịch sự để phục vụ các quan chức nhà nước. Thậm chí họ cam kết nếu nhiều cơ quan nhà nước thực hiện, thì riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xe dịch vụ sẽ có mặt sau 5 phút được yêu cầu”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, tới đây Bộ Tài chính sẽ vận động thí điểm quan chức đi dịch vụ taxi theo tuyến. Ví dụ như tuyến Hà Nội - sân bay Nội Bài và ngược lại, nếu dùng xe công để đưa đón một cán bộ ra sân bay, lãng phí rất lớn.
Khi đưa còn đỡ, nhưng khi đón, bao giờ lái xe cũng phải ra sân bay chờ trước cả tiếng đồng hồ, khi máy bay lỡ chuyến họ phải chờ đợi rất mệt. Mà mỗi cán bộ đều có một xe đưa đón còn gây ảnh hưởng tới trật tự giao thông, gây tắc đường, lãng phí lớn. Qua trao đổi, nhiều cán bộ cũng ủng hộ chủ trương thí điểm đi xe dịch vụ tuyến này.
Thực tế, từ năm 2007, có nhiều nơi như một số đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã áp dụng hình thức khoán chi phí đi lại bằng xe taxi cho cán bộ.
dụ, các phóng viên của kênh VTV khi đi quay chương trình được cấp thẻ taxi Mai Linh (thẻ cào) để thanh toán cước phí. “Tôi thấy cách này vừa tiện cho cả người sử dụng xe, lại vừa hiệu quả”, ông Cường nói.
Hiện nay, Cục quản lý công sản đang có ý tưởng xây dựng một đội xe taxi chuyên phục vụ các cơ quan của Chính phủ, trước mắt dự kiến áp dụng thí điểm tại văn phòng Quốc hội.
Trong đó, có thể kí hợp đồng với một hãng taxi với điều kiện: sau 5 phút gọi là có xe, chất lượng xe tốt, lái xe lịch sự… Ông Cường cho biết: “Nếu sử dụng xe dịch vụ và tính theo giá taxi, thì chi phí sẽ giảm khoảng 1/3 tổng ngân sách dành cho xe công, bao gồm chi phí đầu tư, khấu hao, chi phí thường xuyên cho xe…”.
Năm 2013, theo lộ trình Chính phủ phải tăng lương thêm 200.000 đồng/tháng, từ 1-5, nhưng do thiếu nguồn, nên Chính phủ buộc phải thực hiện tăng lương chậm 2 tháng (từ1-7) và chỉ tăng được 100.000 đồng/tháng. Trong khi đó, việc chi tiêu ngân sách còn nhiều lãng phí, dễ nhìn thấy nhất chính là việc đầu tư và sử dụng xe công. Bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách khoán xe công nên được làm quyết liệt và bắt buộc phải thực hiện, thay vì tự nguyện như lâu nay. |