Xã nghèo ám ảnh ung thư

Xã nghèo ám ảnh ung thư
TP - Bệnh ung thư đang trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Phong Sơn (huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế). Nhiều đứa trẻ bỗng côi cút bơ vơ vì bố mẹ cùng mắc ung thư lìa đời. Cả trăm người chết vì ung thư tại xã nghèo vùng đồi núi này, nguyên nhân vẫn chưa được xác định.
Nguồn nước bẩn, nhiễm phèn, lắng đầy cặn vôi vẫn được dân Phong Sơn dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Ngọc Văn
Nguồn nước bẩn, nhiễm phèn, lắng đầy cặn vôi vẫn được dân Phong Sơn dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Ngọc Văn .

Ám ảnh chết chóc

Hôm về Phong Sơn, con đường đất thuộc thôn Thanh Tân nhớp nháp bùn nhão sau mưa vẫn còn vương vãi nhiều vàng mã của một đám tang.

Chị Tuyết, nhà ở đầu thôn kể: Đó là tang của ông N.N vừa bỏ lại vợ con ra đi do ung thư. Ông N. đang khỏe mạnh thì phát bệnh và suy giảm sức khỏe rất nhanh. Đi khám ở tỉnh mới biết mắc ung thư gan giai đoạn cuối, bệnh viện cho về vài bữa thì mất.

“Trước ông N, rất nhiều người trong xã cũng chết vì ung thư. Căn bệnh đó giờ trở thành nỗi ám ảnh từ làng trên xóm dưới. Nhiều người nơm nớp, liệu nó có gọi đến tên mình không”, chị Tuyết lo lắng.

Trước khi thăm các xóm làng có nhiều người chết vì ung thư ở Phong Sơn, tôi tình cờ được xem cuốn “sổ tử” do địa phương lập lưu tên nhiều người ra đi vì ung thư, với đủ các thành phần, lứa tuổi, giới tính.

Họ mắc nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư máu, gan, phổi, vòm họng, dạ dày, vú, xương hàm, u não… Không cần mở sổ, ông Trần Ngọc Quang (cán bộ văn phòng UBND xã) vẫn “điểm danh” vanh vách nhiều trường hợp mất do ung thư thời gian gần đây: Chị T.T.N mất vì K máu, ông D.M.P chết do K gan, bà T.T.T cũng chết bởi K gan, chị T.T.D ung thư máu, ông N.V.V bị K vòm họng, chị T.T.T ung thư phổi…

Theo thống kê của UBND xã, tất cả các thôn trên địa bàn đều có người chết vì ung thư. Nhiều nhất là các thôn Cổ Bi 2, Tứ Chánh, Phe Tư, Hiền An, với từ 10 đến 20 người chết trong vài năm lại đây.

“Ngay cái xóm Bản nhỏ bé chỉ chưa đầy 20 nóc nhà thuộc thôn Phe Tư, có đến 4 người chết vì ung thư trong hai năm qua. Họ mất khi đang là lao động chính của gia đình, chưa già. Tháng rồi, trong xã cũng vừa có hai người chết vì căn bệnh hiểm này”, ông Trần Ngọc Quang nói.

Cũng tại thôn Phe Tư, có trường hợp cả cặp vợ chồng cùng mắc ung thư rồi chết, để lại sáu người con bơ vơ côi cút, hai con trong số đó bị dị tật bẩm sinh.

Cuộc sống khốn khó kể từ ngày bố mẹ không còn, bốn con lớn phải đi ở đợ kiếm bát cơm qua ngày, gia đình bỗng chốc ly tán. Hai đứa nhỏ dị tật thiếu chăm sóc của người thân, vất vưởng lay lắt một thời gian rồi cũng lần lượt chết yểu.

Trường hợp gia đình vợ chồng anh chị P.C, T.T.C (thôn Hiền An) khi nhắc đến cũng khiến nhiều người chạnh lòng. Trước ngày mắc ung thư gan, anh C. là lao động chính, chuyên lái máy cày thuê, kết hợp làm thêm mấy sào vườn, vài công ruộng để lo cái ăn cái mặc cho cả đàn con nhỏ và người vợ mắc tim mạch.

Thế rồi anh trở ốm, nằm liệt giường dăm bữa thì qua đời, để lại sáu mặt con. Đứa lớn mới 14 tuổi, cháu út còn chưa biết bò.

Từ hôm chồng mất, người vợ bệnh tật cố gắng gượng lê lết làm lụng những việc vừa sức để kiếm chút rau cháo nuôi các con nhỏ. Rồi chị cũng không còn sức để lo cho chúng…

Ngày chúng tôi ghé thăm, chỉ còn mỗi chị C. sống trong ngôi nhà xiêu vẹo, lơ lửng mấy tấm phên tre mục che chắn mưa gió. Những đứa nhỏ đã được chị mang gửi trung tâm xã hội hoặc nhà chùa nhờ nuôi dưỡng.

Tuy các con lớn - bé giờ mỗi đứa một phương, nhưng tất cả đều cố gắng học hành, thậm chí học rất giỏi. Sáu đứa con mồ côi cha với hơn 100 tờ giấy khen học tập từ xa gửi về nhà. Gia đình chị vừa được tặng danh hiệu gia đình hiếu học là vì thế.

“Từ ngày chồng chết, cũng nhờ có bà con lối xóm giúp mớ khoai, bao gạo; chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm luôn quan tâm giúp đỡ, an ủi; các cháu đều gắng học giỏi, nên tui cũng thấy đỡ tủi tấm thân góa bụa và vơi đi phần nào mất mát”, chị C. tâm sự.

Cũng tại thôn Hiền An - một trong những vùng xếp đầu xã về số người chết vì ung thư, nhớ hôm về thăm, chị cán bộ địa phương đưa thẳng chúng tôi đến mục kích một ngôi nhà xiêu vẹo khác, nằm hoang lạnh bên đường.

Căn nhà tuềnh toàng này từng là mái ấm của gia đình anh T.H.Đ và chị N.T.C. Hai vợ chồng đã chết từ ba năm trước do mắc bệnh ung thư phổi khi mới ngoài 40 tuổi.

Sáu đứa con mồ côi không nơi nương tự lần lượt bỏ nhà, rời làng tìm vào Nam kiếm sống. Cách đó không xa là nhà của anh Đ.D và chị H.T.X. Cặp vợ chồng trẻ này cũng vừa mất vì ung thư, bỏ lại bốn con nhỏ.

Chưa rõ nguyên nhân

Trưởng Trạm y tế xã Phong Sơn, bác sĩ Hoàng Du nói: “Đến giờ trạm y tế vẫn chưa rõ nguyên nhân nhiều người mắc, chết vì ung thư trên địa bàn là do đâu, chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về vấn đề này. Tôi nghĩ, nguồn nước tự nhiên trên địa bàn không bảo đảm vệ sinh, thuốc bảo vệ thực vật dùng tràn lan và tồn dư chất độc chiến tranh còn sót lại có thể là nguyên nhân gây nguy hại sức khỏe cho dân lâu nay”.

Ông Trần Ngọc Quang, cán bộ xã (bìa trái), nhớ vanh vách tên nhiều người chết vì các bệnh ung thư
Ông Trần Ngọc Quang, cán bộ xã (bìa trái), nhớ vanh vách tên nhiều người chết vì các bệnh ung thư .

Còn theo ông Trần Ngọc Quang, cán bộ văn phòng UBND xã, bệnh ung thư đã lần lượt lấy đi hơn 100 sinh mạng của dân Phong Sơn, đa số người mắc chỉ đến khi phát bệnh nặng mới chịu đi khám.

Hồi chiến tranh, Phong Sơn là vùng căn cứ địa cách mạng, máy bay Mỹ thường xuyên rải chất khai quang.

Ông Nguyễn Bá Nam, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết, gần đây dân địa phương phát hiện bốn thùng phuy đựng chất khai quang rất độc hại tại vùng khe Mạ, nơi cung cấp nước cho một nửa địa bàn Phong Sơn.

Theo ông Nam, mấy năm trước, Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh từng về kiểm tra phân tích nguồn nước.

“Cán bộ xã chúng tôi chỉ nghe nói nguồn nước tự nhiên trên địa bàn không bảo đảm vệ sinh mà thôi, chả có thông tin gì thêm. Dân thì vẫn cứ chết vì ung thư. Qua họp hành, chúng tôi thường xuyên kiến nghị cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, tìm nguyên nhân, nhưng mọi chuyện rơi vào im lặng”, ông Nam nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG