> Đang nghiên cứu tự sản xuất thuốc để thi hành án tử hình
Lo ngại nguồn thuốc
ĐBQH truy cơ quan chức năng khi xây dựng luật đã không tính đến khả năng cung cấp nguồn thuốc, dẫn đến hậu quả này.
Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), khi thuyết phục để QH đồng ý tử hình bằng tiêm thuốc độc, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt điểm ưu việt. Loại thuốc độc sẽ dùng, trách nhiệm cung cấp của Bộ Y tế… đều đã có quy định.
Thế nhưng cho đến nay, khi cần thực thi thì lại không có thuốc. “Chính phủ đã dành bao nhiêu thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và chắc chắn là đi tham quan nước ngoài để biết rõ các loại thuốc cũng như quy trình thực hiện mà không tìm hiểu tiếp có ai bán các loại thuốc đó hay không?” - bà Hải phát biểu.
Theo ĐB, rõ ràng công tác chuẩn bị không được tốt. Mới ngày hôm qua, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC cung cấp thêm thông tin là tử hình bằng thuốc độc không chỉ khó khăn về nguồn thuốc mà còn nhiều khó khăn khác như vận chuyển tù nhân đến nơi thi hành án rất rủi ro.
Việc đánh tháo tù nhân rất dễ xảy ra; khi thi hành án theo quy định phải có nhiều cơ quan chức năng tham gia, chứng kiến, mất thời gian đi lại…“Tại sao, khi trình Quốc hội thông qua luật này, chưa bao giờ thấy nêu lên khó khăn như vậy”.
Trách nhiệm của cơ quan trình dự luật đối với tính khả thi các điều luật là còn nhiều bất cập, hạn chế.
Thực tế, cơ quan soạn thảo khi trình luật thường chỉ nêu lên những mặt ưu việt, tính tích cực mà không nêu lên những khó khăn, bất cập hay những mặt trái, những tác động tiêu cực lên đời sống xã hội khi thực hiện các điều luật đó trong thực tế để đại biểu cân nhắc, lựa chọn và quyết định” - ĐB Hải phân tích.
ĐB Nguyễn Thanh Hải, Hòa Bình nói, không có gì khổ bằng ngồi chờ chết. Hiện nay 500 tử tù đang ngồi chờ vì một quyết định còn chưa mang nhiều tính thực tế của chúng ta. Vấn đề này đang ẩn chứa nhiều hiểm họa xã hội khôn lường và ảnh hưởng tới tính nghiêm minh của luật pháp - ĐB Hải kiến nghị.
Đặt hàng nhà khoa học
ĐB Hà Hùng Cường. |
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Mọi công việc chuẩn bị để áp dụng tiêm thuốc độc cơ bản đã xong, từ xây cơ sở cho đến trang thiết bị, đào tạo, chỉ thiếu mỗi thuốc”. Nguyên nhân được ông Cường giải thích là do trong Nghị định của Chính phủ lại ghi rõ tên thuốc, mà đều là loại thuốc trong nước chưa sản xuất được, phải nhập.
Khi đối tác biết được ý định nhập thuốc về để xử án tử hình thì họ dừng việc xuất thuốc lại và khuyến nghị nếu phía VN vẫn dùng thì có thể ảnh hưởng đến việc nhập các nguồn thuốc khác. Hướng xử lý tới đây, Hội đồng chuyên môn tối cao của Bộ Y tế nghiên cứu kỹ và tìm ra các nhóm thuốc mà trong nước tự sản xuất, trong thời gian sớm nhất.
ĐB Hải nhất trí với đại biểu Hà Công Long (Gia Lai), tha thiết đề nghị Quốc hội nhất trí với kiến nghị của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tồn tại song song hai hình thức thi hành án tử hình cũ và mới, có lộ trình thay thế dần hình thức cũ bằng hình thức mới.
“Ngay trong kỳ họp này, Bộ Y tế phải trả lời dứt khoát liệu có mua được thuốc hay nguyên liệu sản xuất thuốc hay không, hoặc có thể bào chế ngay trong nước. Thậm chí, nếu cần thiết phải đặt hàng các nhà khoa học và xem đây là việc trọng điểm quốc gia trong năm tới” - ĐB hải kiến nghị.