Dừng thủy điện tiết kiệm hơn di dân

Dừng thủy điện tiết kiệm hơn di dân
TP - “Trong trường hợp đặc biệt đề nghị có chính sách dừng thủy điện này để an dân tốt hơn”- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh phát biểu trước QH chiều 30-10 khi đề cập đến tình hình thủy điện Sông Tranh 2 trên địa bàn tỉnh.

> Đập thủy điện Sông Tranh 2 đặc biệt khác thường

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Phước Thanh nói: Chúng tôi đã tính phương án di dời dân những không thể được bởi số dân sống dưới lưu vực quá lớn, tới hơn 100 nghìn người. Nếu di dời số dân này thì tốn kém gấp cả nghìn lần so với dừng nhà máy. Do vậy, nếu nghiên cứu thấy nguy cơ rõ ràng thì cần dừng hoạt động nhà máy.

Đâu là những lo ngại mà tỉnh tính tới phương án đề xuất dừng hoạt động nhà máy này, thưa ông?

Bình quân trong thời gian qua trên địa bàn thủy điện Sông Tranh 2 cứ 5 ngày có một trận động đất. Gần đây một số trận có cường độ tương đối lớn, ngày 22- 10 động đất 4,6 độ richter.

Đây là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay, làm rung chấn cả một khu vực với bán kính trên 50 km. Người dân trong khu vực hết sức hoang mang, lo lắng bỏ chạy ra khỏi nhà.

Thực ra, thiệt hại đến nay là chưa lớn với gần 900 ngôi nhà bị nứt, chưa có thiệt hại về người. Nhưng tâm lý người dân rất lo sợ động đất sẽ mạnh hơn.

Chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để có thể dự báo trong thời gian tới ra sao, cường độ, tấn xuất động đất có mạnh hơn không.

Ngoài phát biểu tại QH, UBND tỉnh đã có văn bản chính thức đề nghị với Chính phủ xem xét trong tình huống xấu cần dừng nhà máy thủy điện này không, thưa ông?

Trong nhiều cuộc họp và làm việc với các bộ, ngành chúng tôi đã đề cập đến việc này. Bởi nếu thấy nguy cơ lớn thì nên dừng, không cho nhà máy hoạt động.

Điều này hoàn toàn đúng. Tôi nghĩ với quan điểm này thì bất cứ cơ quan và đồng chí lãnh đạo nào cũng chấp thuận. Bởi khi khảo sát thấy nguy cơ lớn thì không ai dám cho nhà máy hoạt động.

Đập thủy điện Sông Tranh 2
Đập thủy điện Sông Tranh 2.

Nếu tình huống xấu nhất là dừng hoạt động của thủy điện thì thiệt hại kinh tế là bao nhiêu, thưa ông?

Tôi được biết tổng đầu tư của dự án Thủy điện Sông Tranh 2 là 5.100 tỷ đồng. Số tiền này là lớn nhưng không thể so với thiệt hại của dân cư. Nếu dự báo được tình hình xấu thì phải chấp nhận.

Tổng đầu tư 5.100 tỷ nhưng chủ đầu tư đã phát điện được một thời gian, thưa ông?

Nhà máy phát điện từ tháng 12- 2010. Nhưng sau đó do có sự cố thấm nước nền phải dừng hoạt động thời gian khá dài. Từ tháng 9- 2012 đến nay thì nước về bao nhiêu xả bấy nhiêu. Tôi nghĩ hiện tại nhà máy cũng chưa thu được gì nhiều vì mức độ hoạt động ít, thời gian quá ngắn.

Cụ thể những khu vực nào bị ảnh hưởng trực tiếp nếu trường hợp xấu xảy ra, thưa ông?

Hiện tại dưới chân đập rất nhiều dân. Chỉ riêng thị trấn Bắc Trà My nằm ngay dưới chân đập đã có tới trên 10 nghìn dân. Còn cả huyện Bắc Trà My là hơn 40 nghìn dân. Nếu đập vỡ thì ảnh hưởng ngay đến khu vực dân cư này.

Như ông nói phương án di dời dân là rất khó khăn?

Đúng vậy. Chúng tôi đã tính phương án di dời dân nhưng không thể được bởi số dân sống dưới lưu vực quá lớn, tới hơn 100 nghìn người. Nếu di dời số dân này thì tốn kém gấp nhiều lần so với dừng nhà máy. Các nhà khoa học đã khẳng định, động đất tại đây là do tích nước.

Do không có cửa xả đáy nên trong đập bình thường đã có 220 triệu m3 nước. Khi nước về lớn thì dung lượng nước có thể lên tới 730 triệu m3, lúc đó mới đến khu vực xả tràn. Chúng tôi đang lo ngại mùa mưa lũ năm nay, khi lượng nước đổ về đập lớn hơn thì tình hình sẽ ra sao?

Cám ơn ông.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:

Tiếp tục theo dõi thủy điện Sông Tranh 2

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Chính phủ đã giao cho các bộ, hội đồng nghiệm thu nhà nước và thuê cả tư vấn nước ngoài vào kiểm tra thủy thiện Sông Tranh 2.

Qua đánh giá có hai việc: Thứ nhất là thấm nước đã được xử lý đến 99,9%. Còn vấn đề về ổn định đập thì cũng đã thuê tư vấn nước ngoài đánh giá. Chất lượng của đập cũng đã thuê tư vấn nước ngoài khoan, lấy mẫu… và đều đánh giá các tiêu chuẩn về thiết kế là bảo đảm, các số liệu về ổn định đập vượt chỉ tiêu cho phép, kể cả về số liệu động đất.

Điều này đã được hội đồng nghiệm thu nhà nước công bố. Tuy vậy, do ảnh hưởng của động đất kích thích thời gian qua nên đã quyết định không tích nước tại thủy điện này để tiếp tục theo dõi.

Thứ hai là cũng đã giao cho Viện Vật lý địa cầu lắp các trạm địa chấn đầy đủ để theo dõi, đồng thời giao cho Viện mời các chuyên gia nước ngoài tham gia đánh giá các nứt gãy địa chất đó.

“Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy động đất kích thích thường tắt dần nên phải theo dõi, đánh giá và nếu vượt qua chấn động cực đại, nghĩa là vượt qua tiêu chuẩn thiết kế, thì phải xem lại công trình và công trình sẽ không thể đưa vào vận hành”- Phó Thủ tướng nói.

 

Hà Nhân
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.