Nợ xấu, hàng tồn kho làm 'nóng' nghị trường

Nợ xấu, hàng tồn kho làm 'nóng' nghị trường
Nợ xấu, hàng tồn kho là những vấn đề "nóng" được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội 2012, sáng 30-10.

> ĐBQH Đặng Thành Tâm: Không nên quá bi quan

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM)
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM).

Các đại biểu đều cho rằng kinh tế-xã hội năm 2012 đã chuyển biến tích cực đúng hướng khi kinh tế vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng ở mức hợp lý, lãi suất ngân hàng giảm, niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp được củng cố.

Tuy nhiên trong bức tranh chung đó thì nảy sinh những vấn đề là rào cản cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế như nợ xấu ngân hàng và hàng tồn kho của doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) sau khi gọi nợ xấu là “cục máu đông” làm tắc nghẽn nền kinh tế tại Kỳ họp thứ 3 thì nay ông cho rằng đang là “vòng kim cô làm chết doanh nghiệp".

Để giải quyết nợ xấu, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là “trách nhiệm của các tổ chức tín dụng”. Hiện các tổ chức tín dụng trích lập quỹ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu là hợp lý, nhưng cần phải rà soát, phân loại (mức độ, tỷ lệ, khả năng phát sinh) các khoản nợ xấu để dễ dàng xử lý.

Đối với công ty mua bán nợ xấu, cần thiết phải thành lập, hoạt động công khai, minh bạch, ràng buộc rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng. Đặc biệt không để công ty này sử dụng ngân sách nhà nước để mua, xử lý nợ xấu.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) cho rằng xử lý nợ xấu không chỉ bằng kêu gọi cá nhân, tổ chức trong nước mua mà có thể chào hàng các tổ chức quốc tế để họ mua, nhất là đối với các khoản nợ xấu trong nước.

Cùng với các giải pháp trên, nhiều đại biểu đề nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thực hiện hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, từ đó góp phần giảm nợ xấu. Đại biểu Trần Du Lịch nêu thực tế nhiều doanh nghiệp được vay ưu đãi lãi suất lên tới 9%/năm nhưng vẫn phải “có những khoản khác (cho ngân hàng- PV), nếu không có thì không vay được”.

Gắn liền với việc xử lý nợ xấu là “giải phóng” hàng tồn kho. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng đáng lo ngại nhất là tồn kho bất động sản với khoảng 100.000 căn hộ mà chủ đầu tư không bán được, mặc dù Bộ Xây dựng thời gian qua đã có nhiều cố gắng. Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị Chính phủ tính toán nới tín dụng tiêu dùng để tiêu thụ tồn kho bất động sản.

Đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) phát biểu tại cuộc thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáng 30-10
Đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) phát biểu tại cuộc thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáng 30-10.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng lưu ý xử lý hàng tồn kho cần chú ý tới áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ví dụ sắt thép của chúng ta tốt hơn, hàng tồn còn nhiều nhưng ta vẫn nhập thép nước ngoài giá rẻ, chất lượng kém hơn, do vậy, cần hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được làm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để giải quyết hàng tồn trong lĩnh vực xây dựng, đại biểu Lê Hữu Đức (đoàn Khánh Hòa) cho rằng cần phát hành trái phiếu cho các công trình quốc gia dân sinh ví dụ đường 1A để tiêu thụ xi măng, sắp thép… Cùng với đó các doanh nghiệp cần nỗ lực tìm thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau.

Nhấn mạnh rằng kinh tế sẽ trì trệ nếu không có giải pháp kịp thời xử lý nợ xấu và hàng tồn kho, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng Chính phủ công bố nhanh các giải pháp chính sách để xử lý, và làm thế nào để chính sách này bắt nhập thực tế, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Giải phóng hàng tồn kho

Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về hàng tồn kho, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (đoàn Lạng Sơn) cho biết tỷ lệ hàng tồn kho đang giảm dần và tỷ lệ tồn kho của một số mặt hàng sẽ trở lại bình thường vào cuối năm nay.

Theo ông Vũ Huy Hoàng, giữa năm 2012, chỉ số tồn kho của cả nước ở ngành chế biến- chế tạo là 34,9% là mức cao so với thông lệ. Sau đó, ta đã phấn đấu quyết liệt giảm tỷ lệ này và đến ngày 1/10 thì còn 20,3%- thấp hơn cùng kỳ năm 2011 và 2010 (trên 21%).

“Tồn kho tương đối cao có than, sắt thép, phân bón và trong chừng mực nào đó thì có xi măng”, ông Vũ Huy Hoàng nói.

Theo quy định thì mặt hàng than phải có dự trữ sản xuất (tồn kho) khoảng 15%, nhưng hiện nay tồn kho là 19%- cao hơn 4%. Để giảm tồn kho, ngành than đã cố gắng giải phóng khoảng hơn 1 triệu tấn than. Hiện ngành đang xin giảm thuế và điều hành theo giá thị trường, giảm giá cho một số hộ tiêu thụ than. Từ nay đến cuối năm tồn kho than sẽ trở về bình thường.

Với tồn kho mặt hàng phân bón, khi đến vụ đông xuân sẽ nhu cầu tăng lên. Tồn kho thép hiện cao hơn so với cùng kỳ do “cung vượt cầu”. Bộ Công Thương đã làm việc với Hiệp hội Thép để tìm giải pháp, còn Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương điều chỉnh thuế nhập khẩu thép cao hơn nhưng phù hợp với cam kết quốc tế để giảm thép nhập khẩu trong khi thép trong nước vẫn còn tồn đọng.

Đối với việc thép được nhập khẩu vào Việt Nam theo một số đại biểu là có chất lượng kém, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, vừa rồi có một số sản phẩm thép do doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu, trong đó có một phần thép chế tạo (giá rẻ)- nhưng trên thực tế là thép xây dựng để bán ở trong nước. Đó là gian lận thương mại và Bộ Công Thương sẽ xử lý nghiêm việc này, Bộ trưởng nói. Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta không được áp dụng biện pháp hạn chế nhập nếu sản phẩm đó đáp ứng được yêu cầu.

Vấn đề của các doanh nghiệp hiện nay không chỉ giải quyết tồn kho mà còn làm sao để duy trì sản xuất hợp lý để chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất tới năm 2013, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Theo Chinhphu.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.