> Ai biến hàng nghìn héc-ta rừng thành rẫy mía?
Cây gỗ to bị đốn hạ. |
Thôn Cáy Mắt cách trung tâm huyện Tiên Yên khoảng 10 km đang là thủ phủ của nạn phá rừng. Ở đây chỉ có vài chục hộ dân nhưng theo thống kê ban đầu đã có trên 30ha rừng bị tàn phá.
Từ đường vào cảng Mũi Chùa rẽ vào thôn khoảng vài trăm mét, đã thấy nhiều vạt rừng trồng nằm xen với rừng cần được bảo vệ bị chặt hạ.
Trước cửa nhà văn hóa thôn Cáy Mắt, cả vạt rừng lớn bị đốt cháy. Những cây gỗ lớn đường kính 20 - 30 cm nằm ngổn ngang bên sườn đồi.
Hàng nghìn cây gỗ to nhỏ đã bị đốt rụi, chặt hạ. Những cây chưa cháy lớn cỡ một người ôm bị cưa tới gốc. Nhiều cây gỗ lớn đứng trơ trọi khi cành lá đã bị đốt cháy khô.
Một người dân cho biết, cánh rừng bị đốt từ giữa tháng 7. Sau khi cháy xong người ta mới thu dọn cây và than củi. Những cây chưa cháy hết sẽ được mang về cho vào hầm ủ để thành củi. Cây lớn có đường kính 30-60 cm được cưa thành từng đoạn cất giấu để làm nhà hoặc chia nhỏ bán cho các xưởng gỗ.
Đường xuyên thôn Cáy Mắt chỉ chưa đầy 2 km nhưng cứ nhìn lên rừng là thấy dấu vết bị tàn phá. Phía dưới, có nhà dân chất hàng đống gỗ lớn bên vệ đường.
Từ quốc lộ 18 đi vào cảng Mũi Chùa, thuộc xã Tiên Lãng khoảng 2 km, người dân chỉ cho chúng tôi một con đường nhỏ mới được mở với nhiều dấu bánh xe tải nhỏ chạy thẳng vào rừng.
Cách đó không xa một vạt rừng nguyên sinh đã bị chặt hạ. Nhiều thân gỗ to nằm dưới hầm. Xung quanh than thành phẩm vương vãi khắp nơi…
Một người dân xin giấu tên cho hay, hầu hết các hộ trong thôn đều được giao đất trồng rừng, được giao quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng được giao quá ít. Có nhà 5 anh em mới có 7ha. Nhiều hộ tìm cách mở rộng diện tích rừng trồng nằm cạnh rừng tự nhiên bằng cách chặt hạ từ từ.
Gỗ rừng bị đốt làm than. |
Năm này qua năm khác vừa có củi đun, thi thoảng làm một hầm ủ than bán. Những vạt khói xuất hiện trên rừng chủ yếu là hầm ủ than mà người dân vẫn nói rằng do đốt thực bì. Gần đây nạn phá rừng mới diễn ra ồ ạt.
Một thổ địa nói, rất khó mang gỗ ra khỏi rừng và ra khỏi xã vì sẽ bị kiểm lâm chặn bắt. Vì vậy, người dân cho tất vào hầm ủ lấy than đem bán.
Ông Đỗ Văn Quyền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tiên Yên cho biết, xã Tiên Lãng có diện tích trên 600ha và phần lớn là đất rừng. Trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm khoảng hai phần ba. Tại xã có một kiểm lâm viên là Hoàng Dương phụ trách.
“Rừng bị phá chính là rừng tự nhiên nghèo đang phục hồi không nhiều cây gỗ lớn. Trong rừng ngoài lim thì chủ yếu là các loại gỗ tạp. Trước tiên lỗi thuộc về chủ rừng (người được giao rừng), thứ nữa là chính quyền địa phương cơ sở và chắc chắn có trách nhiệm của kiểm lâm viên phụ trách địa bàn” - ông Quyền nói.
Khi được hỏi vì sao rừng bị tàn phá từ nhiều tháng nay mà mới đây mới báo huyện? Ông Quyền cho biết, kiểm lâm viên và xã không thông báo…
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Tiến Chộng, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên nói, rừng tự nhiên ở thôn Cáy Mắt và xã Tiên Lãng là một trong những cánh rừng nguyên sinh được khoanh nuôi bảo vệ đẹp nhất huyện còn sót lại.
Trong rất nhiều năm, địa phương kéo rất nhiều dự án để đảm bảo cuộc sống người dân nhằm giữ rừng. “Tôi mới nhận được báo cáo của Hạt kiểm lâm và ngay lập tức quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn nhằm xác minh diện tích rừng bị phá, truy trách nhiệm cá nhân, tập thể. Chắc chắn sẽ phải khởi tố kẻ phá rừng và kỷ luật nhiều cán bộ từ thôn tới xã vì diện tích rừng bị phá là rất lớn…” - ông Chộng nói.