Phó chủ tịch tỉnh Thái Nguyên cũng bức xúc: Có bao nhiêu vụ lâm tặc được lực lượng kiểm lâm trực tiếp phát hiện? Bao nhiêu vụ bắt giữ khi đi tuần? Bao nhiêu vụ do kiểm lâm tổ chức đánh án? Lực lượng kiểm lâm thừa nhận không có vụ nào.
Cuối năm ngoái, nhóm Forest Trend công bố kết quả nghiên cứu: kiểm lâm được hưởng lợi 30% từ việc buôn gỗ lậu.
Nước ta có rừng vàng biển bạc. Biển đang dậy sóng, rừng thì như vậy đấy. Người trong ngành rừng không sợ mất rừng, không sợ bị dân tố cáo, vậy còn ai giữ rừng? Hành xử như với rừng Ba Bể, rừng ở Thái Nguyên vừa qua, kiểm lâm đã tự biến mình thành trung gian, thành “cò” cho lâm tặc và đầu nậu.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói với báo Tuổi trẻ: Về làm dân tôi nghe được tiếng nói thật lòng. Nhiều chuyện không thể tin được vẫn diễn ra hàng ngày, ai ai cũng ta thán về khó khăn đời sống và làm ăn, cũng không hài lòng về nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Còn PGS.TS Bùi Đức Kháng – Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính, Kinh tế - bình luận: “Lạ thật, hành dân từ “chỗ tối”, dần rồi công khai luôn. Đảng, Nhà nước đã tiến hành rất nhiều chương trình giáo dục tư tưởng cán bộ nhưng có ai sợ dân đâu? Đi tìm cán bộ sợ dân như ta đã giáo dục khó lắm”.
Khi cán bộ không sợ dân, dân chán/ ngại/ không muốn gặp cán bộ, thì lực lượng “cò” hành chính ra đời, tiếp tay cho sự không minh bạch.
Ở TPHCM, ở Đà Nẵng đã xuất hiện những mô hình hay để người dân có tiếng nói khi bị “hành”, để giải quyết công việc nhanh và trực tiếp hơn, để cán bộ biết sợ dân và có trách nhiệm. Mong rằng tín hiệu tốt lành ấy được cổ vũ, được đẩy đi xa hơn rộng hơn lan tỏa nhanh hơn.