Trắng tay về nước

Các lao động tụ tập trước trụ sở Cty Vinaconexmec ngày 15-6 Ảnh: P.C
Các lao động tụ tập trước trụ sở Cty Vinaconexmec ngày 15-6 Ảnh: P.C
TP - Mất hơn 80 triệu đồng để sang Nga làm công nhân xây dựng, nhưng nhiều lao động phải làm việc chui lủi, gặp cảnh sát phải bỏ chạy vì sợ bị bắt. Khi về nước mới biết họ sang Nga bằng visa du lịch, không phải visa lao động.

> Chặn cả tiền của thuyền viên mất việc

Ngày 15-6, 27 lao động đến từ nhiều tỉnh, thành phố (Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh...) tụ tập trước tầng 1, Toà nhà 17 T6, Trung Hoà - Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) để đề nghị lãnh đạo Cty Cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex (Vinaconexmec) hoàn trả số tiền 3.200 USD vì đã vi phạm hợp đồng.

Anh Trần Đình Hưng (37 tuổi, ở xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An), nói rằng, theo hợp đồng, họ sang Nga làm công nhân xây dựng tại thành phố Vladimir Vostok trong 2 năm, lương cơ bản 500 USD/tháng.

Tuy nhiên, khi sang Nga, họ phải sống chui lủi, thường xuyên bị chủ sử dụng cho người dọa dẫm, đánh đập. Mỗi lần gặp cảnh sát, phải bỏ chạy vì trước đó bị chủ sử dụng giữ hết giấy tờ tuỳ thân.

“Theo hợp đồng, lương cơ bản 500 USD/háng, nhưng chúng tôi chỉ được trả 320 USD/tháng, đã thế còn bị trừ tiền ăn”, anh Hưng nói.

Anh Phạm Sỹ Thơ (thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) cho biết, theo hợp đồng, tất cả lao động sang làm việc cho chủ sử dụng là người Nga.

Tuy nhiên, thực tế, người quản lý trực tiếp có tên là Trương Tấn Khải - người Việt Nam. “Ông Khải hay cho người nhà dọa dẫm lao động. Thậm chí, có người đã bị đánh. Bức xúc, chúng tôi đã nhiều lần gọi điện về nước, đề nghị đại diện Cty Vinaconexmec sang giải quyết nhưng vô vọng”, anh Thơ bức xúc.

Anh Trần Văn Hường (39 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hoá) nói, dù làm việc cả thứ 7 và chủ nhật, nhưng không được chủ trả tiền làm thêm giờ.

“Mất hơn 80 triệu đồng để đi Nga nhưng nay về tay trắng. Lãi mẹ đẻ lãi con, giờ không có tiền trả ngân hàng. Thế mà đại diện Cty cho biết là chỉ bồi thường có 8 triệu đồng/người”, anh Hường nói.

Đưa lao động chui?

Visa của người lao động là visa du lịch với thời hạn 2 tháng 22 ngày Ảnh: P.C
Visa của người lao động là visa du lịch với thời hạn 2 tháng 22 ngày Ảnh: P.C.

Theo tài liệu mà PV Tiền Phong có được, Cty Vinaconexmec đưa số lao động này sang Nga bằng visa du lịch. Theo thời hạn ghi trên visa là 2 tháng 22 ngày (từ 5-7-2011 đến ngày 27-9-2011).

Trong khi đó, theo hợp đồng do ông Nguyễn Văn Hiệp, Tổng giám đốc Cty Vinaconexmec, ký với người lao động, thời hạn làm việc là 2 năm tính từ ngày nhập cảnh vào Nga và hợp đồng làm việc có thể được gia hạn theo yêu cầu của chủ sử dụng lao động.

Cũng theo hợp đồng ký kết, lương cơ bản khi lao động sang Nga là 500 USD/tháng và được chủ sử dụng cung cấp miễn phí chỗ ở, dụng cụ, phương tiện để hỗ trợ người lao động tự nấu ăn...

Tuy nhiên, theo phản ánh của các lao động, hợp đồng ký một đằng nhưng thực tế diễn ra một nẻo.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết, Cty đang cố gắng thanh lý hợp đồng với lao động. Theo ông Hiệp, đơn hàng này đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thẩm định, visa được Đại sứ quán Nga tại Việt Nam cấp, sau khi sang Nga, các lao động đã được cấp giấy phép lao động.

“Lao động làm việc tại thành phố Vladimir Vostok thì làm chui sao được”, ông Hiệp khẳng định.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi vì sao, khi xuất cảnh, thời hạn ghi trên visa của người lao động chỉ là 2 tháng 22 ngày, ông Hiệp không nắm được và nói rằng sẽ cho cán bộ kiểm tra.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết, sẽ cho cán bộ kiểm tra, xử lý. Nếu phát hiện có sai phạm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, Cty Vinaconexmec sẽ bị xử lý nghiêm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.